Ung thư tụy, viêm tụy mạn vì nghiện thứ này lâu năm

Mới đây, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 1 trường hợp viêm tụy mạn, sỏi tụy với hậu quả là đau bụng kéo dài và 1 trường hợp viêm tụy mạn có biến chứng ung thư tụy. Cả 2 trường hợp đều liên quan đến lạm dụng bia rượu.

2 trường hợp viêm tụy mạn và ung thư tụy đều liên quan đến lạm dụng bia rượu. Ảnh minh họa: SK&ĐS

2 trường hợp viêm tụy mạn và ung thư tụy đều liên quan đến lạm dụng bia rượu. Ảnh minh họa: SK&ĐS

Đau bụng, ăn uống kém nhiều ngày

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam N.V.B (50 tuổi), có thói quen uống rượu từ năm 20 tuổi, mỗi ngày trung bình 150ml.

Anh B. thấy đau bụng âm ỉ quanh rốn, thượng vị, ở nhà tự mua thuốc giảm đau không đỡ. Một tháng gần đây, anh đau bụng tăng lên kèm ăn uống kém. Anh B. đến khám tại phòng khám của Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy.

Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh nhu mô tụy teo nhỏ, ống tụy giãn 1 cm và trong có rất nhiều sỏi. Bệnh nhân được chẩn đoán sỏi tụy/viêm tụy mạn - nghiện rượu và được phẫu thuật theo phương pháp Frey (mở dọc ống tụy từ đầu đến đuôi tụy, lấy tổ chức đầu tụy sinh thiết, nối tụy ruột).

Sau mổ, bệnh nhân được sử dụng hệ thống giảm đau, kết hợp vận động sớm sau mổ và can thiệp dinh dưỡng.

Bệnh nhân B. được ra viện sau 7 ngày phẫu thuật. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, hết đau bụng, ăn uống sinh hoạt bình thường, đã bỏ rượu theo tư vấn của bác sĩ.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân P.T.N (nam, 38 tuổi), cũng có thói quen sử dụng rượu sớm, từ năm 16 tuổi, kèm theo hút thuốc lá mỗi ngày trung bình 1 bao.

Cách vào viện một tháng, anh N. xuất hiện đau bụng vùng thượng vị âm ỉ kèm theo vàng mắt, vàng da tăng dần, gầy sút 5 kg trong vòng 1 tháng. Anh N. đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội và được chẩn đoán là tắc mật do viêm tụy mạn. Sau một thời gian điều trị nội khoa nhưng tình trạng bệnh không tiến triển, gia đình tìm hiểu thông tin và đã đến phòng khám Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy.

Trên cộng hưởng từ và cắt lớp vi tính cùng với siêu âm nội soi (2 lần) đều cho thấy anh N. có hình ảnh giãn ống tụy, sỏi tụy, giãn đường mật trong và ngoài gan, không rõ khối vùng đầu tụy.

Xét nghiệm sinh hóa và miễn dịch cho thấy Bilirubin toàn phần tăng cao 268 μmol/l, các chất chỉ điểm u (CEA và CA 199) trong giới hạn bình thường.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân, thăm dò trong mổ thấy toàn bộ đầu - thân - đuôi tụy cứng chắc, đầu tụy to thâm nhiễm mạc. Sinh thiết tức thì hạch quanh đầu tụy cho kết quả là ung thư biểu mô tuyến di căn, do đó bệnh nhân được quyết định cắt khối tá tràng - đầu tụy, nạo vét hạch mở rộng.

Kết quả giải phẫu bệnh khối tá tụy và tổ chức hạch quanh tụy là ung thư biểu mô tuyến tụy trên nền viêm tụy mạn tính, di căn 34/78 hạch nạo vét được.

Bệnh nhân ổn định và ra viện ngày thứ 9 sau mổ và được hẹn khám lại để xét điều trị bổ trợ. Tuy phẫu thuật thành công nhưng tiên lượng trường hợp này sẽ rất nặng do tụy viêm đã ung thư hóa và di căn hạch.

Nghiện rượu được coi là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy mạn

Theo các bác sĩ, viêm tụy mạn là một bệnh lý âm thầm trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn sớm của viêm tụy mạn (giai đoạn A) khi chưa có biến chứng và chưa thay đổi chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy.

Giai đoạn trung bình (giai đoạn B) khi viêm tụy mạn có những biến chứng nhưng chưa ảnh hưởng tới chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy trên lâm sàng.

Giai đoạn cuối (giai đoạn C) khi tiến trình xơ hóa tụy dẫn tới suy chức năng tụy ngoại tiết và/hoặc tụy nội tiết biểu hiện bằng đái tháo đường và ỉa phân mỡ.

Theo BS. Nguyễn Thành Khiêm, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, nghiện rượu được coi là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy mạn (chiếm tới khoảng 90% các trường hợp).

Rượu gây kết tủa và làm tăng độ nhớt của dịch tiết tuyến tụy, dẫn đến sự phát triển của các nút protein trong các ống dẫn nhỏ của tụy, sau đó hình thành sỏi gây viêm và xơ hóa tiến triển, dẫn đến hủy hoại tế bào tụy ngoại tiết, tế bào hình sao và tế bào biểu mô ống tụy.

Rượu cũng dẫn đến kích hoạt sớm trypsinogen và các enzym tiêu hóa khác trong chính các tế bào tụy ngoại tiết, điều này dẫn tới quá trình tự phá hủy trong nhu mô tụy dẫn đến tình trạng viêm tụy.

Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như đột biến gen, tắc hẹp ống tụy, tăng triglyceride máu, tăng canxi máu, viêm tụy tự miễn… Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân gọi là viêm tụy tự phát.

Những biểu hiện của bệnh viêm tụy mạn

Theo bác sĩ Khiêm, các triệu chứng của viêm tụy mạn thường không đặc hiệu. Tuy nhiên có vài biểu hiện dưới đây cần chú ý:

Đau bụng kéo dài: đây là triệu chứng gây khó chịu nhất cho người bệnh và cũng là chỉ định thường gặp nhất cho điều trị phẫu thuật. Đau nhiều gây nên chán ăn do đó dẫn đến suy dinh dưỡng và giảm cân. Vị trí đau thường ở thượng vị (mặc dù đau lan tỏa cả vùng bụng trên cũng có thể gặp) do đó đau thường được chẩn đoán là do viêm dạ dày.

Kém hấp thu: đi ngoài phân sống và sút cân cũng là biểu hiện lâm sàng quan trọng. Đi ngoài phân sống gặp ở giai đoạn bệnh tiến triển.

Đái tháo đường: chiếm tỷ lệ 20-28%, là biểu hiện của suy tụy nội tiết, đái tháo đường có đặc điểm là không ổn định và khó điều chỉnh do sự thiếu hụt cả yếu tố nhận biết tình trạng hạ đường máu được tiết ra từ tuyến tụy.

Viêm tụy mạn được coi là yếu tố nguy cơ phát triển ung thư tụy, tỷ lệ xuất hiện ung thư tụy ở bệnh nhân viêm tụy mạn là 1,8 - 3% sau 10 năm và 4% sau 20 năm. Nghiên cứu của Lowenfels cho thấy: nguy cơ ung thư tụy cao gấp 16 lần ở bệnh nhân viêm tụy mạn.

Khi viêm tụy tái phát nhiều lần gây ra tái tạo tế bào, dẫn đến viêm mạn tính, làm mất chức năng tế bào, phá hủy tuyến và làm tăng quá trình tân tạo tế bào. Việc tăng số lượng tế bào biểu mô ống tụy là yếu tố quan trọng hình thành ung thư tụy.

Ung thư tụy có tiên lượng rất xấu, mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và giảm được tỷ lệ tử vong và biến chứng sau mổ, tỷ lệ sống sau 1 năm 68%, 2 năm 46,7% và 5 năm là 18,7%.

Ngọc Nga

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ung-thu-tuy-viem-tuy-man-vi-nghien-thu-nay-lau-nam-post474814.html