Ung thư vòm họng nguy hiểm thế nào?

Ung thư vòm họng khó phát hiện được sớm, khoảng 98% đến viện ở giai đoạn muộn nên điều trị gặp nhiều khó khăn.

Ung thư vòm họng là loại bệnh ung thư nguy hiểm thường gặp ở một số nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Trong nhóm ung thư đầu cổ, ung thư vòm họng khá phổ biến, tỉ lệ nam giới mắc bệnh nhiều gấp 2,5 - 3 lần so với phụ nữ.

Vị trí ung thư là phần cổ họng nối phía sau mũi với hầu. Loại ung thư này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất từ 40-60 tuổi.

Hầu hết ung thư vòm họng là ung thư biểu mô tế bào vảy kém biệt hóa hoặc ung thư không biệt hóa nhạy cảm hơn với xạ trị so với các ung thư đầu cổ khác.

Nguyên nhân gây ung thư vòm họng

GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân gây ung thư vòm họng chưa được xác định rõ ràng. Song một số nghiên cứu cho thấy những người nhiễm virus Epsstein - Barr (EBV) thường có nguy cơ nhiễm ung thư vòm họng cao hơn.

Hình ảnh ung thư vòm họng

Hình ảnh ung thư vòm họng

Ngoài ra các bằng chứng gần đây cũng cho thấy ung thư vòm họng liên quan đến yếu tố di truyền do đột biến gene gây mất gene ức chế u, do đó nếu ai có người thân như bố mẹ, anh chị em mắc ung thư vòm họng thì có nguy cơ cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Thuốc lá, rượu, thường xuyên tiếp xúc khói bụi, ô nhiễm môi trường, ăn nhiều thức ăn lên men như dưa muối, cá muối…

Chẩn đoán ung thư vòm họng

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, kết quả soi vòm họng, khám hạch kết hợp với các xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học tại vòm hoặc tại hạch.

Theo GS Khoa, 90-97% bệnh nhân ung thư vòm họng phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 và 4.

Còn theo thống kê tại Bệnh viện K, phần lớn các trường hợp ung thư vòm mũi họng được chẩn đoán ở giai đoạn muộn sau khi có triệu chứng đầu tiên từ 6 tháng đến 1 năm.

Dấu hiệu ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Các dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, hay nhầm với các bệnh viêm mũi xoang.

Bệnh nhân có thể bị đau đầu, ngạt mũi thoáng qua, đôi khi xì ra máu mũi. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên. Đôi khi có xuất hiện hạch cổ ngay từ đầu, hạch nhỏ không đau.

Ở giai đoạn muộn, các triệu chứng tiến triển rõ rệt sau khoảng 6 tháng kể từ ghi phát hiện những triệu chứng đầu tiên, bao gồm:

- Xuất hiện hạch cổ, phổ biến nhất là vị trí hạch cổ cao, đặc biệt là hạch cổ sau trên.

- Triệu chứng mũi: Ngạt tắc mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhày lẫn máu do u lớn gây bít tắc hoặc do hoại tử u.

- Triệu chứng tai: phổ biến nhất là mất nghe một bên do u làm tắc vòi Eustachio dẫn tới viêm tai thanh dịch. Sự mất chức năng của vòi Eustachio có thể là kết quả từ sự xâm lấn các cơ nuốt hoặc liệt các cơ mở họng.

Triệu chứng mắt: Vào giai đoạn muộn khi u xâm lấn rộng sẽ gây chèn ép làm tổn thương dây thần kinh chi phối vận động mắt, khi đó bệnh nhân có biểu hiện lác, nhìn đôi, sụp mi, giảm hoặc mất thị lực.

Ở giai đoạn 4a, ung thư vòm họng thường di căn đến não, các dây thần kinh sọ, hầu họng, tuyến nước bọt ở phía trước tai, xương quanh mắt, các mô mềm của hàm. Ung thư cũng có thể đã lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên cổ.

Khi tiến triển đến giai đoạn 4b, ung thư đã lan ra ngoài các hạch bạch huyết ở cổ đến các hạch bạch huyết ở xa, chẳng hạn như các hạch bạch huyết giữa phổi, dưới xương đòn hoặc ở nách hoặc bẹn, hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi, xương, hoặc gan.

Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận và điều trị cho nam thanh niên 16 tuổi ở Hà Nội bị ung thư vòm họng. Triệu chứng ban đầu chỉ là ngạt mũi, gia đình tưởng cảm cúm nhưng uống thuốc không khỏi, sau đó một thời gian xuất hiện chảy máu mũi nên đến bệnh viện khám, khi đó ung thư vòm họng đã ở giai đoạn tiến triển.

Phương pháp và tiên lượng điều trị

Ung thư vòm họng khó can thiệp bằng phẫu thuật, do đó các liệu pháp kết hợp giữa hóa trị và xạ trị là những lựa chọn khả thi hơn cả.

Ở giai đoạn sớm, xạ trị đơn thuần có thể kiểm soát được tế bào ung thư. Tỉ lệ xạ trị ngay giai đoạn đầu có thể kéo dài thời gian sống thêm 5 năm đạt tới 97-100%.

Đối với ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển tại chỗ thì xạ trị đơn thuần cho thấy tỉ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, thời gian sống thêm 5 năm thấp từ 10% - 40%. Do đó nếu ung thư vòm họng không phải giai đoạn đầu, các bác sĩ sẽ sử dụng phác đồ phối hợp hóa – xạ trị.

Với ung thư vòm họng di căn, vị trí đầu tiên thường là di căn xương, nền sọ, kếo đó là di căn phổi, gan. Khoảng hơn một nửa bệnh nhân có nhiều hơn một vị trí di căn.

Tại Việt Nam chưa có thống kê cụ thể tỉ lệ sống của bệnh nhân ung thư vòm họng, tuy nhiên theo nghiên cứu tại Mỹ từ 2009 đến 2015 cho thấy, số người sống sót sau 5 năm phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn 1 là 82%, phát hiện ở giai đoạn 2 là 73%, giai đoạn 4 là 48%.

Tuy nhiên, tùy theo thể trạng và tâm lý của bệnh nhân mà thời gian sống của họ có thể khác nhau.

Còn tại Anh, có khoảng 80% bệnh nhân ung thư vòm họng sẽ sống được ít nhất 1 năm kể từ khi chẩn đoán, 50% sống được sau 5 năm.

Phòng bệnh ung thư vòm mũi họng

Hiện nay người ta cho rằng, 70 % nguyên nhân ung thư do yếu tố ngoại lai, còn 30% do yếu tố nội tại và do yếu tố di truyền, do đó người dân cần có chế độ ăn uống cân bằng, giảm mỡ động vật, giảm thịt, giảm thực phẩm lên men, tăng cường cá, rau hoa quả có nhiều vitamin C, E, tăng cường tập thể dục.

Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống rượu bia và các đồ uống có cồn để giảm nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư vòm họng.

Minh Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ung-thu-vom-hong-nguy-hiem-the-nao-678007.html