Ung thư vú có di truyền không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong cao nhất trong các loại ung thư ở nữ giới. Tại Việt Nam, ung thư vú cũng là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất. Vậy ung thư vú có di truyền không và làm cách nào để tầm soát ở giai đoạn sớm?

Nội dung

1. Nguyên nhân ung thư vú gia tăng ở phụ nữ

2. Ung thư vú có di truyền không?

3. Chẩn đoán phát hiện sớm đặc biệt quan trọng

1. Nguyên nhân ung thư vú gia tăng ở phụ nữ

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong các loại ung thư ở phụ nữ ngay cả ở những nước phát triển, chỉ sau ung thư phổi.

Thống kê tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 15.000 trường hợp ung thư vú mới mắc và số tử vong hàng năm là khoảng 6.100 trường hợp. Ước tính hiện có khoảng 42.000 phụ nữ đang sống chung với bệnh ung thư vú. Như vậy, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất trong các ung thư ở nữ tại Việt Nam.

Hình ảnh ung thư vú.

Hình ảnh ung thư vú.

Tình trạng gia tăng các gánh nặng ung thư như ung thư vú đáng lo ngại về mặt sức khỏe cộng đồng cũng như gánh nặng với các vấn đề kinh tế, xã hội.

Nguyên nhân chính gây gia tăng ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng là già hóa dân số bởi vì ung thư thường liên quan đến tuổi tác. Bên cạnh đó, điều kiện nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe hiện nay tốt hơn, mọi người chủ động đi khám tầm soát ung thư và có thể phát hiện được nhiều ung thư hơn.

Ngoài ra, những yếu tố như tình trạng môi trường ô nhiễm hoặc là chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh cùng với lối sống công nghiệp cũng là yếu tố góp phần gia tăng ung thư.

2. Ung thư vú có di truyền không?

Mặc dù tỷ lệ không cao nhưng di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư vú.

Trong gia đình có người mắc ung thư vú, đặc biệt là mẹ hay là chị em gái thì nguy cơ mắc ung thư vú của người phụ nữ sẽ cao hơn và thường nó liên quan đến các đột biến gene BRCA1 và BRCA2. Để xác định các đột biến này phải làm các xét nghiệm về di truyền.

Khi có mang gene đột biến không có nghĩa là chắc chắn bị ung thư vú nhưng sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Thậm chí đã có những số liệu cho thấy là có khoảng 80% có nguy cơ bị ung thư vú nếu mà mang gene đột biến này.

Do đó, đòi hỏi những người mang gene đột biến hoặc có những yếu tố di truyền phải đi khám sàng lọc sớm với tần suất theo như khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa để có thể phát hiện kịp thời, xử trí và điều trị triệt để được.

Bác sĩ thăm khám sàng lọc ung thư vú. Ảnh TL

Bác sĩ thăm khám sàng lọc ung thư vú. Ảnh TL

3. Chẩn đoán phát hiện sớm đặc biệt quan trọng

Ung thư vú có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và có thể tầm soát bằng các phương pháp sàng lọc. Việc tầm soát và chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn sớm đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cũng như là tiên lượng sau này.

Khi được phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị cũng đơn giản, triệt để và cũng ít tốn kém. Nhiều trường hợp có thể triệt để và bệnh nhân có thể trở lại được với cuộc sống và công việc bình thường.

Hiện tại theo các khuyến cáo ở Việt Nam thì có 3 phương pháp để phát hiện sớm ung thư vú bao gồm:

- Phương pháp tự khám vú hằng tháng sau sạch kinh 5 ngày đối với phụ nữ từ 20 tuổi trở lên.

- Khám định kỳ ở cơ sở chuyên khoa được khuyến cáo từ 1 - 3 năm 1 lần đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Đối với phụ nữ trên 40 tuổi được khuyến cáo khám hằng năm.

- Hằng năm khám chuyên khoa và chụp X quang tuyến vú cho phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Chụp X quang tuyến vú có thể phát hiện được những tổn thương bất thường có thể không phát hiện được trên khám.

TS.BS. Phạm Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-thu-vu-co-di-truyen-khong-169250701083909334.htm