Sau vụ cưỡng chế giao con, có nữ chấp hành viên vừa đi vừa khóc…
Câu chuyện trên được chấp hành viên Lê Thị Phương (42 tuổi, công tác Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) kể lại trong tâm trạng vẫn còn bồi hồi xúc động dù vụ việc qua đã lâu, khiến phóng viên cũng cay xè đôi mắt…

Một buổi họp liên ngành về tổ chức cưỡng chế Thi hành án dân sự (ảnh: NVCC)
Chị Phương chia sẻ, khi tận mắt chứng kiến chị trong tâm trạng đó, có đồng nghiệp nói “Cán bộ pháp luật mà sao dễ yếu lòng, dễ để cảm xúc chi phối thế?” Nhưng rồi sau đó, cũng chính người đồng nghiệp có lời nhận xét đó phải thừa nhận: “Làm nghề này (nghề Thi hành án dân sự - NV) mà không có trái tim giàu lòng trắc ẩn thì khó có thể thành công!
Vận động, thuyết phục bằng trái tim giàu lòng trắc ẩn
Vụ việc giao con theo bản án hôm ấy ở một xã nghèo. Theo bản án ly hôn, chị Na được giao nuôi con trai nhỏ là cháu Hiếu; anh Hải nuôi con trai lớn là cháu Huy; không bên nào phải cấp dưỡng nuôi con. Ly hôn xong, vì lý do riêng, chị Na bỏ đi làm ăn xa nên không đón cháu Hiếu về ở ngay; hơn một năm sau mới quay về đón con thì anh Hải không chịu giao. Buộc lòng người vợ phải yêu cầu thi hành án giao con.
Là chấp hành viên trực tiếp thụ lý vụ việc, chị Lê Thị Phương đã nhiều lần xuống gia đình anh Hải để vận động, thuyết phục người đàn ông tự nguyện giao con nhưng anh Hải cương quyết không nghe. Trước mặt chấp hành viên, anh ta chửi bới xúc phạm vợ cũ thậm tệ, mặc dù chị Na không có mặt ở đó. Người đàn ông cho rằng vợ cũ không đủ tư cách đạo đức cũng như không đủ điều kiện kinh tế để đón con về nuôi. Anh nói hai con đang được anh và gia đình bên nội chăm sóc đầy đủ, không thiếu thứ gì, giờ anh không nỡ lòng nào tách một đứa đi theo mẹ, nhất là lại đến nơi chỗ mà anh không thể yên tâm, tin tưởng giao con được.

Chấp hành viên Lê Thị Phương (ảnh: NVCC)
Ngoài vận động thuyết phục trên cơ sở giải thích các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình ra, chấp hành viên Lê Thị Phương còn chia sẻ với đương sự bằng tấm lòng chân thành của một người làm mẹ. Chị Phương nói, tình yêu thương, sự hi sinh vì con thì cha mẹ nào cũng có, đều không gì có thể cân đo đong đếm được. Chị Na cho dù điều kiện thiếu thốn, vất vả thế nào thì cũng vẫn là mẹ của các con anh và không có lý do gì mà người mẹ lại không yêu thương các con mình. Có lẽ vì áp lực mưu sinh, vì công việc mà thời gian qua chị Na không thăm hỏi các con mà thôi.
Sau vụ cưỡng chế thành công, có nữ chấp hành viên vừa đi vừa khóc
Mặc cho chấp hành viên năm lần bảy lượt đi lại gặp gỡ thuyết phục, vận động cả gia đình họ hàng đương sự nói giúp, nhưng anh Hải vẫn cương quyết không tự nguyện giao con. Anh còn đe dọa: nếu chị Na đến đón con anh sẽ chém; còn nếu cơ quan pháp luật cưỡng chế thì anh sẽ tự thiêu.
Nhìn hai cháu Huy, Hiếu ngoan ngoãn chơi với nhau, chấp hành viên Lê Thị Phương trào lên niềm yêu thương lẫn xót xa. Hai bé trai mặc dù phải sống thiếu vắng mẹ đã lâu nhưng tình cảm với mẹ, sự thèm khát hơi ấm của người mẹ trong các cháu vẫn nguyên vẹn. Khi chị Phương hỏi bé Hiếu có muốn ở với mẹ không thì cả hai anh em đều nói chúng con nhớ mẹ lắm, chúng con muốn ở bên mẹ, mong mẹ về với con. Câu nói ngây thơ của bọn trẻ khiến trái tim nữ chấp hành viên tan chảy, nghẹn ngào.
Ngày cưỡng chế giao con, anh Hải bất lực ký vào biên bản, khuôn mặt anh đờ đẫn khi từ mai phải “chia” đứa con trai nhỏ cho vợ cũ nuôi. Hôm ấy chị Na cùng mẹ đẻ của mình có mặt từ sớm. Mẹ con, bà cháu gặp nhau mừng tủi trong vội vàng, áng chừng khi công việc đã hòm hòm, bà ngoại đã đưa cho cháu Huy một tờ 20.000đ và nói "cháu đi mua nước ngọt về đây ta uống". Thế là cháu Huy chạy ù đi mua trong tâm thế vui vẻ, có lẽ cháu nghĩ rằng hôm nay nhà họp mặt đông đủ nên mua nước ngọt về uống liên hoan.
Khi đứa con trai lớn vừa đi khỏi, chị Na cùng mẹ đẻ của mình cũng vội vàng dẫn cháu Hiếu lên xe ra về, như thể sợ chần chừ chút nữa thì cháu Huy về, chị sẽ không thể nỡ lòng tách hai anh em bọn trẻ. Cháu Hiếu được mẹ dắt đi nhưng vẫn chới với ngoái lại nhìn bố, nhìn ngôi nhà yêu thương như không muốn rời xa. Nhìn cảnh đó ai cũng Các thủ tục đã hoàn tất xong xuôi, cán bộ Tổ công tác thi hành án cũng nhanh chóng ra về…
Dắt xe ra khỏi nhà đương sự, chấp hành viên Lê Thị Phương phóng đi ngay như không để ai thấy tâm trạng của mình. Đến khi chị thấy cặp kính mắt cứ mờ dần, mờ đi, bắt buộc phải dừng xe lại, lúc này chị Phương mới biết mình đã khóc, nước mắt chảy dài xuống má, mờ cả kính, ướt đẫm cả khẩu trang. Thế là chị dừng xe lại bên đường vắng, cứ thế nữ chấp hành viên nức nở khóc một mình…
Chị nghĩ thương cháu Huy vì lát nữa khi cháu trở về không thấy em, không thấy mẹ, bà ngoại và những người thân thì cháu sẽ hụt hẫng đến nhường nào! Từ trước đến nay hai anh em cháu sớm tối ríu rít bên nhau, cùng đi xe đạp, cùng xem tivi, đi học. Tối nay vắng em, có khi nào cháu sẽ khóc vì nhớ em, nhớ mẹ hay không? Và bé Hiếu, phải xa anh chắc cũng nhớ anh lắm. Chị Phương tự trách mình, hóa ra tất cả những người lớn lại đi nói dối một đứa trẻ con. Và rồi chị lại tự nhủ: Rồi tất cả sẽ ổn thôi, có những câu chuyện cuộc đời, khi các cháu lớn lên mới có thể thấu hiểu và tha thứ.
Tâm tư nhắn gửi trước những bản án ly hôn, giao nuôi con
Chấp hành viên Lê Thị Phương tâm sự, cưỡng chế thi hành án, nhất là án giao nuôi con thường khó khăn, phức tạp. Trong vụ việc trên, nếu như anh Hải tự nguyện giao con cho chị Na sẽ khác, hai bên sau đó có thể tự do thăm nuôi các con mình, miễn là không làm ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc hai anh em Huy – Hiếu có hai nơi để gặp nhau, đi về, sum họp; và mọi người cũng không phải chứng kiến cảnh chia ly nặng nề hơn thế.
Chị Phương chia sẻ, không ai có thể lựa chọn cho mình một gia đình; nếu được lựa chọn, chắc chắc đứa trẻ nào cũng chọn cho mình một gia đình êm ấm bên cha và bên mẹ - chỉ riêng điều ấy thôi đã đủ làm nên cả bầu trời hạnh phúc trong mắt trẻ thơ. Và không thể phủ nhận rằng, sau những vụ ly hôn, người chịu thiệt thòi nhiều nhất bao giờ cũng là những đứa trẻ. Bởi vậy, giao con cho ai nuôi, để con ở với ai không quan trọng bằng việc làm thế nào để trẻ có cuộc sống vui vẻ, đầy đủ nhất, ít xáo trộn, ít sang chấn tâm lý nhất.
Và điều quan trọng nhất, theo chấp hành viên Lê Thị Phương, những người làm cha làm mẹ dù có phải chia tay nhau, thì cần phải làm sao để các con mình sau này lớn lên, trong tâm hồn vẫn vẹn nguyên những ký ức ấm áp, những dấu ấn đẹp đẽ về gia đình. Và phải làm thế nào để những đứa trẻ (sau này lớn lên thành những người trẻ) vẫn vẹn nguyên trong tim niềm tin về tình yêu và hôn nhân!
Nguyễn Trâm Anh
(Ghi theo lời kể của Chấp hành viên Lê Thị Phương, Chi Cục THADS huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa)