Ứng viên ĐBQH được dùng mạng xã hội vận động bầu cử
Tới thời điểm này, hệ thống MTTQ từ T.Ư đến địa phương đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Ông Nguyễn Viết Chức
Danh sách và số lượng chính thức các ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được lựa chọn và thông qua. Từ danh sách này, mỗi ứng cử viên sẽ đưa ra chương trình hành động cụ thể để cử tri lựa chọn trong ngày bầu cử 23/5 tới. Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về một số nội dung liên quan đến vận động bầu cử.
Không được “tranh thủ” bằng chức quyền, tiền bạc
Quá trình vận động bầu cử, các ứng viên được làm những gì và việc vận động bầu cử phải đảm bảo những nguyên tắc nào, thưa ông?
Theo quy trình thì sau hiệp thương lần thứ 3 là đến thời gian các ứng viên vận động bầu cử. Ở ta không có tranh cử nhưng trong vận động bầu cử, mỗi ứng viên phải nói lên được chương trình hành động của mình, khẳng định có đầy đủ thời gian, thể hiện mình có năng lực phẩm chất, đạo đức để đại diện ý chí, nguyện vọng cho cử tri.
Các ứng viên phải làm rõ vì sao lại mong muốn trở thành đại biểu dân cử. Khi trở thành đại biểu dân cử rồi thì sẽ làm gì? Những nội dung này cần phải được trình bày rất rõ ràng.
Tuy nhiên, vận động phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật. Trong đó sự minh bạch, công khai, công bằng cần phải thực hiện nghiêm minh. Chúng ta đã quy định rất rõ ràng mỗi ứng cử viên được nói bao nhiêu phút trong những lần tiếp xúc cử tri, không tranh thủ những thế mạnh như tiền bạc, chức quyền để vận động tranh cử.
Pháp luật hiện nay cho phép những người ứng cử sẽ được sử dụng những hình thức vận động bầu cử như thế nào?
Theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có 2 hình thức vận động bầu cử, đó là qua hội nghị tiếp xúc cử tri và qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Với hình thức vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ Việt Nam tổ chức, từng người được giới thiệu ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH hoặc đại biểu HĐND.
Sau đó cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm tại hội nghị.
Vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử sẽ trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên các trang thông tin điện tử về bầu cử.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Việc vận động bầu cử phải được tiến hành dân chủ công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội; người ứng cử ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Trong thực tế có tình trạng phân biệt người tự ứng cử và người được giới thiệu trong vận động bầu cử không, thưa ông?
Không hề có sự phân biệt giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu trong vận động bầu cử. Nếu như nơi nào có hiện tượng phân biệt thì là hoàn toàn sai luật quy định.
Thời gian vận động bầu cử trong luật quy định với các đại biểu được giới thiệu ứng cử cũng như đại biểu tự ứng cử là như nhau, không có chuyện ai nhiều, ai ít. Tất cả các đại biểu được trình bày trong thời gian như nhau, điều kiện như nhau.
Là đại biểu của dân, tài sản không còn là riêng tư
Hội nghị tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV khối MTTQ Việt Nam được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 20/4. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Hiện nay, hàng chục triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, vậy các ứng cử viên có được vận động trên nền tảng này không?
Trên thực tế, với việc phát triển và tác động rất hiệu quả của mạng xã hội hiện nay, ngoài hai kênh chính thống là qua hội nghị tiếp xúc cử tri và qua các phương tiện thông tin đại chúng, theo tôi, người ứng cử có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri và vận động bầu cử cho mình.
Tuy nhiên phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội và về vận động bầu cử, không được thực hiện các hành vi bị cấm.
Để cử tri có thông tin đầy đủ, lựa chọn được người xứng đáng nhất và không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, theo ông, hồ sơ của mỗi ứng viên phải được cung cấp cho cử tri như thế nào?
Qua những lần hiệp thương thì thông tin của những người ứng cử đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, ví dụ như lý lịch, quá trình công tác, nhận xét của địa phương…
Ở quá trình vận động này thì cũng phải thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin cho cử tri để họ lựa chọn được người có đức và có tài năng, hết lòng phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Với quy định pháp luật hiện hành, hồ sơ của mỗi ứng viên cung cấp cho cử tri cũng đã tương đối đầy đủ. Còn để nâng cao vai trò, tính tích cực của cử tri, thì mỗi cử tri phải nghiên cứu thật kỹ hồ sơ của ứng viên, để từ đó đi đến những quyết định đúng đắn nhất thông qua lá phiếu của mình.
Thông tin về tài sản có được đưa vào trong hồ sơ mỗi ứng viên để cử tri nắm được hay không?
Trong hồ sơ ứng viên có nhiều thành phần, trong đó có bản kê khai tài sản. Khi người nào đã tham gia cấp ủy, tham gia vào HĐND, ĐBQH… thì vấn đề tài sản không còn là quyền riêng tư cá nhân nữa.
Nếu không chấp nhận, mỗi ứng viên hoàn toàn có quyền rút khỏi danh sách ứng cử. Việc công khai sẽ giúp cử tri, nhân dân dễ phát hiện gian lận. Khi công khai tài sản hay công khai bằng cấp và công khai các yếu tố về nhân thân sẽ giúp cử tri giám sát, lựa chọn bầu ra những người xứng đáng nhất.
Tuy nhiên, việc công khai tài sản này cần được thực hiện thận trọng và có quy định cụ thể, không phải chỗ nào cũng có thể dán và niêm yết công khai tài sản của các ứng viên.
Nên hứa ít làm nhiều
Ở nhiều nước trên thế giới, người ứng cử được vận động bằng hình thức đối thoại trực tiếp giữa các ứng cử viên, qua đó cử tri trực tiếp quan sát, đánh giá để làm cơ sở cho lá phiếu của mình. Còn ở ta, nhiều khi cử tri cũng không thể biết rõ người mà mình chuẩn bị bỏ phiếu bầu là ai, là người như thế nào. Theo ông, chúng ta có nên nghiên cứu hình thức này không?
Tôi cho rằng, mỗi hệ thống chính trị là khác nhau, hệ thống của chúng ta là một Đảng và Đảng đã nhận trách nhiệm là lãnh đạo toàn diện.
Là ứng cử viên ở tầng lớp, đại diện cho tổ chức nào, người ngoài Đảng hay trong Đảng thì vẫn luôn theo đường lối xây dựng đất nước chứ không phải 2, 3 đường lối khác nhau.
Theo tôi, hiện tại thì các ứng cử viên hãy làm rõ mục tiêu và mục đích ứng cử ĐBQH, HĐND là gì? Quan điểm này càng thể hiện cụ thể thì càng tốt. Còn việc tranh cử, tranh luận theo kiểu nước ngoài thì không phù hợp với chúng ta. Hình thức vận động như ở ta đang thực hiện đã thể hiện tính ưu việt trong nhiều kỳ bầu cử đã diễn ra vừa qua.
Làm thế nào để phân biệt được giữa vận động bầu cử một cách trong sáng và không trong sáng, thưa ông? Ông có lời khuyên gì cho những ứng viên trong việc vận động bầu cử không?
Tôi tin tưởng nhân dân, cử tri đủ trình độ để nhận biết được những hoạt động vận động không trong sáng.
Nhân đây tôi cũng muốn nhắn nhủ tới các ứng cử viên, đó là đừng có hứa hẹn quá nhiều. Đặc biệt là hứa hẹn hoặc xây nhà, hay cho tiền nếu cử tri bầu cho mình là việc làm không được cho phép. Việc vận động bầu cử dùng đến vật chất, tiền bạc để mua chuộc cử tri là hành động vi phạm pháp luật.
Nên nhớ chức năng của Quốc hội là quyết định những vấn đề quan trọng, giám sát tối cao và lập pháp. Vậy thì cá nhân mình không phải đi xây cái nhà, đi làm việc cụ thể ấy mà phải hoạch định những chính sách để giúp người dân, doanh nghiệp có được điều kiện phát triển.
Tôi cũng có lời khuyên đối với những ứng viên làm doanh nghiệp, có điều kiện kinh tế muốn ủng hộ tiền bạc địa phương hay cộng đồng thì cũng không nên thực hiện trong thời gian này. Bởi rất dễ hiểu lầm là làm từ thiện bằng vật chất để mua chuộc cử tri.Tấm lòng hảo tâm đó có thể thực hiện ở một dịp khác, không phải trong thời gian vận động bầu cử.
Cảm ơn ông!
Ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam:
Không được hứa tặng tiền để mua chuộc cử tri
Trong vận động bầu cử, các ứng viên không được phép lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, lợi ích hợp pháp của tổ chức, các nhân khác; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
Để đảm bảo công bằng bình đẳng cho các ứng cử viên, không được lạm dụng chức vụ quyền hạn để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Đặc biệt, người ứng cử không sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ, tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Ông Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp):
Tự gặp gỡ cử tri để vận động phải chịu trách nhiệm
Cần ngăn chặn việc các ứng viên đưa quyền lợi vật chất ra để mua phiếu cử tri, chẳng hạn như phát tiền để cử tri ủng hộ mình hoặc hứa sẽ xây trường, làm cầu đường.
Những gì pháp luật không cấm thì các ứng viên có thể làm nhưng phải làm đúng thời điểm, hứa vào dịp khác, chứ không phải vào dịp ứng cử. Bởi nếu thực hiện trong thời gian ứng cử sẽ trở thành vận động không trong sáng, gây thiệt thòi cho những ứng viên khác không có điều kiện. Chính vì vậy, cơ quan chức năng chỉ tạo điều kiện tổ chức hội nghị, còn ai tự gặp gỡ cử tri bên ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình.
Phùng Đô (Ghi)