Ứng viên giáo sư giảm nhiều

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công khai 555 ứng viên xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS.PGS) năm 2019. Con số này giảm hơn một nửa so với số GS, PGS được công nhận năm 2017, trong đó có những ngành trắng ứng viên GS.

Cụ thể, năm 2019 có 105 ứng viên được đề nghị đạt chuẩn GS, 450 ứng viên được đề nghị đạt chuẩn PGS. Theo công bố, có nhiều ngành không có ứng viên được công nhận đạt chuẩn GS như ngành Giao thông Vận tải (ngành này chỉ có 19 PGS); ngành Giáo dục học (cũng chỉ có 12 PGS). 3 ngành có số lượng ứng viên được đề nghị công nhận đạt chuẩn GS, PGS ít nhất là: Ngành, liên ngành Luyện kim (4 ứng viên), Ngôn ngữ học (4 ứng viên), Tâm lý học (3 ứng viên). 4 ngành, liên ngành có số ứng viên được đề nghị công nhận đạt chuẩn nhiều nhất là: Liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm (57 ứng viên), Vật lý (46 ứng viên), Y học (48 ứng viên) và Kinh tế (42 ứng viên).

Trước đó, Bộ GDĐT đã thành lập 3 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Thanh tra Bộ, Cục Nhà giáo và Vụ Giáo dục ĐH làm trưởng đoàn, kiểm tra việc xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2019. Việc thanh tra tập trung vào việc thành lập các hội đồng cơ sở, việc xét tại các hội đồng cơ sở theo tinh thần Quyết định 37/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Cũng phải nói thêm, sau lùm xùm bị nghi là “chuyến tàu vét” phong danh GS, PGS năm 2017, ngay trong năm 2018 việc siết tiêu chuẩn chức danh GS,PGS cũng đã được ban hành tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS,PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Theo quy định mới, chuẩn GS, PGS đã nâng cao lên, đặc biệt bắt buộc các ứng viên có bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế có uy tín, cùng nhiều điều kiện khác.

Việc siết phong danh GS, PGS đang được kỳ vọng sẽ giải tỏa được những băn khoăn từ dư luận về “lượng” và “chất” cũng như cái “tầm” của các học hàm này; lấy lại được lòng tin của người dân vào các tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt chức danh GS, PGS từng bị buông lỏng, dễ dãi như thời gian qua. Nói như GS. VS Phạm Minh Hạc, người mang hàm GS phải là người có uy tín lắm, cho nên đây là việc xã hội rất quan tâm.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/ung-vien-giao-su-giam-nhieu-tintuc445970