Ứng viên phó tổng thống tranh luận: Bài kiểm tra chính trị quan trọng
Đây là cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên phó tổng thống được đánh giá có tầm quan trọng và ảnh hướng lớn nhất trong lịch sử bầu cử của Mỹ bởi những diễn biến bất ổn hiện nay trên chính trường Mỹ.
Sáng 8/10 (giờ Việt Nam, tối 7/10 giờ Mỹ), cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và duy nhất giữa Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence của đảng Cộng hòa và ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris đã diễn ra tại Trường đại học Utah, thành phố Salt Lake, bang Utah.
Đây là cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên phó tổng thống được đánh giá có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử bầu cử của Mỹ bởi những diễn biến bất ổn hiện nay trên chính trường Mỹ.
Thông thường, những cuộc tranh luận của các ứng cử viên phó tổng thống hiếm khi mang tính quyết định và không có nhiều ý nghĩa trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, bởi nó chủ yếu tập trung vào việc một ứng cử viên phó tổng thống sẽ hỗ trợ như thế nào cho tổng thống nếu thắng cử.
Năm 2016, trong khi cuộc tranh luận đầu tiên giữa ứng cử viên tổng thống Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thu hút con số kỷ lục 84 triệu người xem, thì chỉ có 37 triệu người xem cuộc tranh luận của ứng cử viên phó tổng thống Mike Pence, khi đó là Thống đốc bang Indiana và ứng cử viên đảng Dân chủ Tim Kaine.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Mike Pence và ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris năm nay đã bất ngờ trở nên quan trọng và có sự khác biệt lớn do nhiều yếu tố.
Nước Mỹ đang phải trải qua giai đoạn đầy khó khăn và thử thách khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành trên khắp các bang, nền kinh tế suy giảm tồi tệ hơn cả thời kỳ Đại suy thoái hay biểu tình biến thành bạo loạn liên quan đến phân biệt chủng tộc.
Cùng với đó, còn một yếu tố cũng không kém phần quan trọng, đó là vấn đề tuổi tác cũng như khả năng dễ bị tổn thương của các ứng cử viên tổng thống, đặc biệt là việc chính Tổng thống Donald Trump hiện đang mắc COVID-19, làm dấy lên nhiều quan ngại về khả năng ông sẽ quay trở lại đường đua trong khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới ngày bầu cử.
Vì vậy, cuộc tranh luận giữa ông Pence và và Harris đặc biệt thu hút sự chú ý, đồng thời gây áp lực lớn đối với hai ứng cử viên bởi họ phải sử dụng diễn đàn này để trấn an dư luận cũng như cho thấy họ đã chuẩn bị sẵn sàng và có khả năng gánh vác trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong những tình huống khẩn cấp quốc gia.
Đây cũng có thể được coi là một "bài kiểm tra chính trị," là buổi diễn tập trước cho một cuộc tranh luận thực sự giữa hai ứng cử viên này trong năm bầu cử 2024, khi cả Thượng nghị sỹ Harris và ông Mike Pence có thể trở thành người đại diện của mỗi đảng tham gia tranh cử.
Không giống cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống với nhiều gián đoạn và tranh cãi, tại cuộc tranh luận lần này, Phó Tổng thống Mike Pence, 61 tuổi, cựu Thống đốc bang Indiana và có 12 năm phục vụ trong quốc hội, và Thượng nghị sỹ Kamala Harris, 55 tuổi, từng làm Bộ trưởng Tư pháp bang California, đã cho thấy sự thay đổi trong phong cách tranh luận, dù có lúc căng thẳng và gay gắt, nhưng vẫn giữ được sự kiểm soát.
Trong cuộc tranh luận, mặc dù bị tấn công dồn dập liên quan tới cách thức chính quyền Tổng thống Donald Trump xử lý đại dịch COVID-19, kể cả việc chính Phó Tổng thống Mike Pence cũng có phần trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu đội đặc nhiệm Nhà Trắng khi để đại dịch gây ra những hậu quả nghiêm trọng về con người và kinh tế cho đất nước, thậm chí hiện nay còn đang lan rộng trong Nhà Trắng, song ứng cử viên của đảng Cộng hòa có thể nói đã "hoàn thành nhiệm vụ."
Ông đưa ra những lập luận sắc bén của người có kinh nghiệm với những chính sách lớn và những thách thức chính trị có được suốt 4 năm làm việc trong chính quyền Tổng thống Trump để phản bác những chỉ trích của Thượng nghị sỹ Kalama Harris, cũng như tấn công trở lại đối thủ. Phó Tổng thống Pence cho rằng người dân Mỹ đã chứng minh trong 8 tháng qua rằng họ đã nhận thức được sự thật.
Họ sẵn sàng đặt sức khỏe của gia đình, láng giềng và những người không quen biết lên trên hết. Ông cũng như Tổng thống Trump có niềm tin rất lớn vào người dân Mỹ và khả năng của họ trong việc tiếp nhận thông tin và kiểm chứng trong thực tế.
Bằng sự điềm tĩnh và chắc chắn, phải thừa nhận Phó Tổng thống Pence đã có màn thể hiện cho thấy ông xứng đáng là nhân vật quan trọng số hai của nước Mỹ.
Ông Pence được đảng Cộng hòa kỳ vọng sẽ giúp Tổng thống Trump lấy lại được sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt tại những bang dao động sau cuộc tranh luận đầu tiên được đánh giá không mấy thành công với ứng cử viên Dân chủ Joe Biden ngày 29/9 vừa qua.
Phó Tổng thống Pence cũng cho thấy khả năng trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và sẵn sàng làm thuyền trưởng dẫn dắt "con tàu" nước Mỹ vượt qua những khó khăn và thử thách trong trường hợp khẩn cấp quốc gia mà không ảnh hưởng tới vị trí của tổng thống đương nhiệm.
Đối với bà Kamala Harris, người được coi là nhà lãnh đạo tiềm năng cho thế hệ trẻ của đảng Dân chủ, cuộc tranh luận này cũng mang một ý nghĩa lớn và mang tính lịch sử bởi bà là phụ nữ da màu đầu tiên và người gốc Ấn Độ được một đảng lớn đề cử làm phó tổng thống.
Đây là cơ hội để nữ nghị sỹ này khẳng định bà xứng đáng trở thành đề cử của đảng Dân chủ và là người hỗ trợ đắc lực cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Đây là cuộc tranh luận lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của bà Kamala Harris từ trước tới nay, dù trước đó bà cũng có các cuộc tranh luận, nhưng với quy mô nhỏ, khi tham gia chạy đua vào vị trí thượng nghị sĩ và bộ trưởng Tư pháp bang California hay các cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ.
Trong phần tranh luận của mình, ứng cử viên Kamala Harris cho thấy bà là nhà tranh luận hiệu quả, mạnh mẽ, nhiều năng lượng, có thể giúp lấp đầy khoảng trống và bổ trợ những điểm yếu của ông Joe Biden, cũng như chứng minh bà hoàn toàn có thể trở thành đại diện của đảng này ra tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng 4 năm tiếp theo.
Bà Harris đã cố gắng cân bằng giữa việc chỉ trích hồ sơ xử lý đại dịch của chính quyền Tổng thống Trump và kế hoạch, tầm nhìn của ông Biden nếu trở thành tổng thống, cũng như những công việc mà bà sẽ hỗ trợ ông Biden trong thời gian tới.
Bà đưa ra những cam kết của liên danh tranh cử đảng Dân chủ trong việc xử lý đại dịch COVID-19, như tập trung vào việc truy tìm tiếp xúc, tăng xét nghiệm, thúc đẩy nghiên cứu vaccine và phân phát miễn phí cho toàn bộ người dân Mỹ.
Tuy nhiên, bà Harris cũng chưa thể hiện được rõ lập trường tư tưởng hay điều mà bà đại diện, và đây chính là yếu tố khiến bà chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều từ cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Như vậy, với màn tranh luận kéo dài 90 phút, hai ứng cử viên phó tổng thống đã phần nào giúp cử tri Mỹ hiểu được chính xác những kế hoạch và chính sách mà hai bên dự định sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm giúp nước Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu thế giới trong tất cả các lĩnh vực. Đánh giá ở khía cạnh đó, có thể nói cả hai ứng cử viên đã hoàn thành được "bài kiểm tra chính trị" quan trọng này./.