Ứng viên sáng giá cho vị trí tân thủ lĩnh Hamas cũng từng bị Israel ám sát?

Sau khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran khi ông tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Iran, ông Khaled Meshaal đã nổi lên trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí thủ lĩnh Hamas.

Trở thành người hùng sau vụ ám sát hụt

Theo hãng tin Reuters, tên tuổi của ông Khaled Meshaal lần đầu thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vào năm 1997 khi có thông tin các điệp viên Israel tiêm thuốc độc vào người ông hòng ám sát ngay trên một con phố bên ngoài văn phòng tại thủ đô Amman, Jordan.

Tân thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal (Ảnh: Reuters).

Tân thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal (Ảnh: Reuters).

Âm mưu ám sát nhằm vào một quan chức cấp cao thuộc lực lượng vũ trang Palestine đã khiến Quốc vương Jordan Hussein vô cùng giận dữ.

Quốc vương Hussein đã đe dọa sẽ treo cổ những kẻ tình nghi thực hiện vụ ám sát và xóa bỏ hiệp ước hòa bình với Israel nếu Israel không chịu trao thuốc giải độc và cuối cùng phía Israel đã chấp thuận yêu cầu, theo hãng tin CNN.

Mỹ và phương Tây nhìn nhận lực lượng Hamas với những vụ đánh bom cảm tử thường xuyên nhằm vào Israel đồng thời tiến hành các vụ giao tranh với Israel là một tổ chức khủng bố có mục tiêu hàng đầu là hủy diệt nhà nước Do Thái.

Còn với những người Palestine ủng hộ Meshaal cùng các nhà lãnh đạo khác, Hamas là hiện thân của sự nghiệp giải phóng người Palestine sau khi những nỗ lực ngoại giao quốc tế thất bại.

Ông Meshaal, 68 tuổi, là thủ lĩnh chính trị của Hamas hiện sống lưu vong ở nước ngoài.

Trên cương vị này, ông đại diện cho Hamas trong các cuộc họp với chính phủ các nước trên thế giới mà không phải chịu lệnh kiểm soát đi lại gay gắt của Israel nhằm vào các nhà lãnh đạo khác của Hamas.

Sau khi ông Haniyeh bị ám sát ngày 31/7, theo các nguồn tin từ Hamas, ông Meshaal có thể được lựa chọn trở thành thủ lĩnh của nhóm.

Ông Meshaal sinh ra tại Silwad, gần thành phố Ramallah, ở Bờ Tây nhưng ngay từ khi còn nhỏ, ông cùng gia đình đã chuyển đến sống ở Kuwait.

Ở tuổi 15, ông tham gia vào lực lượng Anh em Hồi giáo, tổ chức Hồi giáo lâu đời nhất tại Trung Đông. Đây cũng là cái nôi hình thành nên lực lượng Hamas vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước.

Sau đó, ông trở thành một giáo viên rồi quay sang ủng hộ nhiệt thành cho Hamas từ nước ngoài trong nhiều năm. Đó cũng là quãng thời gian nhiều thủ lĩnh khác của Hamas phải trải qua tù đày trong nhà tù của Israel.

Israel từng tìm cách sát hại nhiều thủ lĩnh của Hamas kể từ khi tổ chức này thành lập vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel tại Bờ Tây và Gaza.

Sau khi thủ lĩnh Hamas Ahmed Yassin bị tiêu diệt trong một đợt không kích hồi tháng 3/2004, Israel tiếp tục ám sát người kế nhiệm Abdel-Aziz Al-Rantissi ở Gaza 1 tháng sau đó. Kể từ đó, ông Meshaal lên nắm quyền điều hành Hamas.

Sau quãng thời gian sống lưu vong ở Jordan rồi sau đó là Syria, ông Meshaal lựa chọn di chuyển liên tục giữa Doha, Qatar và Cairo, Ai Cập và tiếp tục điều hành hoạt động của Hamas.

Mối quan hệ giữa Meshaal và các thủ lĩnh Hamas ở Gaza bị rạn nứt khi ông muốn thúc đẩy hòa giải với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ông quyết định từ chức vào năm 2017 và bị thay thế bởi ông Haniyeh.

Song quan hệ giữa ông Meshaal và Iran từng bị rạn nứt do trước đó ông ủng hộ cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo dòng Sunni chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh thân cận của Iran, hồi năm 2011.

Một nhân vật khác có thể cạnh tranh với ông là Khalil al-Hayya, hiện đang sinh sống ở Qatar và từng lãnh đạo phái đoàn đàm phán về lệnh đình chiến với Israel ở Dải Gaza.

Mềm mỏng hơn với Israel?

Giống như nhiều thủ lĩnh Hamas khác, ông Meshaal đang phải đối mặt với một câu hỏi lớn là liệu có nên chấp thuận cách tiếp cận thực tế hơn với Israel, lựa chọn giữa theo đuổi mục tiêu thành lập nhà nước Palestine độc lập hay tiếp tục đấu tranh vũ trang với Israel.

Ông từng bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình lâu dài với Israel nhưng vẫn tuyên bố Hamas có thể chấp thuận đề xuất thành lập nhà nước Palestine ở khu Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalme như một giải pháp tạm thời nhằm quay trở lại đàm phán về một lệnh ngừng bắn dài hạn.

Vụ không kích của Israel vào Beirut, Lebanon có thể thay đổi cách thức tân Thủ lĩnh Hamas nhìn nhận về cách hành xử với Israel (Ảnh: Reuters).

Vụ không kích của Israel vào Beirut, Lebanon có thể thay đổi cách thức tân Thủ lĩnh Hamas nhìn nhận về cách hành xử với Israel (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, cuộc tấn công bất ngờ của nhóm phiến quân Hamas vào các vị trí của Israel ỏ Dải Gaza hôm 7/10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin dường như cho thấy Hamas ưu tiên nhiều hơn cho một giải pháp quân sự.

Thời điểm đó, ông Meshaal tuyên bố vụ tấn công này đánh dấu sự quay trở lại sự nghiệp giải phóng Palestine của Hamas trên bình diện quốc tế.

Ông cũng hối thúc các nước Arab và Hồi giáo tham gia cuộc chiến chống lại Israel và khẳng định chỉ Palestine mới có thể quyết định ai là người điều hành Gaza sau khi cuộc chiến tranh hiện tại chấm dứt. Tuyên bố này được cho là nhằm thách thức Israel và Mỹ khi cả hai đều muốn loại bỏ Hamas khỏi đây.

Trước các động thái của Hamas, Israel đã đáp trả bằng việc không kích và xâm chiếm Dải Gaza, sát hại hơn 39.000 người Palestine đồng thời theo đuổi chiến lược xóa sổ Hamas.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ung-vien-sang-gia-cho-vi-tri-tan-thu-linh-hamas-cung-tung-bi-israel-am-sat-192240801103629414.htm