Ứng xử hậu ly hôn, đừng để con cái gánh hậu quả
Có thể nói, việc cư xử có văn hóa với nhau sau ly hôn là điều mà nhiều người không nghĩ đến, nhưng nó thực sự quan trọng. Vì nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của hai người mà còn đối với con trẻ… Sự việc thương tâm của bé N.T.V.A. (8 tuổi) bị bạo hành đến tử vong ở phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân là do họ không ứng xử văn minh hậu ly hôn.
Cha mẹ không nên đổ nỗi đau lên con cái
Có nhiều người sau ly hôn thường cấm cha gặp con hay cấm mẹ gặp con, vì suy nghĩ “người kia” không đủ tư cách gặp con. Như trường hợp của chị H.T (sinh năm 1982, ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), sau khi chia tay, nhất định giành nuôi 2 đứa con. Không yêu cầu phụ cấp từ người cha nên chị H.T cho mình cái quyền cấm con gặp cha với suy nghĩ “ổng có nuôi đâu mà gặp”, hay “ổng không có tư cách gặp con? Gặp mất công con nó nhiễm tính xấu”… và nhiều suy nghĩ mang tính phiến diện dành cho “người cũ”, áp đặt suy nghĩ của mình lên tâm trí đứa con.
Còn trường hợp của anh T.L (sinh năm 1977, ngụ quận 7), sau ly hôn, vì tính chất công việc nên để người mẹ chăm sóc con, bản thân chu cấp tiền hàng tháng… Nhưng người mẹ có khả năng về tài chính nên không nhận trách nhiệm của anh T.L mà cấm anh gặp con bằng cách mỗi ngày, cả người mẹ và ông bà ngoại nhồi nhét vào đầu đứa trẻ suy nghĩ không tốt về người cha. Cho dù anh mong mỏi gặp con thì chính con là người từ chối gặp, người mẹ hể hả phán: “Tui đâu có cấm anh gặp con, là con nó không muốn gặp đó chứ…”.
Hay trường hợp của chị L.A. (sinh năm 1980, ngụ quận Bình Thạnh), sau ly hôn, vì công việc không ổn định nên 2 đứa con ở với cha và cho biết bản thân sẽ đón con về sau khi ổn định cuộc sống. Khi xa con, chị L.A cắn răng chịu đựng việc bị phía chồng cũ xỉa xói, hạn chế cho con tiếp xúc với L.A. Hơn 1 năm sau, khi có công việc và thu nhập ổn định thì L.A muốn người cha thực hiện lời hứa giao con nhưng người cha không đồng ý, thậm chí có ý cắt đứt mối quan hệ mẹ - con bằng việc đưa 2 con đi định cư nước ngoài…
Bên cạnh những người có suy nghĩ hận thù sau ly hôn cũng có không ít những người mặc dù rất đau khi phải chia ly nhưng họ không cấm đoán “người kia” gặp con. Thậm chí có người còn tạo điều kiện cho “người cũ” đến gặp con.
Như trường hợp chị N.H. (sinh năm 1977) ở quận 12, vợ chồng cưới nhau và có hai đứa con. Sau một thời gian chung sống, do thường xuyên mâu thuẫn, chị bị chồng đánh ngất xỉu và nhiều chuyện trong gia đình “cơm không lành, canh không ngọt” nên chị quyết định ly hôn. Chị đòi nuôi 2 đứa con nhưng người chồng không đồng ý mà yêu cầu mỗi người nuôi một đứa. Con lớn 12 tuổi người chồng nuôi, đứa nhỏ 8 tuổi chị H. đưa về nhà mẹ đẻ nuôi, để lại căn nhà cho hai cha con ở. Người cha thường xuyên nhậu nhẹt và vẫn chứng nào tật nấy là đánh bạc nên bỏ bê con cái. Chị H. thường xuyên đến thăm con thấy con kêu than cha đi tối ngày không chăm sóc nên chị yêu cầu người cha của con chị để chị đưa con về ở với chị. Ban đầu người chồng cũ không đồng ý nhưng đứa con nhất quyết theo mẹ nên đã đồng ý.
Chị H. cho biết, không ai muốn gia đình đổ vỡ cả, biết là rất đau nhưng không thể tiếp tục chung sống với nhau thì chia tay. Hơn 10 năm sau ngày ly hôn, đến nay chị vẫn thấy quyết định ly hôn là sáng suốt, các con của chị được chị chăm sóc khôn lớn, đứa lớn đã có việc làm, đứa con nhỏ đang học nghề. “Những ngày giỗ, tết, mình vẫn mua bánh, trái cây,… rồi cùng các con về nhà ông bà nội thắp hương. Vợ chồng mặc dù không sống chung với nhau nhưng con cái và những người thân họ không có lỗi. Mình không thể ích kỷ được, phải để các con biết cội nguồn và dạy chúng sống thật tốt…”, chị H. chia sẻ.
Với cách đối nhân xử thế khéo léo của chị H., mấy năm sau người chồng cũ hối tiếc và mong muốn chị bỏ qua chuyện cũ để cùng chung sống với nhau, nhưng chị không đồng ý.
Hãy quan tâm đến con cái
Việc ly hôn là điều không cặp đôi nào muốn nghĩ đến khi quyết định kết hôn. Trước khi đặt bút ký vào tờ giấy kết hôn, ai cũng nghĩ tới viễn cảnh tốt đẹp, màu hồng ngọt ngào ấy nên sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện xui xẻo là ly hôn. Nhưng “cuộc đời không như ước mơ, lòng người thường hay thay đổi…”, vì vậy mà điều xui xẻo không muốn nó vẫn xảy ra.
Biên kịch Lê Như ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, chị có không ít người bạn sau ly hôn luôn cấm đoán không cho “người cũ” gặp con và ra sức nói xấu nhau. “Nhiều cặp vợ chồng, khi ly hôn họ cay đắng, chửi nhau từ nhà tới tòa, từ tòa về nhà… Mặc cho họ xâu xé nhau, chửi rủa nhau, không ai để ý đến những đứa trẻ, mà trước đó không lâu, chúng là sự đơm hoa kết trái của tình yêu đẹp. Khi ly hôn, chia tài sản, chia cả con cái, rồi có những người mẹ không cho cha gặp con, có những người cha không cho con gặp mẹ... Cách hành xử thiếu văn minh và không văn hóa ấy, người lớn được gì, trẻ con được gì?”, chị Lê Như chia sẻ.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương cho biết, rất nhiều vụ án xảy ra đối với trẻ em thời gian qua có nguồn gốc từ sự ly tán của gia đình, cha mẹ bỏ bê con cái, trẻ bị bạo hành… Đến khi xảy ra vụ việc đau lòng, cha mẹ hối hận thì đã quá muộn màng.
Còn việc nuôi con sau ly hôn, theo quy định khi ly hôn trong quyết định tòa án giao cho ai trực tiếp nuôi con thì người không trực tiếp nuôi con được chăm sóc, giáo dục, thăm nuôi. Người kia cản trở thì người không trực tiếp được quyền khởi kiện ra tòa thay đổi quyền nuôi con.
Sau vụ việc bé V.A. tử vong do bị bạo hành ở quận Bình Thạnh, nhiều người cho rằng có sự vô cảm. Mặc dù biết bé bị đánh đập một thời gian dài nhưng người cha vẫn đồng tình với người tình… Đến khi sự việc đau lòng xảy ra, ai cũng nói câu “giá như” thì đã quá muộn.
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh chia sẻ, chị cũng làm luật sư cho nhiều vụ vợ chồng ly hôn nhưng con cái khi ở một trong 2 bên vẫn được đối xử tốt, khỏe và ngoan dù đang sống với mẹ ghẻ hoặc dượng. “Thật ra mình không phải là người trong cuộc không thể phán xét này kia. Tuy nhiên, nếu đã ly hôn mà cha mẹ ruột sâu sát quan tâm đến con cái kỹ lưỡng thì chẳng có cái kết đau lòng như vụ cháu bé bị bạo hành đến chết ở quận Bình Thạnh. Đừng đổ lỗi cho ai, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, hãy trách mình trước tiên”, luật sư Bích Liên cho hay.
Mọi người hãy xem đây là bài học để chúng ta biết cư xử như thế nào, hành xử ra làm sao để những đứa con (từng là trái ngọt của tình yêu) được hưởng đủ quyền lợi của chúng. Đừng để con trẻ gánh hậu quả vì sai lầm của người lớn, hãy để con được phát triển bình thường dù thiếu cha hoặc vắng mẹ. Mong rằng, tương lai sẽ không còn đứa trẻ nào bất hạnh như bé V.A.!
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/ung-xu-hau-ly-hon-dung-de-con-cai-ganh-hau-qua-i640059/