Ứng xử khi con phạm lỗi

Diệp Linh

BPO - Rèn luyện đạo đức và kỹ năng cho con trẻ là một quá trình và là việc làm thường xuyên mà các bậc phụ huynh cần chú trọng. Có trẻ tiếp thu được ngay và thực hiện rất tốt, nhưng cũng có trẻ thường xuyên mắc phải những sai lầm. Nếu các bậc phụ huynh có cách khéo léo, ứng xử tinh tế sẽ tạo động lực cho con trẻ sửa sai, khắc phục hạn chế và tiến bộ nhanh hơn.

Tha thứ lỗi lầm

Trong cuộc đời mỗi người, không ai không một lần mắc sai lầm, khuyết điểm. Việc con trẻ có thường xuyên phạm lỗi cũng là điều dễ hiểu. Khi con phạm sai lầm, phụ huynh cần nhẹ nhàng giải thích, nhỏ to tâm sự, chỉ ra để trẻ nhận thức được hành vi sai trái, lỗi lầm và quyết tâm sửa lỗi. Đặc biệt hơn là phụ huynh phải giữ sĩ diện cho trẻ. Đây là những kỹ năng phụ huynh phải dày công rèn luyện mới có thể làm được trong ứng xử với con mình.

Theo chuyên gia tâm lý, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền: “Thương cho roi cho vọt…” ngày nay không còn tác dụng. Một khi phụ huynh dùng lời lẽ quá nặng, la mắng quá mức, hay dùng đòn roi lúc trẻ vừa mắc lỗi, sẽ tạo cho con tâm lý tự ti, sợ hãi và bị tổn thương. Như vậy sẽ khó có cuộc trò chuyện thân tình cùng cha, mẹ và sẽ tạo hố sâu ngăn cách giữa con cái với cha, mẹ. Phụ huynh phải biết kiềm chế sự tức giận của bản thân, bao dung và tha thứ cho từng lỗi lầm của con. Từ đó con sẽ dễ dàng lắng nghe, nhận ra được khuyết điểm, dần tiến bộ hơn trong nhận thức và hành vi. Để có được trạng thái bình tĩnh, xử lý tốt nhất các tình huống xảy ra trong cuộc sống với con trẻ, phụ huynh phải tự học, tự trau dồi kỹ năng ứng xử khéo léo và tinh tế cho chính bản thân mình.

Trong thực tế, với một số trẻ khi mắc lỗi phụ huynh giải thích nhận ra ngay, biết nói lời xin lỗi và biết sửa lỗi. Lại có sự việc phụ huynh phân tích mãi trẻ vẫn không hiểu, có phản ứng bằng lời nói và hành vi chưa đúng. Những lúc như vậy, phụ huynh không nên nóng vội, hãy biết tha thứ và cho trẻ một khoảng thời gian nhất định để trẻ bình tâm suy nghĩ về hành động của mình. Tránh gây tan vỡ tình cảm của con trẻ đối với cha, mẹ.

Khi phụ huynh chấp nhận tha thứ cho lỗi lầm của con, thì đó là nguồn động lực tinh thần hữu ích giúp con có điều kiện và cơ hội sửa sai. Bởi một khi con trẻ mắc sai lầm, trạng thái tâm lý của con bị ức chế, rất sợ hãi và dễ phát sinh thêm hành vi tiêu cực. Ngay lúc đó tâm trạng của con bị xáo trộn, bất an, dễ lẩn tránh cha, mẹ và mọi người xung quanh. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm con trẻ tự cô lập, dẫn đến có hành vi sai trái khác.

Chọn thời điểm trao đổi, tâm sự, uốn nắn con cũng rất quan trọng. Đó là cách thức mà phụ huynh phải thấu hiểu để lựa chọn phương pháp phù hợp. Phụ huynh không nên áp đặt con trẻ làm theo ý mình, phải luôn đồng hành, tận tình hướng dẫn để con có thêm nghị lực và quyết tâm sửa sai giúp con hoàn thiện bản thân.

Đồng hành và sẻ chia

“Trong cuộc sống, hành động thực tế của phụ huynh ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức và hành vi của con trẻ. Phụ huynh phải gương mẫu mọi mặt, nếu người lớn có những hành vi lệch chuẩn con trẻ sẽ bắt chước rất nhanh. Vì trường học của con bắt đầu từ ngay chính cuộc sống thực tế của gia đình” - chuyên gia tâm lý, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền chia sẻ.

“Điều quan trọng mà các bậc phụ huynh cần lưu ý là phải có sự thống nhất giữa cha và mẹ trong ứng xử khi con phạm lỗi. Khi cha cương thì mẹ phải nhẹ nhàng dạy dỗ, lúc mẹ tức giận thì cha phải luôn dỗ dành, yêu thương. Cần có cử chỉ yêu thương và dành lời khen tặng khi con tiến bộ, chú ý dạy dỗ, giáo dục con ngay từ lỗi lầm đầu tiên”.

Chuyên gia tâm lý, Giáo sư, Tiến sĩ VŨ GIA HIỀN

Khi truyền tải, dạy dỗ trẻ tính thật thà, thì trong hành vi cuộc sống, người lớn cũng phải thực hiện tốt việc thật thà. Khéo léo dạy dỗ con những chuẩn mực về tính thật thà, phải nhắc nhở thường xuyên để con luôn kiểm soát bản thân, vì tự con trẻ kiểm soát bản thân là rất kém. Nếu không thường xuyên động viên và đồng hành với con, cùng với ý thức chưa làm chủ được bản thân, con trẻ sẽ rất dễ mắc sai lầm.

Phụ huynh phải chú ý kết hợp với nhà trường, quan sát mối quan hệ bạn bè của con. Quan tâm đến việc con trẻ giao lưu ngoài xã hội, con có thể bị ảnh hưởng từ những sai trái ở môi trường bên ngoài. Đặc biệt là quan tâm đến việc giao tiếp trên các trang mạng xã hội, các con có thể bắt chước những hành động tiêu cực trên môi trường mạng, rồi làm theo những việc làm sai trái đó. Phụ huynh phải cẩn thận quan sát và luôn gần gũi con để uốn nắn kịp thời. Không nên để đến lúc trẻ mắc sai lầm quá mức thì đã muộn, việc uốn nắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Hành động ứng xử thực tế thường ngày của phụ huynh sẽ là tấm gương phản chiếu của các con qua thời gian. Một khi con trẻ nhìn thấy hành vi của cha, mẹ chưa tốt trong cuộc sống, các con sẽ học và làm theo. Phụ huynh phải có sự bao dung, lòng vị tha, bền bỉ dạy dỗ, khéo léo, nhẹ nhàng giải thích; phải luôn đồng hành với con, chú ý việc giáo dục nhiều hơn và không nên nhắc lại lỗi lầm cũ. Đó là cách thức phụ huynh giúp con có thêm nghị lực vượt qua lỗi lầm, từng bước trưởng thành và tiến bộ hơn trong cuộc sống.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/149330/ung-xu-khi-con-pham-loi