Ứng xử ra sao để xứng danh: Thành phố vì hòa bình?
Cách đây 20 năm, Hà Nội nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình do UNESCO công nhận.
Đó không phải là thời gian dài so với chiều dài 1.000 năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, song cũng là khoảng thời gian chứng kiến nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người Hà Nội.
Cổ kính và thanh bình
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft từng bày tỏ: "Tôi cho rằng, kết quả ấn tượng nhất đối với Thành phố vì hòa bình là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách thập phương. Được đi dạo trên đường phố là một niềm vui, với rất nhiều điểm tham quan, âm thanh và thị hiếu để trải nghiệm. Điều đó đúng, nhưng điều này phải được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình sẽ là một điều rất đặc biệt”.
Bên cạnh những di tích, danh thắng và cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa lâu đời, giàu bản sắc cùng với ẩm thực phong phú, Hà Nội còn nổi tiếng là một TP thanh bình, người dân thân thiện, mến khách. Những thuộc tính ấy chính là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, là nét quyến rũ riêng có của TP nghìn năm tuổi trong mắt du khách, bạn bè quốc tế, kể cả những chính khách, nguyên thủ các quốc gia.
Thủ tướng Australia John Howard chạy buổi sáng quanh Hồ Gươm (tháng 11/2006), Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ăn bún chả ở quán bình dân trên phố Lê Văn Hưu, trò chuyện với người bán nước chè ở cổng chợ Mễ Trì (tháng 5/2016), Tổng thống Pháp Francois Hollande đi bộ, bắt tay chào hỏi người dân Hà Nội rồi rẽ vào quán cà phê trò chuyện với sinh viên (tháng 9/2016), mới đây nhất là Tổng thống Argentina Mauricio Macri đi bộ và ngồi thưởng thức cà phê ở vỉa hè Hà Nội (ngày 20/2/2019), hay công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree đã cùng với phu quân và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam sảng khoái đi tập thể dục buổi sáng cùng người dân Hà Nội tại bờ hồ Hoàn Kiếm (8/5/2019)... Có lẽ chẳng có dẫn chứng nào sinh động, thuyết phục hơn những hình ảnh ấy về sự thanh bình của Hà Nội.
Người Thủ đô thân thiện
Hà Nội không chỉ thanh bình, người dân Thủ đô của Việt Nam thân thiện và mến khách. “Điều đặc biệt khiến tôi thích thú ở Hà Nội đó là được đến một TP giàu lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc trưng. Người dân Hà Nội vô cùng cởi mở, luôn mỉm cười với chúng tôi” - gia đình Joy - du khách đến từ Úc cảm thấy thích thú khi nói về Hà Nội.
Sống ở bang California (Mỹ), bác sĩ Gish đã chọn Thủ đô Hà Nội là địa điểm đến du lịch cho cả gia đình mình. Bác sĩ Gish cho biết cả nhà ông đã đi tham quan hết những thắng cảnh nổi tiếng, thưởng thức nhiều các món ăn ngon truyền thống của Hà Nội, tiếp xúc với nhiều người dân ở đây. Song điều gây ấn tượng đối với gia đình ông là sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống Hà Nội.
Bác sĩ Gish tâm sự: “Hà Nội gây ấn tượng với tôi bởi vì TP bảo tồn được những di sản văn hóa của mình, ví dụ như Tháp Rùa ở hồ Hoàn Kiếm, các hoạt động sinh hoạt và kinh doanh của dân cư ở trong khu phố cổ. Tôi nghĩ rằng Hà Nội đang cố gắng gìn giữ những giá trị văn hóa cốt lõi của những năm trước đây nhưng đồng thời cũng quyết tâm phát triển TP hiện đại”.
Cùng chia sẻ những suy nghĩ này của bác sĩ Gish, ông Goerge Saxton cũng rất thích đến thăm những địa danh lịch sử của Hà Nội. Với ông đó là những nơi đáng nhớ trong chuyến thăm.
Ông Saxton cho biết: “Tôi chắc chắn nhớ hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử giám, ngôi nhà sàn nơi Bác Hồ từng sống và toàn bộ khu vực này. Tôi đặc biệt thích cách người ta bảo tồn ngôi nhà đó và đấy chính là những gì tôi nhớ về Hà Nội”.
Đối với bà Marcia ở bang Maryland của Mỹ, các món ăn như phở, chả cá, bún nem hay cà phê của Hà Nội đều ngon tuyệt vời, nhưng ấn tượng đẹp nhất của bà về Hà Nội lại hoàn toàn khác. Ấn tượng đọng lại nhiều nhất trong chuyến thăm Hà Nội với bà Marcia, đó chính là con người và bản sắc văn hóa của Hà Nội.
Văn hóa ở Hà Nội, rất đậm đà và phong phú. Một trong những hình ảnh đẹp nhất trong số các nước châu Á mà bà từng thấy, đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, mà “bất cứ khi nào nhắm mặt lại tôi đều thấy hình ảnh đó”.
Đây cũng chính là những nhận xét của bà Johnson đến từ bang Idaho của Mỹ, bà cho rằng, khó có thể dùng một từ nào để miêu tả hết về con người Hà Nội. Chính vì lý do đó, bà đã phải quay lại Hà Nội nhiều lần.
Bà Johnson cho biết: “Người Hà Nội rất tuyệt vời và nhiệt tình giúp đỡ khách lạ. Chúng tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1995 với một chút lo ngại rằng sẽ không được đón tiếp tử tế, nhưng thật bất ngờ chúng tôi đã không gặp phải một tình huống nào tiêu cực. Mọi người đối với chúng tôi rất tốt, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ bất cứ lúc nào chúng tôi cần. Chúng tôi đã có những người bạn rất thân và họ đối với vợ chồng chúng tôi rất tốt khi chúng tôi ở đó. Chúng tôi không thể nào nói hết được về những con người tuyệt vời của Việt Nam”.
Nắn chỉnh cách ứng xử
Phải thừa nhận rằng, trong dòng chảy hội nhập, bên cạnh những thành quả đạt được, Hà Nội cũng vấp phải những cú sốc văn hóa. Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, phong cách sống thanh lịch, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc thì giản dị, kín đáo mà tinh tế của người Hà Nội đã thuộc về ký ức. Hà Nội bây giờ cũng bị bêu ra đầy mặt trái như: Hôi hoa, hôi đồ, bún “chửi”, cháo “chửi”, giành giật khách, chen lấn xô đẩy trong các sự kiện chào năm mới…
Tuy nhiên, 20 năm Hà Nội đã mở rộng không chỉ về địa giới hành chính mà đối mặt với những thách thức của tình trạng tăng dân số cơ học. 20 năm trước, dân số Hà Nội ở mức 2,5 triệu người, và hiện nay dân số tăng gấp 3 - 4 lần. Hà Nội rộng cửa đón những luồng nhập cư các tỉnh khác, và cả sự du nhập của văn hóa thế giới.
Mỗi thời kỳ, bên cạnh sự kế thừa nối tiếp, lại có những trọng tâm khác nhau, nhưng một trong những nội dung trọng tâm xuyên suốt là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Một chủ trương đúng nhưng cũng không thể thành hiện thực nếu thiếu đi những sáng tạo trong quá trình triển khai.
Quận Hoàn Kiếm là “vùng lõi” của văn hóa Hà Nội, nơi các hoạt động thương mại, du lịch diễn ra sôi động, những khẩu hiệu như “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” đang đi vào nếp của các hộ kinh doanh nơi đây. Cũng thực hiện xây dựng văn hóa người Hà Nội, khu vực các huyện ngoại thành phía Tây Nam Thủ đô lại kết hợp xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh với gìn giữ nét văn hóa truyền thống xứ Đoài.
Sự kết hợp hài hòa đang tạo nên một Hà Nội càng dày về trầm tích văn hóa, và sự tiến bộ trong ứng xử của thời kỳ hội nhập. Từ TP vì Hòa Bình, Hà Nội đang nối những bước tiến dài để đến gần với danh hiệu “TP sáng tạo”, một danh hiệu của UNESCO công nhận và đang là niềm tự hào của hơn 30 TP năng động khác trên thế giới.
Phải thừa nhận rằng, trong dòng chảy hội nhập, bên cạnh những thành quả đạt được, Hà Nội cũng vấp phải những cú sốc văn hóa. Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, phong cách sống thanh lịch, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc thì giản dị, kín đáo mà tinh tế của người Hà Nội đã thuộc về ký ức.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ung-xu-ra-sao-de-xung-danh-thanh-pho-vi-hoa-binh-346732.html