Ứng xử trước trắc trở thị trường

Theo các doanh nghiệp, những khó khăn làm cho xuất khẩu chững lại trong những tháng cuối năm 2022 nhiều khả năng sẽ còn kéo dài sang tận năm 2023. Do đó, để duy trì khả năng tăng trưởng trong năm mới, các doanh nghiệp đều xây dựng cho riêng mình một kế hoạch cùng các kịch bản ứng xử phù hợp nhằm thích ứng và vượt qua những khó khăn, trắc trở từ thị trường.

Báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tuy có chững lại trong vài tháng gần đây nhưng đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tôm đã đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19% và dự kiến sẽ đạt 4,4 tỷ USD đến cuối năm, tăng 14% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng trên là khá lạc quan trong bối cảnh mà theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu là đầy trắc trở và sự trắc trở trên được dự báo sẽ còn kéo dài sang tận năm 2023 với những tình huống chưa thể lường hết ngay ở thời điểm này.

Với trình độ chế biến sâu thuộc đẳng cấp hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp ngành tôm vẫn tự tin duy trì lợi thế ở phân khúc thị trường cao cấp trong năm 2023. Ảnh: TÍCH CHU

Với trình độ chế biến sâu thuộc đẳng cấp hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp ngành tôm vẫn tự tin duy trì lợi thế ở phân khúc thị trường cao cấp trong năm 2023. Ảnh: TÍCH CHU

Sự trắc trở ở đây theo chia sẻ của ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta là do tác động lạm phát toàn cầu khiến người tiêu dùng dè sẻn chi tiêu, là con tôm Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ… Tuy nhiên, tại các thị trường lớn, sản phẩm tôm của Việt Nam đa phần tập trung vào phân khúc thị phần khá và cao cấp với đối tượng tiêu dùng là người có thu nhập khá, nên mức độ tác động là không quá lớn.

Cũng từ sự trắc trở trên, theo các doanh nghiệp, 2 tháng cuối năm 2022 sẽ là thời điểm kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành tôm giảm mạnh. Lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu còn lớn nên các hợp đồng cũng như sản lượng, thời điểm giao hàng gối đầu cho năm mới cũng đang được các nhà nhập khẩu cân nhắc, phụ thuộc vào kết quả tiêu thụ đợt Noel và tết Dương lịch năm 2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều nhận định, theo thông lệ, các đơn hàng gối đầu vẫn diễn ra, nhưng sản lượng sẽ không tăng như hàng năm.

Những trắc trở từ thị trường đối với ngành tôm đã, đang và sẽ còn diễn ra trong thời gian tới, nên ngay khi bước sang quý IV năm 2022, các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị khá kỹ càng, chu đáo về kế hoạch cũng như các kịch bản thị trường dự kiến sẽ xảy ra, để từ đó có những giải pháp kịp thời và hiệu quả. Theo đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp giảm lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ để chuyển sang thị trường ngách như thị trường Úc nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Sự chuyển hướng một phần từ thị trường Mỹ sang các thị trường ngách theo các doanh nghiệp chỉ là đối sách nhất thời do tình hình cạnh tranh, chi phí vận chuyển, giá tôm nguyên liệu trong nước tăng cao… Còn về lâu dài, các doanh nghiệp đều xem đây là một trong những thị trường lớn và luôn muốn duy trì một thị phần nhất định tại thị trường này. Dù giá bán tại thị trường Mỹ có thể bị tác động mạnh bởi giá tôm cấp thấp quá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ, nhưng sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn đó lợi thế ở phân khúc thị trường cao cấp nhờ trình độ chế biến sâu ở đẳng cấp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo ông Lực, để duy trì thị phần ở đây, các nhà cung ứng tôm Việt phải chứng minh cho đối tác thấy rõ năng lực tổ chức sản xuất và quản trị chất lượng cũng như theo đuổi thực thi các chuẩn mực quốc tế, nhất là lĩnh vực phát triển bền vững.

Đối với 2 thị trường lớn khác của sản phẩm tôm Việt Nam là châu Âu và Nhật Bản, theo dự báo của các doanh nghiệp vẫn sẽ rất khó khăn trong năm tới do ảnh hưởng của lạm phát cùng sự cạnh tranh về giá của các đối thủ. Tại châu Âu, do tác động từ lạm phát và giá năng lượng tăng đã làm cho sức tiêu thụ chậm lại, hàng lưu kho kéo dài, chi phí tăng cao, nên cả nhà nhập khẩu lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đều gặp khó. Mặt khác, ở phân khúc thị trường trung bình, sản phẩm tôm Việt Nam cũng khó cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador, còn phân khúc cao cấp sẽ là sự cạnh tranh giữa tôm Việt Nam và tôm Indonesia có giá rẻ hơn. Riêng thị trường Nhật Bản từ lâu vốn là sân chơi của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, chi phí vận chuyển lại thấp nên dù mức lạm phát tại Nhật Bản khá cao, nhưng các doanh nghiệp tôm Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế hơn.

Theo nhận định của ông Lực, khó khăn sẽ đến ngay từ đầu năm 2023, khi "bão" lạm phát đã và đang quét toàn cầu khiến người tiêu dùng dè sẻn chi tiêu. Thực phẩm giá rẻ sẽ lên ngôi, thêm bất lợi cho sản phẩm tôm chế biến sâu của ta, nhưng khúc thị phần tôm cao cấp sẽ không bị biến động đáng kể. Nếu cả ngành chung tay phối hợp, trong đó tập trung vào sự chuyển động của hai mắt xích quan trọng nhất của chuỗi giá trị con tôm là người nuôi và nhà chế biến thì kết quả sẽ khả quan, ngành tôm vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng chỉ ở tốc độ vừa phải, chứ khó như kỳ vọng.

Với uy tín, mối quan hệ, cùng bề dày kinh nghiệm của mình, nên ngay từ khi các hợp đồng giao hàng trong năm 2022 chưa kết thúc, các doanh nghiệp đã có các cuộc tiếp xúc, trao đổi với nhau nhằm đánh giá tình hình trong thời gian tới, cũng như các giải pháp về chia sẻ thông tin, tiết giảm chi phí, hỗ trợ lẫn nhau để đôi bên cùng đạt được lợi ích và mục tiêu kinh doanh trong năm mới.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/ung-xu-truoc-trac-tro-thi-truong-61473.html