Ứng xử với 37 toa tàu Nhật Bản tặng và tương lai ngành đường sắt
Nếu vì một ngành đường sắt Việt Nam vươn lên hiện đại, điều đầu tiên là phải nói lời cảm ơn và nên từ chối 37 toa tàu cũ Nhật Bản tặng miễn phí.
Ngay từ khi có thông tin Nhật Bản tặng 37 toa tàu họ đã sử dụng 40 năm lập tức xuất hiện hai luồng ý kiến tranh cãi quyết liệt về việc này.
Bên nói nên nhận đưa ra đủ lý lẽ nghe hết sức thuyết phục. So với các toa xe hiện có ở Việt Nam, đây là toa xe tuy cũ song vẫn là loại cao cấp, chạy với tốc độ 60-80 km/h thì 30 năm nữa vẫn tốt.
Xe máy Honda 67 của Nhật 55 năm nay vẫn hoạt động bình thường. Từ thực tế mà đánh giá thì các sản phẩm công nghiệp của Nhật luôn có chất lượng hàng đầu thế giới, "vừa tốt vừa bền".
Trong ngắn hạn, Việt Nam nên nhận bởi chúng ta đã nhận tàu của Mỹ tặng. Tuy họ đã thải loại nhưng đối với Việt Nam vẫn còn dùng tốt. Đừng băn khoăn là tàu đã 40 năm vì là hàng tốt, họ vẫn đang dùng. Nếu ngành đường sắt nước ta xác định là có hiệu quả thì nên nhận, cẩn thận hơn thì thuê tư vấn xác định lại.
Các ý kiến có quan điểm tương tự phân tích, ai chẳng biết dùng đồ mới sướng hơn, nhưng vấn đề cơ bản nhất là có tiền để mua đồ mới hay không?
Những ý kiến ngược lại góc nhìn trên cũng phong phú không kém. Tiêu biểu là nhận tàu cũ nhưng vẫn tốt rõ ràng tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Nhưng nếu cứ làm vậy sẽ hình thành một tính cách dễ dãi, vui lòng chấp nhận những thứ lạc hậu. Tư duy này phải thay đổi, nếu không các nhà máy công nghệ cũ vẫn sẽ về Việt Nam.
Đường sắt là cách tốt nhất để hiện đại hóa, nhận đồ cũ về, rồi yên tâm khai thác thì mãi mãi vẫn thế.
Những ý kiến này đều có tính xây dựng bởi thật khó mà so sánh lợi hại một cách chi tiết bởi rõ ràng tuy là đồ cũ nhưng toa tàu này có thể tốt hơn cả những thứ tương tự chúng ta sắp có trong khi nguồn lực vốn chưa dư dả lại gặp thử thách lớn là dịch bệnh hoành hành.
Một câu chuyện có thể là gợi ý cho việc nhận hay không 37 toa tàu cũ nhưng còn tốt này là câu chuyện ngành viễn thông thời điểm trước năm 2000. Quyết định chọn cách đi thẳng vào số hóa ngành này với công nghệ hiện đại nhất khi ấy đã biến Việt Nam từ chỗ lạc hậu gần nhất đã vươn lên top 50 thế giới hiện nay.
Cần phải nói thêm, lãnh đạo ngành bưu điện Việt Nam thời kỳ đó đứng trước hai sự lựa chọn hoặc là công nghệ analog với mức giá rẻ và công nghệ hiện đại nhưng giá rất đắt. May mắn thay họ đã chọn phương án thứ hai.
Thế nên nếu chỉ vì chi phí thấp, hiệu quả trước mắt thì việc nhận 37 toa tàu Nhật Bản tặng là không có gì phải bàn thêm. Nhưng nếu vì tương lai, vì một ngành đường sắt Việt Nam vốn đang rất lạc hậu muốn vươn lên hiện đại thì phải bàn, phải tính toán kỹ lưỡng.
Cứ nhận mang về dùng nhưng cần thấy rõ không chỉ đường sắt mà nhiều thứ khác của ta còn lạc lậu để từ đó mà phấn đấu là một phương án tốt.
Việc chúng ta đang tính toán các phương án cho đường sắt nội đô, đường sắt Bắc- Nam cũng cần được nhìn nhận sâu sắc thêm từ câu chuyện tranh cãi này.