Ứng xử với công nghệ trí tuệ nhân tạo: Khuyến khích sử dụng có trách nhiệm hay là cấm?

Mới đây một sinh viên ở một trường cao đẳng tại TP.HCM đã bị giáo viên cho 0 điểm với lý do sử dụng AI khi làm bài thi môn học màu sắc, ngành thiết kế đồ họa, và không có khả năng chỉnh sửa bài theo hướng dẫn của giảng viên. Sự việc đã có những diễn biến đáng tiếc xuất phát từ câu chuyện nêu trên. Mấu chốt nằm ở câu chuyện AI. Kể từ khi ChatGPT ra đời, lần đầu tiên công chúng được ứng dụng AI trong mọi việc một cách rộng rãi. Và những bước tiến bộ nhanh chóng của nó làm cho mọi người vừa vui mừng vừa hoảng sợ. Ngành giáo dục không phải là ngoại lệ. Các trường đại học lớn cũng lúng túng. Cho phép sử dụng AI thì nảy sinh rất nhiều câu hỏi, khiến bài thi trở nên vô nghĩa chẳng hạn. Không cho phép sử dụng thì đi ngược với tiến bộ của công nghệ. Các chuyên gia UNESCO đã ví sự phát minh trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh là một tiến bộ khoa học công nghệ giống như phát minh ra điện hoặc internet. Không thể không cho học sinh dùng mà cần hướng dẫn sử dụng một cách an toàn, có trách nhiệm

Có nên khuyến khích?

Các chuyên gia UNESCO đã ví sự phát minh trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh là một tiến bộ khoa học công nghệ giống như phát minh ra điện hoặc internet. Không thể không cho học sinh dùng mà cần hướng dẫn sử dụng một cách an toàn, có trách nhiệm và cân bằng. AI tạo sinh với khả năng trả lời các câu hỏi kiến thức, làm văn, sáng tác thơ, vẽ tranh, làm video từ văn bản và tâm sự trò chuyện với người dùng đã có những bước phát triển theo cấp số nhân kể từ khi ChatGPT ra đời tháng 11/2022.

Mặc dù, các nhà phát triển AI tạo sinh giới hạn độ tuổi sử dụng là 18 trở lên nhưng thực tế là học sinh phổ thông đã biết cách sử dụng các ứng dụng như Gemini, ChatGPT, MidJourney, Gramarly, Adobe Firefly…

Trong một cuộc khảo sát của AI Education (Google) vào tháng 12/2023 tại một trường THPT ở TP.HCM, 39,3% trong số 267 học sinh đã sử dụng ít nhất một công cụ AI tạo sinh hỗ trợ cho việc học tập và giải trí. Các em biết đến những công cụ này qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc do chính phụ huynh giới thiệu. Mục đích sử dụng cũng khá đa dạng như: học tiếng Anh; giải bài tập các môn học toán, tin học; vẽ tranh ảnh cho các bài thuyết trình trong lớp; tìm ý tưởng cho các dự án; trò chuyện tâm sự với AI chatbot…

Việc học sinh, sinh viên sử dụng AI tạo sinh một cách không chính thức có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Học sinh không được hướng dẫn để đánh giá lại tính chính xác, sự thiên vị trong những kết quả do AI tạo sinh cung cấp. Các em cũng sẽ khó ý thức được về những vi phạm bản quyền có thể xuất hiện trong những câu trả lời do nguồn dữ liệu đào tạo công cộng mà các nhà phát triển sử dụng.

Nghiêm trọng hơn là các em sẽ sử dụng những “sáng tạo” của AI cung cấp mà không trích dẫn nguồn gốc trong các bài tập, bài kiểm tra, dự án thực hiện trong lớp học. Những lo ngại học sinh trở nên lười suy nghĩ, mất đi tính sáng tạo và bị phụ thuộc vào AI tạo sinh cũng rất đáng để quan tâm. Học sinh cũng có thể bị nghiện khi sử dụng AI cũng như các công cụ công nghệ khác dẫn đến sự phát triển mất cân bằng giữa thể chất và tinh thần.

Ứng xử của các trường

Hầu hết các trường ĐH ở VN đều chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong học tập, nghiên cứu. Một số trường dù khuyến khích sinh viên sử dụng AI trong học tập nhưng vẫn cho rằng việc sử dụng thay thế hoàn toàn cho nỗ lực cá nhân vẫn bị xem là hành vi gian lận.

PGS-TS Phạm Thành Dương, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho biết hiện tại trường chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, Gemini trong hoạt động học tập và nghiên cứu của sinh viên (SV). Tuy nhiên, trường khuyến khích SV tự nghiên cứu, tìm hiểu và sử dụng các công nghệ mới một cách có trách nhiệm, tuân thủ các quy định về bản quyền và tránh gian lận học thuật. Trường cũng có một số hướng dẫn chung với SV về việc có thể sử dụng các công cụ này để hỗ trợ quá trình học tập, nghiên cứu, như tìm kiếm thông tin, lập dàn ý, soạn thảo bài viết.

Tuy nhiên, PGS-TS. Dương lưu ý: “Người học không được phép sử dụng các công cụ này để thay thế hoàn toàn cho bản thân trong việc thực hiện bài tập, đồ án, luận văn. Khi trích dẫn thông tin, ý tưởng từ các công cụ AI, SV cần ghi rõ nguồn và phản biện, phân tích một cách có ý thức”. Đặc biệt, TS. Dương nhấn mạnh: “Trong trường hợp các công cụ AI được sử dụng để thay thế cho nỗ lực cá nhân, nhà trường sẽ xem đây là hành vi gian lận và xử lý theo quy định về kỷ luật”.

Giáo viên cần được tập huấn về năng lực ứng dụng AI

Giải pháp cho vấn đề này trước hết chính là vai trò của giáo viên trong quá trình tương tác hàng ngày học sinh. Khảo sát AI Education trước khi tham gia các khóa đào tạo AI cho giáo viên tổ chức đầu tháng 7 ở TP.HCM cho thấy 69,2% giáo viên gần như chưa từng sử dụng bất cứ ứng dụng AI tạo sinh nào.

Một trong những giải pháp quan trọng mà UNESCO đề xuất các quốc gia là giáo viên phổ thông cần được tập huấn để có những hiểu biết đúng đắn và năng lực ứng dụng AI trong giảng dạy và quản lý lớp học. Và quan trọng hơn chính là giáo viên có thể hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng AI tạo sinh một cách hiệu quả, có trách nhiệm và cân bằng.

TS. Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết trường không cấm mà ngược lại khuyến khích giảng viên, SV sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công việc và học tập tốt hơn. “Ngay cả trong luận văn, tiểu luận vẫn khuyến khích người học sử dụng. Tuy nhiên, SV phải nắm được cốt lõi vấn đề, khi giảng viên chất vấn phải trả lời được cặn kẽ câu hỏi. Hơn nữa, trường đào tạo theo hướng ứng dụng nên các đề tài, luận văn hầu hết đều theo hướng làm ra sản phẩm. Do đó, việc đánh giá phải dựa trên hoạt động chi tiết của sản phẩm trong thực tế”, TS. Quỳnh cho hay.

Theo Ths. Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, quan điểm của trường là cho phép người học sử dụng AI hỗ trợ học tập một cách thoải mái, nhưng người học không được sử dụng các công cụ này trong thi cử, làm luận văn, đồ án, nghiên cứu khoa học. Nếu phát hiện SV dùng ChatGPT để làm luận văn, đề tài... thì tùy theo mức độ sẽ có hướng để xử lý tùy theo giảng viên. Không cấm người học sử dụng công cụ AI trong học tập nhưng hành vi dùng công cụ AI để làm tiểu luận, khóa luận vẫn bị các trường ĐH xem là đạo văn. Do đó, các trường hiện có nhiều biện pháp chống lại hành vi gian lận này, trong đó chủ yếu qua các phần mềm kiểm tra đạo văn.

Từ năm 2023, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) ban hành quy định thực hiện và chấm luận văn tốt nghiệp trình độ ĐH, trong đó có một nội dung liên quan đến việc sử dụng công cụ AI. Cụ thể, trường cho phép trưởng khoa quy định các điều kiện về kiểm tra đạo văn và chống các hình thức gian lận khác (ví dụ sử dụng công cụ AI để viết báo cáo) phù hợp theo từng ngành đào tạo.

Nhiều trường ĐH hiện đang sử dụng phần mềm Turnitin để phát hiện mức độ giống nhau, trùng lắp trong các sản phẩm học thuật viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt, cùng các ngôn ngữ khác và chỉ rõ nguồn sao chép. Tùy mức độ vi phạm, người học có thể bị khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học nếu bị phát hiện đạo văn, trích dẫn vượt tỷ lệ cho phép (20 - 25%).

Năm 2023, SV Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM từng bị giảng viên trừ 50% số điểm vì bài tiểu luận bị phát hiện sử dụng công cụ AI để viết. PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết trường chưa có quy định cụ thể về AI nhưng đã ban hành quy định về liêm chính học thuật chung.

Cùng với đó, các biện pháp trường đang áp dụng liên quan đến việc sử dụng công cụ AI này như: tập huấn cho giảng viên sử dụng các công cụ AI để phát hiện nội dung viết bằng AI, trường tự phát triển công cụ có khả năng phát hiện nội dung viết bằng AI. Ngoài ra, trường khuyến khích giảng viên thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá, cho người học làm nhiều hơn các dự án thực tế, thuyết trình, thảo luận…

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ung-xu-voi-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-khuyen-khich-su-dung-co-trach-nhiem-hay-la-cam-post311958.html