Ứng xử với 'Điểm hẹn văn hóa'

Sau ba năm thực hiện thí điểm, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm đến thú vị của người dân. Tuy nhiên, để không gian đi bộ này thật sự trở thành điểm hẹn lý tưởng, là 'đặc sản' văn hóa, du lịch độc đáo của Thủ đô Hà Nội thì bên cạnh công tác quản lý còn là ứng xử của cả cơ quan quản lý lẫn người dân đối với không gian văn hóa chung.

Chuyện nhỏ, thiệt hại lớn

HNMO từng phản ánh về những chiếc ghế nghỉ được đặt ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm bị gãy nan, trơ khung sắt rất mất mỹ quan. Chỉ đến khi được phản ánh, những chiếc ghế này mới được thay mới. Nhưng vấn đề ở không gian đi bộ không chỉ có những chiếc ghế bị gãy nan chậm thay mới mà thực trạng của nhiều dịch vụ tiện ích, vệ sinh môi trường cần được quan tâm đúng mức với một không gian văn hóa được xem là hình ảnh của Hà Nội.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm hẹn văn hóa của người dân.

Bà Nguyễn Thị Yến (ở phố Tông Đản) chiều nào cũng tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm. Dù cơ bản hài lòng với không gian công cộng quanh hồ nhưng bà vẫn mong mỏi công tác vệ sinh ở đây được làm tốt hơn, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần có đông du khách đi bộ. “Nhiều hôm, các thùng rác đầy ứ mà không kịp dọn dẹp. Vì thùng rác không bảo đảm vệ sinh nên nhiều người đứng từ xa ném rác, tạo nên những hình ảnh, ứng xử không đẹp”, bà Yến cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh hồ Hoàn Kiếm có nhiều thùng rác được đặt rải rác, đây được xem là “điểm cộng” để giúp người dân và du khách giữ gìn vệ sinh chung. Nhưng “điểm trừ” của hệ thống vệ sinh này là rất nhiều thùng rác đã cũ, bị hở nắp. Nhiều thùng rác còn được đặt ngay các ghế nghỉ chân, gây mất mỹ quan và mất vệ sinh cho khách bộ hành.

Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn ở khu vực phố đi bộ cũng là điều mà nhiều người dân sinh sống, làm việc ở khu vực này bức xúc. Chị Thanh Hương, một cán bộ làm việc ở cơ quan có trụ sở đóng tại đường Lê Thái Tổ cho biết, vào khoảng 17h chị lại bị “tra tấn” bởi những tiếng cười vọng từ bên kia hồ Hoàn Kiếm. Nguyên nhân là câu lạc bộ Yoga cười thường tập trung ở khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ mở loa với âm lượng lớn đã ảnh hưởng không nhỏ tới không gian làm việc của các cơ quan.

“Nếu ai tập thể dục ngoài đường phố mà cũng mở loa âm lượng lớn như thế thì sẽ rất ảnh hưởng đến người khác. Nhiều hôm tôi phải rời trụ sở làm việc sớm hơn, mang việc về nhà để hoàn tất vì âm thanh từ những chiếc loa khiến tôi không tập trung được”, chị Thanh Hương chia sẻ.

Nhiều câu lạc bộ sử dụng âm thanh lớn gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người sống và làm việc xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh minh họa.

Ông Duy Khang, sinh sống tại phố Đinh Tiên Hoàng cũng cho biết, vào cuối tuần, ông hay “sơ tán” sang nhà con gái ở Gia Lâm vì không chịu được tiếng ồn của các loại hình âm nhạc được phát loa với âm lượng lớn.

“Biểu diễn nghệ thuật ở đường phố phục vụ cộng đồng là điều tốt, nhưng rất cần có quy định về âm lượng để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”, ông Khang bày tỏ.

Cần có ứng xử đúng mực

Trước vấn đề cần phải có sự đầu tư đúng mực cho không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, để từ đó xây dựng quy tắc ứng xử chung cho không gian này, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho biết, với khu vực được xem là trung tâm như hồ Hoàn Kiếm, việc đầu tư hệ thống vệ sinh an toàn, thân thiện và văn minh là rất cần thiết. Hệ thống vệ sinh ở khu vực phố đi bộ bao gồm cả khu vệ sinh cá nhân lẫn các thùng rác cần được trang bị sao cho không chỉ tiện ích mà còn cần cả yếu tố thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, ông Ngô Văn Nam nhấn mạnh vào việc người dân tham gia không gian văn hóa công cộng cần phải có ứng xử đúng mực. “Sở VH-TT Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách có ứng xử văn hóa, văn minh ở phố đi bộ, như không vứt rác bừa bãi, dắt chó phải rọ mõm, biểu diễn nghệ thuật cần thực hiện đúng quy định đã được cấp phép… Tuy nhiên, ý thức của nhiều người khi tham gia trải nghiệm ở phố đi bộ vẫn chưa cao”, ông Nam chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, câu chuyện ứng xử thế nào với không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cần phải nhìn nhận ở nhiều góc độ. Đó không chỉ là ứng xử văn minh của người dân, du khách khi tham gia vào không gian văn hóa chung mà còn là ứng xử của cơ quan quản lý trong việc tạo ra không gian văn hóa, nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc nhưng vẫn mang hơi thở mới, hiện đại và trẻ trung, phù hợp giới trẻ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, cơ quan quản lý phải tạo được những không gian riêng biệt cho các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Việc quy hoạch những khu riêng biệt này cũng cần có quy định về âm lượng tiếng ồn, nhằm tránh việc “loạn nhĩ”, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã hoàn tất dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trên không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Nội dung của dự thảo dựa trên Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, quy chế quản lý nhấn mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, có thái độ ứng xử văn hóa; sinh hoạt, vui chơi, giải trí lành mạnh; giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ các công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan không gian đi bộ... Trong khi chờ dự thảo được ban hành, trước mắt, quận Hoàn Kiếm đã cho lắp đặt hệ thống camera an ninh ở khu vực phố đi bộ, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân.

“Không gian đi bộ sẽ đẹp hơn khi người dân, du khách cùng đồng hành với chính quyền trong việc thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa”, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/953255/ung-xu-voi-diem-hen-van-hoa