Ứng xử với vỉa hè

Vỉa hè được coi như bộ mặt văn minh đô thị. Thế nhưng thời gian qua, tại Hà Nội, trên nhiều con đường, tuyến phố, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán… vẫn diễn ra khiến giao thông bị cản trở, diện mạo đô thị nhếch nhác.

Du khách phải đi xuống lòng đường để di chuyển khi tham quan phố cổ. Ảnh: P.Sỹ.

Du khách phải đi xuống lòng đường để di chuyển khi tham quan phố cổ. Ảnh: P.Sỹ.

Sức hấp dẫn của đời sống vỉa hè

Trong ký ức của nhiều người dân Hà Nội, ngày xưa phố xá phong quang, vỉa hè rộng thênh thang. Đẹp nhất có lẽ là con phố Phan Đình Phùng, thu về, lá vàng rơi ngập lối. Bình yên và nên thơ vô cùng.

Xã hội phát triển, với sự sôi động và nhộn nhịp, vỉa hè ở Hà Nội dần trở thành một bức tranh sống động của đô thị hiện đại. Những quán xá, những tiếng cười, nói và mùi hương từ ẩm thực đường phố tạo nên một không gian đa chiều, đem lại một trải nghiệm đặc biệt cho người dân và du khách. Đó cũng là nơi mà người ta có thể nhìn thấy và trải nghiệm cảm giác thực sự của cuộc sống đô thị.

Nhiều quán ăn ngon, lâu đời và nổi tiếng xuất phát từ quán vỉa hè như phở gánh Hàng Chiếu, bún đậu Gốc đa, cháo lòng Ô Quan Chưởng… Nhiều thực khách đã rất thích thú khi ngồi vỉa hè, ngắm phố và thưởng thức những món ngon đặc sản mà người thành thị vẫn quen gọi là quà sáng. Không chỉ có ẩm thực, Hà Nội còn nổi tiếng văn hóa trà đá vỉa hè xuất hiện ở mọi góc phố.

Sự sôi động và đa dạng trên vỉa hè cũng chính là điểm thu hút không ít người nước ngoài khi đến Việt Nam. Nhiều người chia sẻ, họ không chỉ đến để tham quan các di tích, danh thắng mà còn tìm kiếm những nét đẹp trong cuộc sống đời thường. Và vỉa hè chính là nơi mà họ có thể tìm thấy không gian đa sắc, gần gũi và thân thiện, nơi mọi người có thể dễ dàng hòa nhập.

Thế nhưng, vỉa hè không chỉ là nơi chứa đựng những hình ảnh đẹp cuộc sống hàng ngày của người dân Thủ đô, nó còn là tấm gương phản chiếu những vấn đề nhức nhối của cuộc sống, từ ý thức đến cách sử dụng vỉa hè. Mặc dù có những nét văn hóa đặc trưng riêng của Hà thành, nhưng nhiều người lợi dụng việc đó để lấn chiếm, chiếm dụng làm của riêng khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, người đi bộ không còn không gian để lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thời gian qua, dư luận ồn ào về chuyện lát đá có độ bền 50 - 70 năm nhưng bị nát bươm sau một thời gian ngắn sử dụng. Người ta đặt nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, chỉ cần bỏ ra ít phút vào giờ cao điểm, đứng trên vỉa hè một số tuyến phố nào đó trong nội đô của Hà Nội, dễ dàng bắt gặp cảnh những chiếc xe máy lao lên vỉa hè. Nhiều xe ô tô đậu hẳn trên vỉa hè. Vậy đá nào cho bền? Đây cũng chính là câu chuyện về ý thức, văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông.

Khai thác theo quy chế

Để xóa bỏ đi những hình ảnh xấu xí trên vỉa hè, lực lượng chức năng từng nhiều lần ra quân rầm rộ với quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè. Song chỉ một thời gian ngắn, đâu lại vào đó. Thậm chí, nhiều người còn sáng tạo ra những cách để đối phó khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng.

Nhìn nhận về vấn đề vỉa hè đang bị chiếm dụng bằng nhiều cách, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, vỉa hè là một tiêu chí để cấu thành nét đẹp của các thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Vỉa hè cũng là một phần thể hiện sự văn minh, ngăn nắp… đảm bảo vấn đề trật tự an toàn giao thông và các hoạt động văn hóa xã hội.

“Vỉa hè có đa chức năng, trong đó chức năng dành cho người đi bộ là chức năng quan trọng. Ngoài ra còn có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề dân sinh nhưng phải đảm bảo nề nếp.

Vì vậy công tác quản lý vỉa hè cần rất bài bản. Hiện nay, nhiều người vẫn đang theo đuổi hướng cho thuê vỉa hè để tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước, đồng thời, qua đó giúp cho công tác quản lý tốt hơn.

Tuy nhiên việc cho thuê còn có những bất cập cần xem xét, tìm hiểu kỹ hơn. Ngay vỉa hè hiện nay, người ta lấn chiếm, chính quyền có quyền phạt, tịch thu mà còn không quản lý được thì khi cho thuê, người dân sẽ bày bán, chiếm dụng thì làm sao có thể quản lý để vỉa hè được sạch đẹp” - ông Tạo nói.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cần phải có nhận thức đúng đắn về thực hiện chức năng của hệ thống giao thông thành phố. Vỉa hè là không gian chuyển tiếp giao thông.

Do tính chất như vậy, Hà Nội đã rất chú trọng đến phát triển, quản lý vỉa hè. Ngay từ năm 2016 đã có dự án về vỉa hè, nhiều dự án được triển khai theo từng chuyên ngành nhưng chưa có sự đồng bộ, vì vậy rất khó khăn khi tạo sự hài hòa.

Cũng theo ông Nghiêm, trong quản lý đô thị hiện nay chúng ta phải áp dụng tích hợp đa dạng các yêu cầu quản lý, vừa tuyên truyền vận động kết hợp xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời huy động trách nhiệm của cộng đồng tham gia, vì cộng đồng là trung tâm trong cuộc sống của đô thị hiện nay.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh các giải pháp quản lý của chính quyền thì quan trọng hơn vẫn là ý thức của người dân - những người đang trực tiếp sử dụng vỉa hè, họ phải là những công dân đô thị hiện đại, tuân thủ mọi quy định quy tắc của pháp luật, để không chỉ trả lại vỉa hè cho người đi bộ mà còn trả lại nét đẹp trong sinh hoạt đô thị. Đặc biệt, việc quy hoạch và quản lý tốt vỉa hè sẽ góp phần gia tăng sức hấp dẫn của du lịch đô thị.

Theo TS.KTS Vũ Hoài Đức - giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, vỉa hè không chỉ là nơi để mưu sinh hay để đi lại mà là điểm hẹn cho những cảm xúc và ký ức thôn dã thân thương. Đối với khách du lịch nước ngoài, đời sống vỉa hè ở Hà Nội tạo nên một sức hấp dẫn thú vị bên cạnh yếu tố di sản kiến trúc hay những lễ hội. Việc đi bộ trên các vỉa hè, len lỏi giữa các sạp hàng hay đi qua những quán ăn khiến họ như được chạm vào những nét văn hóa rất đời thường.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-xu-voi-via-he-10288508.html