UNICEF dẫn đầu trong việc thu mua và cung ứng vắc-xin COVID-19
UNICEF sẽ hợp tác với các nhà sản xuất và đối tác nhằm thu mua vắc xin cũng như tổ chức hoạt động vận chuyển, hậu cần và lưu trữ vắc-xin COVID-19
UNICEF hiện đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm thu mua và cung ứng vắc-xin COVID-19. Đây có thể là hoạt động thu mua và cung ứng vắc-xin có quy mô lớn nhất và diễn ra nhanh nhất thế giới từ trước tới nay. Hoạt động này nằm trong kế hoạch vắc-xin toàn cầu của Cơ chế Tiếp cận Toàn cầu Vắc –xin COVID-19 (Cơ chế COVAX) do Gavi - Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng - nắm vai trò lãnh đạo.
Trong bối cảnh nhiều thử nghiệm vắc-xin có triển vọng, thay mặt Cơ chế COVAX, UNICEF phối hợp cùng Quỹ quay vòng thuộc Tổ chức Y tế Liên Châu Mỹ (PAHO) sẽ chỉ đạo công tác thu mua và cung ứng các liều vắc-xin COVID-19 cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Những quốc gia này sẽ nhận được các cơ chế hỗ trợ trong việc mua vắc-xin thông qua Cam kết Gavi COVAX AMC cũng như kho dự trữ vắc-xin dự phòng cho các trường hợp nhân đạo khẩn cấp. Ngoài ra, UNICEF còn đóng vai trò điều phối hoạt động thu mua nhằm hỗ trợ 80 quốc gia có thu nhập cao hơn. Các quốc gia này đã bày tỏ ý định tham gia vào Cơ chế COVAX và sẽ tự chi trả cho vắc-xin bằng nguồn ngân sách tài chính công của mình.
UNICEF sẽ triển khai những hoạt động này với sự hợp tác chặt chẽ cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Gavi, Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), PAHO, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Bill & Melinda Gates và nhiều đối tác khác. Cơ chế COVAX được mở rộng với mọi quốc gia nhằm đảm bảo tất cả các nước đều được tiếp cận với vắc-xin COVID-19 trong tương lai khi vắc-xin được phát triển thành công.
Theo bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF: Đây là hoạt động hợp tác chung tay giữa các chính phủ, các nhà sản xuất, và các đối tác đa phương nhằm tiếp tục cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vốn còn nhiều rủi ro. Trong nỗ lực chung nhằm phát triển vắc-xin, UNICEF đang tận dụng những lợi thế riêng biệt trong cung ứng vắc-xin để đảm bảo mọi quốc gia đều được tiếp cận với những liều vắc-xin đầu tiên một cách an toàn, nhanh chóng, và công bằng sau khi vắc-xin được sản xuất.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tham gia Cơ chế COVAX, và đã được chấp thuận là quốc gia có thể tham gia Cam kết COVAX AMC. UNICEF cùng với WHO và các đối tác phát triển khác sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác chuẩn bị quan trọng này, từ việc kiểm kê dây chuyền lạnh cho đến kế hoạch vận chuyển để chuẩn bị sẵn sàng vắc-xin cho người dân.
UNICEF là đơn vị thu mua vắc-xin đơn lẻ lớn nhất trên thế giới, với hơn 2 tỷ liều vắc-xin mỗi năm phục vụ cho hoạt động tiêm chủng thường xuyên và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh thay mặt cho gần 100 quốc gia. UNICEF cũng là đối tác thu mua cung ứng vắc-xin chính cho Gavi - Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng. Trong vòng 20 năm qua, Gavi đã giúp hơn 760 triệu trẻ em được tiếp cận với vắc-xinvà ngăn chặn được hơn 13 triệu trường hợp tử vong. UNICEF sẽ tận dụng chuyên môn về thu mua và định hình thị trường để điều phối hoạt động thu mua và cung ứng vắc-xin COVID-19 cho Cơ chế COVAX. Điều này có khả năng giúp tăng gấp đôi tổng khối lượng thu mua vắc-xin của tổ chức này chỉ trong năm 2021.
Theo một đánh giá thị trường của UNICEF được xây dựng dựa trên việc tổng hợp thông tin do các nhà sản xuất vắc-xin cung cấp cũng như dữ liệu công khai có sẵn, các nhà sản xuất sẵn sàng chung sức để sản xuất ra một số lượng vắc-xin lớn chưa từng có trong vòng một đến hai năm tới đây. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng chỉ ra rằng việc đầu tư để hỗ trợ sản xuất các liều vắc-xin với quy mô lớn như vậy sẽ phụ thuộc vào việc thử nghiệm lâm sàng thành công, đạt được các thỏa thuận mua trước, xác nhận được nguồn tài trợ, đơn giản hóa quy trình đăng ký và thủ tục pháp lý, cùng nhiều yếu tố khác.
Đánh giá này cũng cho thấy khả năng đáp ứng của các nhà sản xuất với thiết kế và mục tiêu của Cơ chế COVAX - một trụ cột chính trong Sáng kiến ACT – Accelerator. Sáng kiến ACT - Accelerator là một chương trình hợp tác toàn cầu mới mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối công bằng vắc-xin, phương pháp chẩn đoán và trị liệu nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 ở tất cả các quốc gia bất kể mức thu nhập.
Bước quan trọng tiếp theo là phải đảm bảo các nền kinh tế tự chủ về tài chính đăng kí tham gia vào Cơ chế COVAX trước ngày 18/09. Điều này sẽ cho phép COVAX có thể hỗ trợ các khoản đầu tư sớm, có rủi ro cao khi tăng khả năng sản xuất trên quy mô lớn thông qua các thỏa thuận mua trước.
Khung phân bổ của COVAX hiện đang được WHO xây dựng sẽ cung cấp thông tin hướng dẫn về cách thức và địa điểm mà UNICEF, PAHO và các đơn vị thu mua khác đại diện cho các quốc gia thành viên sẽ cung cấp vắc-xin COVID-19 do Cơ sở COVAX tiếp nhận. Dự kiến các đợt phân bổ vắc-xin đầu tiên sẽ được mở rộng để các quốc gia thực hiện tiêm chủng cho nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội, sau đó sẽ là các đợt vắc-xin dành cho những nhóm dân số có nguy cơ cao mắc COVID-19.
UNICEF, Gavi, WHO, và PAHO, với sự hợp tác cùng các đối tác và chính phủ các nước, đã bắt đầu những bước chuẩn bị quan trọng để sẵn sàng nguồn cung vắc-xin cho quốc gia như:
-Làm việc với các nhà sản xuất thiết bị để lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng thiết bị tiêm an toàn và các yêu cầu về chuỗi cung ứng lạnh cho vắc-xin;
-Xây dựng hướng dẫn cùng với WHO và xây dựng các khóa đào tạo nhằm hỗ trợ các chính sách về tiêm chủng cũng như hoạt động xử lý, lưu trữ và phân phối vắc-xin phù hợp;
-Cùng nhà sản xuất xây dựng giải pháp vận chuyển và hậu cần nhằm đưa vắc-xin tới các quốc gia nhanh chóng và an toàn nhất có thể ngay sau khi có kế hoạch phân bổ;
-Hỗ trợ các nước trong việc lập kế hoạch cung cấp vắc-xin, bao gồm xác định đối tượng chịu rủi ro cao nhất cũng như vận chuyển và bảo quản tại thời điểm cung cấp dịch vụ;
-Tăng cường phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự và các đối tác khác nhằm đảm bảo người dân được thông tin đầy đủ về quy trình tiêm chủng COVID-19 cũng như triển khai các biện pháp nhằm nâng cao lòng tin của người dân và giải quyết thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19.