UNICEF thúc đẩy bảo đảm việc mua vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 31/8 thông báo đã phát hành gói thầu khẩn cấp để đảm bảo việc sở hữu vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ (mpox) cho các quốc gia bị khủng hoảng.
Theo thông báo, đây là chương trình được thực hiện với sự phối hợp của Liên minh vaccine Gavi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) và Tổ chức Y tế Thế giới.
Thông báo cho biết thêm rằng, tùy thuộc vào năng lực sản xuất của các nhà sản xuất, các thỏa thuận lên tới 12 triệu liều cho đến năm 2025 có thể được thực hiện. UNICEF sẽ thiết lập các thỏa thuận cung cấp có điều kiện với các nhà sản xuất vaccine. Điều này cũng cho phép UNICEF mua và vận chuyển vaccine mà không bị chậm trễ, sau khi xác nhận được các yêu cầu về tài chính, nhu cầu, tính sẵn sàng và quy định liên quan. Dự kiến, các bên tham gia nêu trên cùng với UNICEF sẽ tạo điều kiện cho việc quyên góp vaccine từ các kho dự trữ hiện có ở các quốc gia có thu nhập cao.
Thông báo cho biết thêm rằng WHO đang xem xét thông tin do các nhà sản xuất gửi hôm 23/8 và dự kiến hoàn tất việc xem xét danh sách sử dụng khẩn cấp vào giữa tháng này.
Hiện một số quốc gia đã cam kết gửi vaccine đến các quốc gia châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, riêng Tây Ban Nha cam kết cung cấp 500.000 liều. Công ty dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch cũng sẽ hỗ trợ 215.000 liều vaccine. Tính đến ngày 27/8, đã có 22.863 trường hợp nghi nhiễm và 622 trường hợp tử vong liên quan đến các chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ khác nhau trên lục địa này. Trong khi đó, theo WHO, tính đến ngày 25/8, châu Phi đã có 5.281 trường hợp xác nhận mắc bệnh này.
Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra những triệu chứng giống như cúm và các vết loét có mủ. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, song vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là ở trẻ em, thai phụ và người có hệ miễn dịch yếu, như người nhiễm HIV. Ngày 14/8, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca mắc biến thể 1b (dễ lây lan và có nguy cơ gây tử vong cao hơn) tăng vọt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.