Unilever Việt Nam thí điểm mô hình phân loại rác thải nhựa tại nguồn đựa vào cộng đồng
Ngày ngày 16.6, Unilever Việt Nam và UBND quận 7 (TP.HCM) tổ chức Ngày hội thí điểm 'Tách nhựa để tái chế' tại quận 7, chính thức khởi động chương trình hợp tác mang mô hình kinh tế tuần hoàn vào đời sống thông qua nâng cao nhận thức của người dân và xây dựng, duy trì thói quen phân loại rác nhựa tại nhà để hỗ trợ công tác thu gom và tái chế rác thải nhựa trên địa bàn quận nói riêng, từ đó tạo nền tảng để mô hình được lan rộng khắp TP.HCM và trên toàn quốc trong thời gian tới.
Theo báo cáo “Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa” do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, tỷ lệ tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam chỉ đạt 33%. Đa phần do hoạt động phân loại rác tại nguồn và thu gom rác nhựa chưa thực sự được triệt để, chưa được đẩy mạnh và đồng bộ. Theo thói quen hiện nay, người dân chỉ phân loại một số nhựa cứng, nhựa có giá trị để bán ve chai; các loại nhựa khác, đặc biệt túi mềm vẫn vứt chung vào rác thải sinh hoạt nên không được tái chế.
Vì vậy, Ngày hội “Tách nhựa để tái chế” giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc phân loại rác nhựa tại nhà một cách triệt để, hỗ trợ mang nhựa quay lại phục vụ cho đời sống và hoạt động sản xuất thay vì gây ô nhiễm môi trường. Khi người dân phân loại tốt thì việc tái chế sẽ thuận lợi hơn, đỡ tốn kém hơn.
Trong không gian mở của khu vực Công viên Cảnh đồi (quận 7, TP.HCM), UBND quận 7, Unilever Việt Nam và các nhãn hàng (Omo, Comfort, Sunlight, Knorr, TRESemmé, Clear, P/S, Lifebuoy, Hazeline) đã mang đến nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, hoạt động triển lãm về kinh tế tuần hoàn giới thiệu một quy trình toàn diện từ phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, đến sản xuất bao bì từ nhựa tái chế (PCR), từ đó mang khái niệm kinh tế tuần hoàn trở nên trực quan và gần gũi với người dân. Bên cạnh đó, người dân có thể thực hành phân loại rác nhựa ngay tại sự kiện thông qua các trò chơi, hoạt động đổi rác nhựa lấy quà, chụp ảnh lan tỏa thông điệp về phân loại rác thải nhựa...
Ngày hội còn là cột mốc quan trọng khởi động cho chương trình hợp tác “Phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình Kinh tế Tuần hoàn” giữa Unilever Việt Nam và UBND quận 7 đến cuối năm 2025, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Hợp tác này sẽ tập trung mang mô hình kinh tế tuần hoàn vào đời sống của người dân, tạo nên làn sóng bảo vệ môi trường rộng khắp tại các cộng đồng địa phương bằng cách xây dựng và duy trì thói quen phân loại rác trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa bằng cách ứng dụng kinh tế tuần hoàn, chỉ UBND Quận 7 và Unilever Việt Nam là chưa đủ, mà còn cần đến sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Trong đó, người dân, cộng đồng địa phương, các cơ quan ban ngành, các tổ chức phi chính phủ... sẽ góp phần thực hiện và thúc đẩy việc phân loại rác nhựa tại nguồn; Các đơn vị thu gom, đội ngũ lao động ve chai tự do sẽ tiến hành thu gom rác thải nhựa đã được phân loại và chuyển giao cho các đơn vị tái chế; Các nhà tái chế như Tái chế Duy Tân sẽ tiến hành xử lý rác thải nhựa, và tạo ra những hạt nhựa tái sinh; Những nhà sản xuất như Unilever sẽ sử dụng hạt nhựa tái sinh này để sản xuất thành chai nhựa mới; Các nhà phân phối như Central Retail sẽ mang những sản phẩm có bao bì nhựa tái sinh đến tay người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục phân loại rác thải nhựa sau khi sử dụng, để vòng tuần hoàn của nhựa tiếp tục được diễn ra.
Chương trình hợp tác này còn mở ra cơ hội để các cơ quan ban ngành liên quan và khối tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp có thể cùng nhau tìm ra các giải pháp hoàn thiện hơn, tạo điều kiện nhân rộng mô hình tuần hoàn nhựa tại các quận huyện khác thuộc TP. HCM và trên toàn quốc trong thời gian tới.
Hiện nay, Unilever Việt Nam đã thu gom và xử lý hơn 20.000 tấn rác thải nhựa thông qua những chương trình hợp tác, phát triển 73% bao bì sản phẩm có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời giảm 82% lượng nhựa nguyên sinh thông qua cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái sinh PCR trong sản xuất bao bì.