UOB: Người trẻ Việt Nam ngày càng chi nhiều tiền cho concert ca nhạc

42% trong số 1.000 người Việt tham gia khảo sát của UOB và BCG cho biết đã chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm so với năm ngoái, trong đó gen Z là nhóm gia tăng mạnh nhất.

 Hàng chục nghìn khán giả tham dự một concert ở TP.HCM hồi tháng 10. Ảnh: Phương Lâm.

Hàng chục nghìn khán giả tham dự một concert ở TP.HCM hồi tháng 10. Ảnh: Phương Lâm.

Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng Đông Nam Á (ACSS) năm 2024 do Ngân hàng UOB phối hợp cùng công ty tư vấn BCG triển khai thông qua khảo sát trực tuyến với 5.000 người tiêu dùng thuộc các nhóm nhân khẩu học khác nhau tại 5 thị trường Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Đáng chú ý, kết quả cho thấy người Việt Nam đang lạc quan nhất khu vực, khi hơn 70% người tham gia khảo sát bày tỏ tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước trong 6-12 tháng tới. Con số này giảm 7 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân 54% của khu vực.

Chi tiêu mạnh tay cho các trải nghiệm

Tâm lý tích cực đã thúc đẩy chi tiêu của người dân, với 3 khoản mục được gia tăng mạnh nhất là giáo dục cho con cái, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ tiện ích.

Người Việt cũng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm như đi du lịch, du thuyền, ăn uống sang trọng, tham dự concert, sự kiện giải trí, hay dịch vụ spa, massage... so với các nước khác trong khu vực. Cụ thể, 42% người khảo sát ở Việt Nam cho biết họ đã chi tiêu nhiều hơn cho những lĩnh vực này, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN là 35%.

Đặc biệt, người tiêu dùng trẻ tuổi có xu hướng chi tiêu cho trải nghiệm nhiều hơn các nhóm khác, đặc biệt là gen Z với 47% trong số họ đã chi nhiều hơn cho các hoạt động về trải nghiệm.

Ngân hàng UOB cũng ghi nhận tổng doanh số thanh toán qua thẻ cho chi tiêu trải nghiệm tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay tăng bình quân 48% so với năm ngoái. Riêng hoạt động du lịch tăng 83%, ăn uống tăng 17%. Xét về nhóm tuổi, các chủ thẻ gen Z gia tăng 50% chi tiêu cho trải nghiệm so với 8 tháng năm 2023.

 Ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân tại UOB Việt Nam cho rằng xu hướng giới trẻ gia tăng chi tiêu cho trải nghiệm sẽ tiếp tục diễn ra thời gian tới. Ảnh: UOB.

Ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân tại UOB Việt Nam cho rằng xu hướng giới trẻ gia tăng chi tiêu cho trải nghiệm sẽ tiếp tục diễn ra thời gian tới. Ảnh: UOB.

Theo bà Vân Đặng, Giám đốc dự án tại BCG, sự thay đổi nhân khẩu học rõ rệt sẽ định hình tương lai của tiêu dùng Việt Nam, chủ yếu do sự phát triển của một thế hệ trẻ.

Bà cho hay gen Z chiếm 15% dân số Việt Nam, nhưng lại đang đóng góp đến 40% chi tiêu bên ngoài gia đình (bao gồm ăn uống tại hàng quán, du lịch, giải trí...). Vị chuyên gia từ BCG thậm chí nhấn mạnh dự báo 60-70% mức tiêu thụ trên thị trường Việt Nam vào năm 2050 sẽ đến từ thế hệ trẻ.

"Chúng tôi tin rằng xu hướng giới trẻ gia tăng chi tiêu cho trải nghiệm sẽ tiếp tục diễn ra. Điều này càng được thúc đẩy bởi mức tăng thu nhập của họ, cũng như sức ảnh hưởng của mạng xã hội khi các chương trình, sự kiện giải trí, trải nghiệm được quảng bá mạnh mẽ", ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân tại UOB Việt Nam đánh giá.

Mặt khác, ông Paul Kim cho rằng chính các nghệ sỹ quốc tế cũng nhìn thấy sự phát triển kinh tế và tiềm năng của thị trường ASEAN, do đó các concert, liveshow được tổ chức nhiều hơn ở một số quốc gia trong khu vực.

Từ góc độ ngân hàng, UOB kỳ vọng có thể đón đầu xu hướng này. Năm ngoái, nhà băng đã hợp tác với các sự kiện đặc biệt như The Eras Tour của Taylor Swift, concert của Ed Sheeran, và tại Việt Nam là chương trình Rap Việt.

"Chúng tôi nhìn thấy thành công rất lớn từ các sự kiện này. Chiến lược sắp tới của chúng tôi là đảm bảo cung cấp các quyền lợi đến khách hàng để họ thực sự tận hưởng những trải nghiệm này một cách tốt nhất, cùng với phương thức thanh toán liền mạch của chúng tôi", ông Paul Kim nói thêm.

Tài chính vẫn là lo ngại hàng đầu

Dù vậy, tài chính tiếp tục là mối lo hàng đầu của người Việt Nam, theo nghiên cứu ACSS 2024. Cụ thể, 77% người trả lời bày tỏ lo lắng về các vấn đề liên quan đến tài chính, trong đó Gen Z thể hiện mức độ lo lắng cao nhất (87%). Bên cạnh đó là các băn khoăn về vấn đề công việc và sức khỏe, tinh thần.

Trong bối cảnh này, 58% người tham gia khảo sát cho biết đã dành ra ít nhất 3 tháng chi phí cho các trường hợp khẩn cấp, cao hơn mức trung bình của khu vực là 54%. Gần một nửa số người thường xuyên tiết kiệm hơn 20% thu nhập hàng tháng của mình, chủ yếu ở nhóm Gen Y.

Nhu cầu đầu tư cũng rất mạnh mẽ, 63% người tiêu dùng Việt Nam phân bổ hơn 10% thu nhập năm cho các khoản đầu tư - cao hơn 10 điểm % so với mức trung bình của khu vực. Trong số khách hàng của UOB Việt Nam, Gen Y là nhóm có số lượng nhà đầu tư lớn nhất, trong khi Gen X nắm giữ khối lượng tài sản đầu tư cao nhất.

Dù vậy, ông Paul Kim cho rằng cần nhiều nỗ lực hơn để thúc đẩy sự sẵn sàng và chuẩn bị về tài chính, đặc biệt là đối với người trẻ. Nghiên cứu ACSS 2024 chỉ ra rằng người tiêu dùng Việt Nam đa phần chú trọng tiết kiệm và đầu tư, trong khi ít người chuẩn bị tốt cho mục đích bảo vệ, bởi chỉ 6% người tham gia khảo sát có bảo hiểm nhân thọ.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/uob-nguoi-tre-viet-nam-ngay-cang-chi-nhieu-tien-cho-concert-ca-nhac-post1510412.html