Ước gì đề thi tốt nghiệp Ngữ văn cũng có cấu trúc như đề minh họa tuyển sinh lớp 10 Hà Nội

Trong các diễn đàn dành cho giáo viên, nhiều nhà giáo bày tỏ mong muốn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025 cũng có cấu trúc như đề minh họa tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố đề minh họa tuyển sinh lớp 10, trong đó có môn Ngữ văn. Cấu trúc đề môn này nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận của giáo viên.

Nhiều giáo viên chia sẻ, đề minh họa môn Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 Hà Nội khá hay, sát với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phù hợp với mọi đối tượng học sinh nhưng có sự phân hóa rõ nét.

Cụ thể, phần Đọc hiểu (4 điểm) cho ngữ liệu là một đoạn trích trong bài thơ "Ngày xưa có mẹ" của tác giả Thanh Nguyên và yêu cầu học sinh trả lời 5 câu hỏi được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Đáng chú ý, câu 5 là một câu hỏi mở khi đặt vấn đề: "Mẹ và những người thân trong gia đình là những người không thể thiếu trong con. Nhưng trong nhịp sống hối hả hiện nay, dường như con cái với cha mẹ ngày càng thiếu sự gắn kết". Và đề yêu cầu: "Theo em, cần làm gì để các thành viên trong gia đình gắn kết hơn."

Với câu hỏi này, học sinh có thể trả lời như sau: Để các thành viên trong gia đình gắn kết hơn trong nhịp sống hiện đại, cần có những hành động cụ thể như: dành thời gian nhiều hơn cho gia đình; quan tâm, chia sẻ cảm xúc với nhau; lắng nghe ý kiến và mong muốn của mỗi thành viên; giảm bớt thời gian lướt điện thoại thông minh,…

Nhìn chung, học sinh có học lực trung bình cũng có thể lấy được 3/4 điểm. Giám khảo cũng đỡ nhàm chán khi chấm những câu hỏi mở vì học sinh không viết theo văn mẫu hay hô khẩu hiệu như thường thấy.

Phần Viết (6 điểm) gồm câu 1 (2 điểm) và câu 2 (4 điểm). Đáng nói, câu 1 yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích tám dòng thơ cuối của văn bản "Ngày xưa có mẹ".

Yêu cầu này rất đúng đắn và thiết thực vì không phải học sinh nào cũng có khả năng phân tích, cảm nhận thơ (ngôn ngữ thơ có tính hình tượng, sử dụng nhiều biện pháp tu từ khó giải mã) nên câu 1 chỉ chiếm 2 điểm là hợp tình, hợp lí.

Câu 2 lấy một đoạn thơ (4 câu) trong ngữ liệu Đọc hiểu "Ngày xưa có mẹ" (Nếu có đi vòng quả đất tròn/ người mong con mỏi mòn vẫn không ai ngoài mẹ/ Cái vòng tay mở ra từ tấm bé/ cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên).

Và yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trả lời cho câu hỏi: Vậy con nên trưởng thành trong vòng tay mẹ hay nên rời xa vòng tay mẹ để trưởng thành?

Như vậy, câu 2 cũng phù hợp với mọi đối tượng học sinh và có sự phân hóa cao. Học sinh chỉ đồng tình với một trong hai ý kiến (trưởng thành trong vòng tay mẹ hoặc Rời xa vòng tay mẹ để trưởng thành) thì không thể đạt điểm cao bằng học sinh có quan điểm khác.

Chẳng hạn, trưởng thành không nhất thiết phải rời xa vòng tay mẹ, mà là học cách tự lập và đối mặt với cuộc sống, đồng thời vẫn giữ gìn và trân trọng tình yêu thương, sự hỗ trợ từ mẹ.

Có thể nhận thấy, cấu trúc đề minh họa này dựa theo cấu trúc đề tham khảo môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không nặng về phần nghị luận văn học và kiến thức tiếng Việt.

Phần Đọc hiểu và phần Viết có sự kết nối với nhau, học sinh không bị ngắt mạch tư duy khi làm bài như đề minh họa thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025.

Vì vậy, nhiều giáo viên mong muốn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025 cũng có cấu trúc như đề minh họa tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/uoc-gi-de-thi-tot-nghiep-ngu-van-cung-co-cau-truc-nhu-de-minh-hoa-tuyen-sinh-lop-10-ha-noi-179240831153432504.htm