Ước mơ của người thợ ở TPHCM hơn 40 năm bám vỉa hè khắc chữ thủ công

Sau hơn 40 năm bám vỉa hè làm nghề, người thợ khắc chữ thủ công ở TPHCM có ước mơ khiến nhiều người nghe xúc động.

Hơn 40 năm làm nghề

Chiều mưa tháng 7, người khách muốn khắc tên mình lên cây bút vừa mua để làm kỷ niệm, tìm đến góc đường Lê Lợi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM cũ, nay là phường Bến Thành, TPHCM).

Anh muốn tìm ông Lê Tiến Dũng (SN 1959), người được ví như thợ khắc chữ thủ công nổi tiếng của thành phố. Đến nơi, khách thất vọng khi biết ông Dũng đã “nghỉ hưu” sau khi truyền nghề cho con trai.

Ông Dũng sinh ra và lớn lên ở Hải Dương (nay là TP Hải Phòng). Từ nhỏ, ông đã đam mê chữ đẹp. Khi còn là sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, ông từng say sưa nhìn người ta khắc chữ lên đồ lưu niệm trên phố Hàng Gai, Hà Nội.

Quá đam mê, ông mạnh dạn đến hỏi, nhờ người này chỉ cho mình cách khắc chữ. Không giấu nghề, người thợ mài ngòi khắc chữ bằng kim loại, lấy viên màu sáp rồi hướng dẫn ông cách khắc chữ trong vòng ít phút.

Lúc ấy, ông Dũng không hề nghĩ mình sẽ theo nghề khắc chữ, mà chỉ thấy có thể nó sẽ giúp ích gì đó trong quá trình học tập của mình. Nhưng vì quá đam mê, lại có năng khiếu nên ông Dũng đã học rất nhanh.

Năm 1977, ông Dũng đi bộ đội. Thời điểm ấy có phong trào lấy nhôm từ vỏ máy bay làm lược, muỗng… Để món đồ đẹp hơn, người ta thường khắc họa tiết trang trí lên. Ông Dũng rèn luyện khả năng khắc chữ của mình bằng công việc này.

Năm 1980, ông Dũng xuất ngũ rồi vào TPHCM tìm kế sinh nhai. Tình cờ một ngày ông ra đường Lê Lợi và bắt gặp người làm nghề khắc chữ trên vỉa hè. Dù nét chữ không mấy đẹp nhưng người này vẫn có nhiều khách hàng thuê khắc.

Ông Dũng khắc chữ thủ công từ những năm 1980. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông Dũng khắc chữ thủ công từ những năm 1980. Ảnh: Hà Nguyễn

Thấy mình có khả năng, ông nghe theo lời khuyên của bạn bè, ra góc đường Lê Lợi làm nghề khắc chữ. Ông Dũng kể: “Hồi đó, đoạn đường Lê Lợi giao với Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ là chợ trời, người dân đến buôn bán lặt vặt rất đông.

Tôi ra vỉa hè nhưng vì đông người quá nên không tìm được chỗ ngồi. Tôi đứng chờ, hễ thấy ai mua bút máy là đến hỏi, mời họ khắc chữ. Sau này, tôi đi lòng vòng rồi tìm được vỉa hè có góc khuất trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa giao với Lê Lợi.

Tôi để một tấm bảng nhỏ với 2 cái ghế ngồi, một cho khách, một cho mình để khắc chữ cho người cần. Thấm thoắt đến bây giờ cũng đã hơn 40 năm”.

Sau khi khắc, chữ được tô màu sáp để nổi hơn. Ảnh: Hà Nguyễn

Sau khi khắc, chữ được tô màu sáp để nổi hơn. Ảnh: Hà Nguyễn

Ước mơ kỳ lạ

Những ngày đầu vào nghề, ông lấy mũi khoan mài nhọn làm ngòi khắc chữ. Khi làm việc, ông dùng sức tì mạnh ngòi khắc vào bề mặt món đồ. Việc này khiến tay ông chai cứng, đau nhức, công việc cũng rất chậm, không đạt hiệu quả cao.

Dù vậy vốn có năng khiếu, khả năng mỹ thuật và óc thẩm mỹ cao, không chỉ chữ viết, các họa tiết trang trí do ông Dũng khắc đều uyển chuyển, mềm mại, đẹp mắt.

Sau này, ông nghiên cứu sáng tạo ngòi khắc sử dụng mô tơ nên việc khắc chữ trở nên nhẹ nhàng, rút ngắn thời gian.

Nét khắc của ông Dũng được đánh giá mềm mại, uyển chuyển. Ảnh: Hà Nguyễn

Nét khắc của ông Dũng được đánh giá mềm mại, uyển chuyển. Ảnh: Hà Nguyễn

Ngồi trên vỉa hè nhưng ông Dũng có lượng khách hàng đông đảo. Ngoài khắc chữ lên bút, thước kẻ, ông nhận khắc trang trí lên các sản phẩm quà tặng. Thu nhập từ công việc này giúp ông đủ trang trải cuộc sống, nuôi gia đình.

Bên cạnh đó, ông còn khoe được mời khắc chữ trên các món quà lưu niệm trong một số sự kiện của thành phố.

Ông kể: “Sau hơn 40 năm theo nghề, tôi có nhiều kỷ niệm với công việc khắc chữ thủ công. Ngoài việc khắc chữ cho khách người Việt, chữ viết của tôi cũng theo khách quốc tế ra nước ngoài.

Tôi nhớ mãi lần một ông khách đến từ Thụy Sỹ. Người này có cây bút rất quý, cắm trên cái đế được làm thủ công. Ông muốn khắc chữ lên cái đế này nhưng ở nơi ông sống, người khắc chữ thủ công không còn.

Sau khi nghỉ hưu, ông Dũng truyền nghề cho con trai tên Dương (áo xanh) để tiếp tục gìn giữ nghề. Ảnh: Hà Nguyễn

Sau khi nghỉ hưu, ông Dũng truyền nghề cho con trai tên Dương (áo xanh) để tiếp tục gìn giữ nghề. Ảnh: Hà Nguyễn

Khi đến Việt Nam, ông nhờ tôi khắc tên mình lên cái đế ấy. Lúc hoàn thành, ông ấy rất hài lòng".

Theo ông Dũng, nghề khắc chữ thủ công hiện không còn được ưa chuộng như trước và dần mai một. Bằng chứng là trước đây, gần chỗ ông ngồi còn có thêm 2 người thợ cùng làm nghề nhưng nay không còn.

Dù vậy, ông Dũng vẫn tin nghề này sẽ không lụi tàn, biến mất bởi đây là nghề thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm từ nghề này vẫn mang tính độc đáo riêng, không trùng lặp, gặp lại cái thứ 2 trên đời.

Vì vậy, dù con trai đang có công việc thiết kế đồ họa, ông vẫn khuyên anh học và theo nghề của mình.

Sau 2-3 năm tập luyện, hiện nay anh Lê Hải Dương, con trai ông đã có thể tiếp quản nghề độc đáo, góp phần giúp ông Dũng có điều kiện thực hiện ước mơ tuổi già.

Sau khi con trai đã có thể tiếp quản công việc, ông Dũng quyết định "nghỉ hưu", dành thời gian thực hiện ước mơ của mình. Ảnh: Hà Nguyễn

Sau khi con trai đã có thể tiếp quản công việc, ông Dũng quyết định "nghỉ hưu", dành thời gian thực hiện ước mơ của mình. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông tâm sự: “Năm ngoái, tôi quyết định “nghỉ hưu”, không tiếp tục làm nghề để thực hiện ước mơ của mình. Tôi muốn thực hiện hành trình về vùng quê ở các tỉnh thành trên cả nước để khắc chữ 0 đồng tặng các em nhỏ.

Tôi làm như vậy là để tri ân cái nghề, tri ân những khách hàng đã nuôi sống mình suốt hơn 40 năm qua. Ngoài ra, chuyến đi cũng giúp tôi có những trải nghiệm riêng khi rong ruổi các tỉnh thành dọc theo mọi miền Tổ quốc”.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/uoc-mo-cua-nguoi-tho-o-tphcm-hon-40-nam-bam-via-he-khac-chu-thu-cong-2423532.html