Ước mơ giản dị của những giáo viên vùng dân tộc thiểu số trong ngày Nhà giáo Việt Nam 2020
Với nhiều giáo viên, mong ước lớn nhất trong ngày Nhà giáo Việt Nam không phải hoa, quà mà là làm sao để học sinh của mình được học tập trong điều kiện tốt hơn.
Khác với ở các vùng thành thị, ngày 20/11 ngập tràn hoa, quà, đối với các thầy cô ở những nơi khó khăn, mơ ước vào những ngày này đều chỉ là những điều giản dị, tốt đẹp nhất đến với những học sinh thân yêu của mình. Tại các nơi thiếu thốn đủ bề ấy, các thầy, cô mong muốn được quan tâm hơn nữa đến chính sách dành cho giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, cũng như đầu tư cơ sở vật chất cho công tác giảng dạy, xóa bỏ trường lớp tạm…
Hơn 17 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên Trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên) chia sẻ, những ngôi trường cô đã và đang công tác, đều ở trên địa bàn xã nghèo, vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Hinh. Học sinh theo học tại các ngôi trường này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Êđê, Bana, Dao, Sán Dìu, Mông, Tày, Nùng…
Ngoài nỗ lực để dạy và giúp học sinh nơi đây yêu mến học tập, không bỏ học..., cô Trang cũng trăn trở đối với truyền thống văn hóa dân tộc nơi đây đang dần mai một, cần được gìn giữ, phát huy.
"Tại Sông Hinh, người Ê đê, Ba Na có một kho tàng văn hóa hết sức đồ sộ, quý giá, như: văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống… Nhưng học sinh người Ê đê, Ba Na rất ít biết đánh cồng chiêng, hát dân ca, hoặc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống; ít biết các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, làm rượu cần..." - cô Lê Thị Thu Trang chia sẻ.
Từ thực tế này, cô Trang đề nghị cần có một đề án hoặc kế hoạch cụ thể để đưa những nội dung trên vào chương trình học ngoại khóa của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, định kỳ tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc trong đoàn viên thanh niên để giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Cô Trần Thị Bích Thu là người dân tộc Cơ-tu, hiện đang giảng dạy tại một trường mầm non xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng trăn trở, cần quan tâm hơn nữa đối với trẻ em người dân tộc thiểu số. Cô Thu cho biết, nhà trường nói riêng, giáo dục mầm non nói chung rất được thành phố quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ sở vật chất, chế độ chính sách.
Mặc dù vậy, cô cũng như các đồng nghiệp vẫn gặp khó khăn bởi trẻ dân tộc thiểu số do vốn tiếng Việt còn rất hạn chế nên chưa mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp, chưa tham gia sôi nổi các hoạt động. Bên cạnh đó, dù trẻ được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt ở trường, nhưng thể trạng các em còn nhỏ bé bởi đa số cha mẹ trẻ làm nương rẫy, kinh tế khó khăn, chưa thường xuyên tổ chức được bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ tại nhà.
"Dinh dưỡng rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đây là vấn đề tôi trăn trở và rất mong trẻ dân tộc Cơ-tu nói riêng, trẻ em vùng kinh tế, xã hội khó khăn nói chung được hỗ trợ để có thể nâng cao thể trạng, từ đó phát triển tốt hơn" - cô Thu chia sẻ.
Gắn bó với công tác dạy trẻ mầm non, cô giáo trẻ PiNăng Thị Hải (24 tuổi, người dân tộc Raglai), Trường mầm non Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ, điểm trường nơi dạy cách rất xa huyện với hơn một giờ đồng hồ xuống núi. Cô dạy lớp ghép với 34 học sinh, ngoài dạy học, cô còn quán xuyến hết từ bữa cơm, giấc ngủ cho trẻ.
Ở nơi thiếu thốn đủ bề, nước sạch không có và chắc chắn dụng cụ dạy học cũng còn xa lạ, cô Hải đã nỗ lực để làm các đồ dùng dạy học cho học sinh. "Ở trường các con học bán trú ăn ngủ nghỉ tại trường nhưng chưa có nhà vệ sinh đảm bảo. Tôi rất mong được xây phòng vệ sinh nam riêng, nữ riêng cho các cháu" - cô PiNăng Thị Hải mong muốn.