Ước mơ giản dị ngày trở về của phạm nhân dính án buôn người

Chỉ còn vài tháng nữa thôi, Tuyên sẽ thi hành xong bản án 9 năm tù. Đằng đẵng mấy năm trong tù với Tuyên lại chẳng lâu bằng mấy tháng này. Đếm ngược thời gian còn ở trại giam, Tuyên khấp khởi mừng, khấp khởi lo về dự định của mình ngày mãn hạn.

“Em chỉ ước sau này ra trại xin được một chân phụ bếp cho một nhà hàng, không thì làm công nhân, thậm chí về làm thuê cho một trang trại nào đấy cũng được, miễn sao là không phải ở nhà”, Nguyễn Văn Tuyên, SN 1989, ở xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, Hà Nam mở lời. Hiện Tuyên đang cải tạo ở trại giam Nam Hà, bản án 9 năm tù về tội buôn người. Tuy nhiên, chỉ còn vài tháng nữa thôi, Tuyên sẽ ra tù.

Bữa nhậu định mệnh

Bước chân vào trại giam khi đã ngoài tuổi đôi mươi nên Tuyên không phải là phạm nhân trẻ nhất trại giam nhưng việc anh ta lừa cô bạn cùng xã để bán qua biên giới để rồi sau đó đổi lấy bản án 9 năm tù thì các phạm nhân cùng cải tạo ở đội 14 của anh ta ai cũng nắm được. Thậm chí có một phạm nhân còn nhận xét rằng: “Tuyên ngu, lừa đâu không lừa lại lừa người quê mình, sau này vác mặt về làm sao mà sống nổi”. Hẳn là bây giờ Tuyên đã nghĩ đến chuyện đó khi mà qua cái mùa hạ này thôi, anh ta đã hết án trở về nhà. Thế nên khi nói đến dự định của mình ngày ra trại, Tuyên không khỏi ngập ngừng. Anh ta thẳng thắn bộc bạch rằng sẽ cố gắng không phải sống ở quê nhà, sẽ tìm việc ở tỉnh ngoài và nếu chẳng may không thể xin làm việc ở nơi khác mà phải sống ở quê thì cũng sẽ hạn chế chạm mặt “người cùng xã”.

Theo lời Tuyên kể thì anh ta sinh ra trong một gia đình có 2 anh em, bố mẹ làm nông nghiệp. Do năng lực có hạn nên kỳ thi vào THPT, số điểm hai môn văn, toán của Tuyên không cao. Không đủ điểm vào trường THPT công lập, Tuyên bỏ học vì nghĩ rằng nếu có đi học tại trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học bổ túc thì cũng không có kết quả gì, còn học dân lập thì bố mẹ Tuyên không đủ khả năng. Ở nhà chơi, trong một lần ngồi quán uống nước, Tuyên tình cờ gặp một đàn anh tên Tiến, người cùng xã. Cuộc đời của Tuyên đã rẽ sang một hướng khác kể từ sau lần trò chuyện với Tiến.

“Gia đình anh ấy cũng chẳng khá giả gì, bố mất sớm, nhà còn có mẹ già, vợ lại mới sinh con”, Tuyên nhớ lại những điều đã biết về Tiến.

Không giấu được sự tò mò về cách chi tiền của Tiến, Tuyên đã bày tò thắc mắc của mình với Tiến và nhận được câu trả lời thẳng thắn “tôi làm cò lao động” của Tiến.

Tiến bảo Tuyên chỉ cần dẫn người có nhu cầu tìm việc làm giới thiệu cho Tiến, Tiến sẽ đưa đến chỗ làm việc và Tuyên có tiền môi giới. Tưởng thật, Tuyên đồng ý và được Tiến kể sơ qua về “công việc” của mình. Khi biết thực chất công việc cò lao động mà Tiến kể, Tuyên cũng có đôi chút lưỡng lự nhưng rồi khoản tiền triệu công môi giới đã khiến thanh niên này không vượt qua được cám dỗ. “Tôi đã tiếp tay cho kẻ xấu, bất chấp tất cả, thật đáng xấu hổ”, Tuyên kể.

Theo hồ sơ vụ án, Tuyên đã lừa chị Nguyễn Thị T ở xóm 9, Thụy Lôi, Kim Bảng rằng có người chú họ ở Hà Nội đang cần nhân viên bán hàng quần áo, thấy lương cao, có chỗ ăn ở thuận tiện nên nghĩ ngay tới T, muốn giới thiệu cho T có việc làm vì thương hoàn cảnh cô bố mất sớm, mẹ lại hay đau yếu. “Cô ấy đã rất cảm động khi nghe tôi bảo thương hoàn cảnh khó khăn của cô ấy. Chính vì thế mà điều tôi sợ nhất là sau khi ra trại gặp lại cô ấy”, Tuyên kể.

Chị T chính là nạn nhân duy nhất bị Tuyên lừa gạt, đẩy vào động mại dâm bên kia biên giới. Lần ấy Tuyên được trả công 2 triệu đồng. Số tiền ấy Tuyên sử dụng để lên mạng kết bạn và ngồi trà đá để làm quen các cô gái khác nhưng chưa kịp lừa thêm được cô gái nào thì T trốn thoát về nước, làm đơn tố cáo. Cuối năm 2011, Tuyên bị bắt và bị xử phạt 9 năm giam.

Phạm nhân Nguyễn Văn Tuyên đang cải tạo ở trại giam

Phạm nhân Nguyễn Văn Tuyên đang cải tạo ở trại giam

Tâm tư nặng trĩu

Được cải tạo gần nhà nên tháng nào Tuyên cũng được người thân tới thăm. Người khác thì vui mừng nhưng với Tuyên thì đó là sự miễn cưỡng cho dù trong thâm tâm, cậu ta rất mong được trò chuyện với người thân, nhất là mẹ. Tuyên bảo chẳng có ai là không mong được gặp gia đình cả và quà mọi người gửi cho, dù chỉ là vài con tép khô, ít muối vừng nhưng đó là tình cảm của mọi người dành cho mình. Tuyên chẳng mong gì hơn bởi quê cậu ta vốn nghèo, chỉ có đặc sản là tép moi và trứng vịt. Thế nhưng mỗi khi vào phòng thăm gặp, bước chân anh ta lại ngập ngừng vì chỉ lo chạm mặt người quen, ngại ai đó nhận ra mình. “Đấy là họ cũng đi thăm thân, cũng có người nhà đang cải tạo trong này mà em còn ngại thế thì không biết sau này ra trại, nếu vô tình gặp những người đã bị em làm hại cả cuộc đời thì không biết thế nào. Em mới chỉ hình dung đến đấy thôi đã thấy run rồi, chẳng nghĩ mình sẽ phải xử trí thế nào nữa”, Tuyên tâm sự.

Theo lời Tuyên thì ngày đó vì thấy kiếm tiền dễ quá nên ham còn đường đi nước bước thế nào, cậu ta để Tiến lo liệu. Nhớ lại ngày bị bắt rồi cảm giác lần đầu làm điều vi phạm pháp luật, Tuyên bảo khi dẫn bị hại men theo đường mòn vượt biên, Tuyên run lắm nhưng vì đã trót rồi nên không dám để lộ thái độ ra bên ngoài vì sợ bị hại phát hiện ra, hô hoán. Còn hôm bị bắt dẫn đi, Tuyên chỉ biết che mặt để dân làng không nhận ra.

Hỏi về công việc cải tạo lao động trong thời gian qua, Tuyên bảo không có gì là vất vả cả. “Mặc dù chỉ còn thời gian rất ngắn nữa thôi song em sẽ cố gắng chấp hành tốt nội qui cho đến ngày ra trại”, Tuyên bảo.

Chia tay chúng tôi, Tuyên đắn đo: “Ở trong này dù điều kiện vật chất không thể bằng ở nhà nhưng em đã vượt qua được rồi. Điều em mong mỏi nhất là được mọi người thông cảm mà bỏ qua những lầm lỗi. Hãy tha thứ cho em, cho em một cơ hội làm lại cuộc đời có như vậy em mới dám ở lại quê nhà, bằng không thì chỉ còn cách đi nơi khác sống”.

Câu nói của Tuyên khiến chúng tôi chẳng biết nói gì ngoài lời động viên hãy cố gắng.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/uoc-mo-gian-di-ngay-tro-ve-cua-pham-nhan-dinh-an-buon-nguoi-151086.html