Ngăn xe trá hình lộng hành

Tại dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, Bộ GTVT đề xuất sửa một số quy định về quản lý xe hợp đồng nhằm phù hợp với Luật Đường bộ.

Theo đó, dự thảo quy định, trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) hoặc xe ô tô có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn 8 chỗ từ xe ô tô lớn hơn 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.

Như vậy, trường hợp đơn vị vận tải sử dụng xe dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) sẽ không cần thực hiện quy định trên, đồng nghĩa với việc được phép gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến xe.

Quy định mới sớm đi vào cuộc sống sẽ từng bước ngăn chặn được vấn nạn xe dù bến cóc, xe trá hình đang hàng ngày lộng hành

Quy định mới sớm đi vào cuộc sống sẽ từng bước ngăn chặn được vấn nạn xe dù bến cóc, xe trá hình đang hàng ngày lộng hành

Tuy nhiên, cả 2 trường hợp đều phải tuân thủ quy định về việc phải có phù hiệu "xe hợp đồng", phải ký kết hợp đồng trước khi thực hiện chuyến đi. Đồng thời, chỉ được đón/trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Về thông tin thực hiện hợp đồng, phải có các nội dung như: thời gian bắt đầu thực hiện (ngày, giờ) và kết thúc hợp đồng;

địa chỉ điểm đầu, điểm cuối và các điểm đón, trả khách (hoặc xếp, dỡ hàng hóa) trên hành trình vận chuyển; cự ly của hành trình vận chuyển (km); số lượng khách (hoặc khối lượng hàng hóa)…

Như vậy, các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng được đón khách tại nhiều điểm khác nhau. Tuy nhiên, các điểm này phải thể hiện rõ trên hợp đồng đã ký kết.

Có thể nói, quy định này là phù hợp với thực tế. Lấy ví dụ, một đoàn gồm nhiều gia đình thuê xe đi tham quan, họ sinh sống ở các phố khác nhau trong cùng một xã và yêu cầu lái xe đón từng gia đình dọc đường di chuyển.

Quy định này là căn cứ để doanh nghiệp, tài xế đáp ứng nhu cầu và tạo thuận lợi cho hành khách.

Ngoài ra, dự thảo vẫn giữ các nội dung như không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng;

Không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách dưới mọi hình thức;

Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Có thể hiểu quy định trên áp dụng cho xe từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe), tuy nhiên hiện nay cách thể hiện trong dự thảo chưa rõ, nên có thể bị hiểu nhầm.

Do đó, cần phân rõ quy định của xe hợp đồng dưới 8 chỗ và trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để các đơn vị vận tải dễ dàng triển khai cũng như thuận lợi trong quản lý.

Như vậy, có thể thấy, quy định này đã phân biệt với quy định quản lý xe hợp đồng dưới 8 chỗ và xe khách tuyến cố định, đây sẽ là cơ sở, căn cứ xử lý vi phạm với các xe hợp đồng trên 8 chỗ nhưng trá hình tuyến cố định, vốn đang diễn ra nhức nhối lâu nay.

Quy định sớm đi vào cuộc sống sẽ từng bước ngăn chặn được vấn nạn xe dù bến cóc, xe trá hình đang hàng ngày lộng hành, cạnh tranh không lành mạnh.

Hệ quả là xe tuyến cố định bỏ bến ra ngoài chạy dù ngày càng nhiều, trong khi lực lượng chức năng cũng rất khó xử lý được hết xe trá hình, xe dù.

Điều đó không những khiến trật tự vận tải bị phá vỡ, ảnh hưởng trật tự ATGT, gây bất bình đẳng với các nhà xe làm ăn chân chính, mà còn khiến nhà nước thất thu thuế, phí rất lớn.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngan-xe-tra-hinh-long-hanh-192240920021807055.htm