Ước tính hỗ trợ giảm giá điện đợt 3 khoảng 1.300 tỷ đồng

Ước tính tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 3 vào khoảng 1.200-1.300 tỷ đồng.

Việc giảm giá điện, giảm tiền điện không tạo ra áp lực tăng giá điện trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Việc giảm giá điện, giảm tiền điện không tạo ra áp lực tăng giá điện trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Thông tin trên được ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/6, tại Hà Nội.

Ông Trần Tuệ Quang cho biết, trên cơ sở phân tích, đánh giá, lựa chọn các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, xem xét khả năng cân đối tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm đảm bảo việc giảm giá điện, giảm tiền điện không tạo ra áp lực tăng giá điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ phương án giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3.

Sau khi được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn EVN, các tổng công ty điện lực và các sở công thương để thực hiện ngay việc hỗ trợ việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng (kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021).

Cụ thể, giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Luật Du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Ngoài ra, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 không thu phí và giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19…

Trước đó, trong năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch COVID-19, sau khi đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã hướng dẫn EVN giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt, với số tiền gần 12.300 tỷ đồng.

Liên quan đến việc tiêu thụ điện của cả nước trong những tháng đầu năm liên tục tăng cao, ông Trần Tuệ Quang thông tin, trong 6 tháng cuối năm, tổng sản lượng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống dự kiến đạt 135,515 tỷ kWh, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế cả năm 2021, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện đạt 265,497 tỷ kWh, tăng 7,44% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 1,18% so với kế hoạch dự kiến.

Do đó, đại diện Cục Điều tiết điện lực khẳng định, hệ thống điện quốc gia về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường.

Trình Đề án Quy hoạch điện VIII trong tháng 6/2021

Liên quan đến Quy hoạch điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, Bộ Công Thương dự kiến sẽ hoàn thành Đề án Quy hoạch điện VIII, lấy ý kiến các bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này.

Cũng theo ông Hoàng Tiến Dũng, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì buổi họp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan về nội dung Quy hoạch điện VIII. Phó Thủ tướng đã kết luận một số nội dung và yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị tại cuộc họp để hoàn thiện đề án.

Theo đó, về cơ bản, phụ tải dự báo trong Quy hoạch điện VIII đã bám sát các mục tiêu của các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội, tuân thủ các chỉ đạo của Đảng nêu tại Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII. Các kết quả dự báo là hợp lý.

Trên cơ sở kết quả dự báo phụ tải, Bộ Công Thương rà soát lại chương trình phát triển nguồn, xây dựng cơ cấu phát triển nguồn điện hợp lý, tránh để mức dự phòng quá cao, gây lãng phí nguồn lực và tạo áp lực về vốn đầu tư; rà soát lại việc bố trí không gian cho phát triển các nguồn điện trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá lợi thế so sánh của các địa phương, các vùng trong việc phát triển hài hòa và đồng bộ các nguồn điện lớn; đánh giá, xây dựng các giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo chủ động trong việc cung cấp nhiên liệu.

Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và thông báo kết luận cuộc họp do Văn phòng Chính phủ thông báo tại Thông báo số 91 ngày 3/5/2021, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát lại chương trình phát triển nguồn điện đảm bảo các yêu cầu theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Đồng thời rà soát lại kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa nguồn điện truyền thông và nguồn điện năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa những khó khăn trong vận hành hệ thống điện.

Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cập nhật chương trình phát triển lưới điện đồng bộ với nguồn điện, tránh tối đa việc cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời rà soát nguồn vốn đầu tư hợp lý cho chương trình phát triển điện lực trong tương lai.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) với yêu cầu Bộ Công Thương lấy thêm ý kiến của các bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện hồ sơ, trình lại Đề án Quy hoạch điện VIII trước ngày 15/6/2021.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/uoc-tinh-ho-tro-giam-gia-dien-dot-3-khoang-1300-ty-dong/435077.vgp