'Ước vọng cho học đường': Khi người thầy chọn không vắng mặt
Đường băng cho những cuộc đời và dân tộc không nằm ở bộ máy quản lý, công xưởng và doanh nghiệp. Đường băng ấy nằm trong trường học từ cơ sở đến đại học, nơi sản phẩm cao nhất, tinh tế nhất ra đời trên băng chuyền cuối: con người với tri thức và sức khỏe thanh xuân sẵn lòng cống hiến.
Mở đầu cho tập sách "Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục", tác giả đã nhắc đến chỗ đứng của bản thân, cũng như nhiều thầy cô giáo khác, đó là "người bày tỏ từ sân trường", những sân trường tác giả đã lớn lên với vai trò học sinh đến những sân trường gắn với giảng đường đại học.
Chính khách từ xưa đến nay đều thực hiện những cuộc vi hành nhằm hiểu rõ tình hình dân cư và các vấn đề liên quan đến sinh kế, giao thương, từ đó có những điều chỉnh kịp thời các luật lệ và cách thức để bộ máy vận hành hiệu quả hơn. Những đường băng trong xã hội phong kiến trước đây ẩn tàng thôn quê với ngôi nhà của thầy đồ, không khó để biết được đằng sau thành công của các vị quan nổi tiếng trong lịch sử phải có những thầy đồ dạy chữ, uốn người và gợi mở tầm nhìn.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, thế giới có những chuyển biến nhanh và khó lường, đường băng-giảng đường đại học trở thành yếu tố quan trọng vào hàng bậc nhất, phát hiện và đào tạo tầng lớp trí thức tinh hoa trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng tầm quan trọng của việc định hình một "triết lý giáo dục toàn diện có tính dân tộc, nhân bản và khai phóng" đem lại yếu tố quyết định cho thành bại của sự nghiệp giáo dục nước nhà.
GS.TS Huỳnh Như Phương.
Người đi học - người dạy học - người quản trị, thứ tự lựa chọn... GS. TS Huỳnh Như Phương đặt ra trong bài viết "Vấn đề con người trong trường đại học" có thể khẳng định cầu nối quan trọng của người thầy khi làm tốt vai trò của mình để cụ thể hóa tích lũy về lượng trong người học và dám nói lên tiếng nói thẳng thắn để những người quản trị giáo dục, người quản trị đất nước thấy được những mặt cần thay đổi tốt hơn trong một tổng thể hoạch định chiến lược giáo dục có tính kế thừa và mạnh mẽ đổi mới.
Rõ ràng là nếu người dạy học có vấn đề, hệ thống có nguy cơ sẽ lọc cọc, loay hoay trong những cải cách nửa vời bởi người quản trị không có được thông tin cần thiết, người đi học sẽ chỉ học được những dạng thể nghiệm và tai hại hơn là đến một lúc, thay vì những người đi học thực sự có năng lực lại không được đàng hoàng bước lên vai trò người dạy học mà những "người dạy học" kém phẩm sẽ chọn "hình ảnh" và "kích thước" theo chiều ngược của sự phát triển.
Vai trò của Đường băng - giảng đường đại học là yếu tố quyết định cho tải trọng tri thức và tầm nhìn cất cánh của người đi học. Nếu mỗi người đi học còn chưa ý thức rõ điều đó khi ngồi trên ghế giảng đường, họ có nguy cơ loay hoay nhiều năm khi ra trường, nói gì đến cảm hứng cho sáng tạo trong công việc, tạo ra sức bật cho thương hiệu.
Ngưỡng cửa của những năm 2020 - 2030, nếu lấy cột mốc 2020 thì "giáo dục đại học Việt Nam đã trải qua một phần ba thế kỷ đổi mới", quãng thời gian đủ dài ấy đã cung cấp bức tranh tương đối đầy đủ với ba tầm nhìn "giáo dục như lĩnh vực phúc lợi chung", "giáo dục như một thứ hàng hóa, dịch vụ", quan điểm đang thực sự diễn ra trong vận hành bộ máy giáo dục, tác giả nhấn mạnh niềm tin khi "những người thầy chân chính vẫn chưa vắng mặt" và sẽ không vắng mặt bởi đó là điểm chung của người thầy Việt trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Hiện nay, họ vẫn "chưa rời bục giảng", tiếp tục "hiến kế cho giáo dục", "đội ngũ quản lý giáo dục" đa phần xuất thân từ giáo giới, tất cả điều đó, theo tác giả, "giáo dục sẽ cứu xã hội, nếu xã hội biết chăm lo cho giáo dục phát triển đúng hướng" với những thích nghi kịp thời của thế giới hậu COVID-19.
Trong một hoàn cảnh cụ thể, con người thường "tùy cơ ứng biến" nhưng chắc chắn để có nền tảng giá trị lâu dài, bền vững, cần rất nhiều "man hour" và "brain hour"; với người dạy học tâm huyết, người học được truyền cảm hứng.
Tác giả trong bài "Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trên đường phát triển" là một ví dụ cụ thể, từ câu chuyện cơ cấu tỉ lệ giảng viên/ cán bộ quản lý và nhân viên hành chính/ sinh viên hướng đến một chỉ số tối ưu cho đến đòi hỏi phát triển không gian học thuật không chỉ là con số đơn thuần như năm 1995 thành lập "10 trường thành viên, giảm xuống còn 3 trường thành viên", rồi trở lại với cơ cấu trường, viện nghiên cứu… tạo ra sức bật đóng góp trên bình diện nhân lực và khoa học.
Yếu tố tầm nhìn truyền thông thể hiện với quyết định chiến lược mở Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh (1995) tạo nên tiếng nói khoa học đồng hành cùng sinh viên và người giảng dạy. Vẫn còn nhiều việc cần làm ở phía trước nhưng "một chiến lược học thuật có viễn kiến" chính là kỳ vọng Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh có thể làm "nòng cốt" cho sự "phát triển mạng lưới đại học".
Bìa cuốn “Ước vọng cho học đường” của Huỳnh Như Phương.
Tập sách mỏng "Ước vọng cho học đường", là lựa chọn không vắng mặt của Huỳnh Như Phương ở dòng chảy tiếp nối bao thế hệ người thầy giữ gìn điều tốt, nhắc nhở thiện lương, khơi mở tri thức giữa dòng sông giáo dục nước nhà cần nhiều đổi mới. Lật nhanh đến phụ lục, chúng ta có thể hiểu được phần nào cơ duyên và hành trình giản dị của một nhà giáo, từ suy nghĩ "triết học và văn chương cần thiết cho xã hội và con người" khi ông "ghi danh vào học Ban Triết học Tây phương" (1973) trong vai trò người đi học và câu hỏi đặt ra mỗi dịp mùa khai giảng đến, có lẽ không chỉ cho riêng tác giả, nó hiện diện trong suy tư mọi nhà giáo chân chính từ mầm non đến đại học khi nhìn vào ánh mắt học trò: "Thưa thầy, thầy sẽ đem lại gì cho chúng tôi sau những giờ học này; sau những giờ học này chúng tôi sẽ được trang bị những gì để bước ra cuộc đời rộng lớn với những thử thách gay gắt ở bên ngoài cổng trường kia?".
Xây dựng những đường băng tri thức và nhân cách cho các thế hệ thanh niên Việt Nam - "Ước vọng cho học đường" trong tầm tay trí thức, nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh... Đường băng ấy không chỉ một sớm một chiều có thể đáp ứng đòi hỏi của sự vận động đi lên không ngừng; đèn tín hiệu cần có như định hình ý niệm "giáo dục nhân văn" để giúp thế hệ trẻ "tự định hướng cho cuộc đời và hành động của mình, tự sáng tạo ra bản thân"; "đài không lưu tri thức" dựng từ công cuộc biên soạn sách giáo khoa, công tác ra đề thi, tuyển sinh…
Tất cả cần đạt đến hiệu quả: người thầy bằng tri thức, tâm huyết, công cụ, phương tiện cụ thể để không chỉ đánh giá xem người học đã nắm vững kiến thức như thế nào mà còn "phát hiện ra khả năng vươn lên của họ, bởi vì ở đây sự lặp lại một cách máy móc sẽ được thay thế bằng những suy nghĩ riêng thể hiện năng lực vận dụng sáng tạo của người sinh viên".
Đó chính là đích đến cần thiết của một đường băng tốt, nơi phi công tập sự - người học có đầy đủ trang bị và tầm nhìn không bị hạn chế, họ cất cánh bay cao, bay cùng nhau với số lượng lớn, có nhiều cánh bay lạ, khác biệt chiếm hữu tầm xa tri thức mới mẻ trong kỷ nguyên con người luôn rút ngắn giữa các cột mốc khoa học công nghệ.
Tin rằng, nhiều cánh bay học trò ấy, khi trưởng thành và trở về, họ sẽ đáp xuống sân trường giúp thế hệ đàn em. Họ đặt chân trên bục giảng, làm công việc của người quản trị giáo dục sẽ cảm thấy thật sẵn sàng, tiếp tục đối mặt với thử thách học thuật và đòi hỏi xã hội đặt ra. Bức tranh tươi sáng - viễn cảnh mong đợi ấy có thể đạt đến nếu chúng ta biết gạt bỏ lớp váng giả dối của căn bệnh thành tích trầm kha, lắng nghe tiếng nói của những bài báo "có sức mạnh khi nói sự thật" mà đa số người làm nghề dạy học khiêm tốn đã chọn đóng góp như khẳng định của tác giả "Tôi viết báo như tập thể dục dưỡng sinh".
Ngày mai, người thầy tiếp tục cất lên tiếng nói từ sân trường, bồi đắp chiều sâu sức mạnh dân tộc hội nhập và phát triển cùng thế giới, bởi họ chọn không vắng mặt khi "bàn về triết lý và đường hướng giáo dục, về sứ mệnh của nhà trường, về nội dung và phương pháp dạy học".