Ước vọng về những đường phố an toàn
Love30 - Ủng hộ quy định tốc độ 30km/h là một chiến dịch truyền thông trọng tâm thuộc 'Hành động an toàn đường bộ' của Liên Hợp quốc. Việc giới hạn tốc độ ở các khu vực đô thị không chỉ ưu tiên nhóm trẻ em và thanh, thiếu niên mà còn góp phần tạo nên các thành phố xanh, lành mạnh, an toàn, mang lại hạnh phúc tới mọi nhà.
Những vụ tai nạn giao thông học sinh
Ngày 1/11/2021, tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, một xe máy do học sinh lớp 9 điều khiển đã va chạm với ô tô tải khiến 2 học sinh tử vong. Ngay ngày hôm sau, tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, xe ô tô không đóng cửa khi lưu thông dù chở 30 học sinh khiến 1 em lớp 6 rơi xuống đường và bị chính xe này cán lên, dẫn đến tử vong.
Ngày 22/11/2021, tại km 315+860 QL12 thuộc địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, xe 16 chỗ chở 19 học sinh sau giờ tan học bị bung chốt cửa khiến 3 học sinh trên xe rơi xuống đường. Hậu quả là 1 em tử vong và 2 em bị thương. Bên cạnh đó, trong năm 2019 và 2020, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do các em học sinh điều khiển xe gắn máy (bao gồm xe gắn động cơ xăng có dung tích xy lanh dưới 50cm3 và xe gắn động cơ điện) gây ra, làm nhiều trẻ em chết và bị thương.
Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 11.454 vụ TNGT, bao gồm 7.370 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.084 vụ va chạm giao thông, làm 5.739 người chết, 3.889 người bị thương và 4.109 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ TNGT, gồm 20 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 11 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì TNGT trên cả nước. Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia năm 2017 cho biết: Học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng, cụ thể tỷ lệ tử vong là 7,39/100.000 học sinh.
Trước đây, học sinh phần lớn đến trường bằng xe đạp hoặc phương tiện công cộng như xe buýt. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, nhiều gia đình dần đầu tư cho con hơn bằng việc sắm những chiếc xe máy điện, xe đạp điện. Theo nghiên cứu tỷ lệ TNGT (vụ/học sinh), trong số các TNGT liên quan tới nhóm học sinh THPT thì có tới 55% là do xe máy điện. Nghĩa là cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện.
Thực tế, học sinh ngày nay chỉ được bố mẹ dạy cho cách điều khiển những chiếc xe máy, xe đạp điện đắt tiền mà không hề nắm rõ luật giao thông. Nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho thấy, 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách.
Muốn giảm thiểu số ca TNGT, trước hết chúng ta phải nâng cao nhận thức cho không chỉ học sinh mà cả phụ huynh. Điều này cần có sự kết hợp của cả “gia đình - nhà trường - xã hội”.
“Con đường đến trường an toàn của em”
Cách đây chưa đầy một năm, học sinh thành phố Pleiku đã tham gia hưởng ứng “Tuần lễ an toàn đường bộ toàn cầu” (UNGRSW) lần thứ 6 của Liên Hợp quốc. Tuần lễ này là cơ hội để thế giới kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ở cấp trung ương và địa phương các quốc gia hành động vì các tuyến phố tốc độ thấp, nhằm tăng cường an toàn đường bộ trên mọi tuyến đường.
Để hưởng ứng tinh thần của sự kiện đặc biệt này trong năm 2021, học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Pleiku, Gia Lai) đã tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Con đường đến trường an toàn của em”. Giờ đây, những hình ảnh mô phỏng con đường đến trường an toàn của học sinh đã trở thành hiện thực khi quy định của UBND tỉnh Gia Lai về việc giảm tốc độ xuống 30 - 40km/h ở khu vực trường học trên địa bàn TP Pleiku bắt đầu có hiệu lực.
Theo quy định quan trọng này của UBND tỉnh Gia Lai, việc giảm giới hạn tốc độ từ 50 - 60km/h xuống 30 - 40km/h được áp dụng trong các khung giờ đưa, đón học sinh tại khu vực trường học. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm tốc độ, Trường học an toàn được hỗ trợ bởi Fondation Botnar, Hiệp hội An toàn Đường bộ toàn cầu (GRSP), Liên đoàn Ô tô Thế giới (FIA) và Chương trình Đánh giá đường bộ Toàn cầu (iRAP). Dự án này không chỉ giúp học sinh an toàn hơn trên đường đến trường và về nhà mà còn phù hợp với Kế hoạch Toàn cầu của Thập kỷ Hành động vì An toàn Đường bộ giai đoạn 2021 -2030.
Trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông này, dự án đã phát hơn 26.000 tờ rơi tuyên truyền tới tất cả phụ huynh học sinh của các trường tiểu học trên địa bàn TP Pleiku. Ngoài ra, 91 bảng pano truyền thông về tốc độ giới hạn mới cũng được lắp đặt tại 30 điểm trường trên địa bàn toàn thành phố.
Khuyến khích các gia đình đi bộ và đi xe đạp đến trường
Con đường đến trường của học sinh bây giờ đã an toàn như mong muốn mà các em thể hiện trong tranh vẽ vài tháng trước đây. Việc cải tạo cơ sở hạ tầng khu vực trường học đã hoàn thành tại 31 trường dự án. Các hạng mục cải tạo bao gồm kẻ vạch đi bộ sang đường mới, lắp đèn cảnh báo chớp vàng, xây vỉa hè mới, thiết lập lan can thép để ngăn cách lối đi bộ và khu vực đậu xe cho phụ huynh cũng như các vạch kẻ đường, biển báo giới hạn tốc độ và biển báo khu vực trường học.
Ông Kim Beng Lua, cán bộ cấp cao Tổ chức GRSP, chia sẻ: “Tổ chức Y tế thế giới đã xuất bản “Kế hoạch hành động toàn cầu cho thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ lần thứ hai”. Kế hoạch này nhấn mạnh tầm quan trọng về sự an toàn bền vững của các loại hình giao thông, sự tham gia của thanh, thiếu niên và cơ sở hạ tầng đường bộ an toàn. GRSP đã song hành cùng Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (Quỹ AIP) trong quá trình vận động và triển khai giảm tốc độ tối đa tại khu vực trường học thuộc thành phố Pleiku.
Hoạt động cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông tại 31 khu vực trường học và quy định của UBND tỉnh Gia Lai về giới hạn tốc độ tại khu vực trường học thuộc TP Pleiku là minh chứng cho việc chúng ta cùng nhau nỗ lực tạo ra sự thay đổi tích cực và bảo vệ học sinh – những mầm non tương lai được an toàn hơn. Điều này cũng phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác của Liên Hợp quốc, bao gồm giảm khí thải nhà kính, cải thiện công bằng và phát triển bền vững”.
“Việc thực hiện Dự án “Giảm tốc độ, Trường học an toàn” ở TP Pleiku là một chương trình địa phương mang thông điệp toàn cầu, nơi chúng ta đoàn kết nói lên khát vọng cần có những con đường an toàn cho cuộc sống. Những kết quả này cho thấy trên thực tế giới hạn tốc độ 30km/h trên toàn thế giới sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với tầm nhìn về một thế giới có tất cả các con đường đáng sống, an toàn và bền vững”, bà Mirjam Sidik, Giám đốc điều hành tại Quỹ AIP chia sẻ.
Ngoài ra, Quỹ AIP đã ký Biên bản hợp tác với Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng và triển khai “Sổ tay hướng dẫn các giải pháp an toàn giao thông khu vực trường học của Việt Nam”.
Giới hạn tốc độ mới không chỉ bảo vệ các em trên đường đến trường mà còn đảm bảo rằng tất cả học sinh đều được tiếp cận giáo dục bình đẳng và an toàn. Việc giảm tốc độ giới hạn góp phần cải thiện đáng kể an toàn đường bộ ở Pleiku, đồng thời khuyến khích các gia đình đi bộ và đi xe đạp đến trường, là hình mẫu cho các thành phố xanh và lành mạnh, an toàn, hạnh phúc trên khắp cả nước.
Pleiku là thành phố đầu tiên ở Việt Nam áp dụng giới hạn tốc độ 30 - 40km/h cho khu vực trường học. Đây là cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương và cộng đồng quốc tế trong việc thay đổi bền vững nhằm đem lại sự an toàn cho người dân trên mọi cung đường.
Là một trong những đối tác quan trọng của Dự án “Giảm tốc độ, Trường học an toàn”, Cảnh sát thành phố Pleiku đã xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát chấp hành và thực thi quy định về giới hạn tốc độ mới ở các khu vực trường học. Kế hoạch được thực hiện từ ngày 15/2 đến ngày 31/3/2022, trong các khung giờ học sinh đến trường và về nhà. Bên cạnh đó, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được dự án triển khai nhằm giúp người tham gia giao thông giảm tốc độ khi đi qua khu vực trường học.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/uoc-vong-ve-nhung-duong-pho-an-toan-post438598.html