Ươm mầm giáo dục mũi nhọn nơi đất khó

Lần đầu tiên trong cùng một năm học, tỉnh Phú Thọ có 3 học sinh lọt vào đội tuyển thi Quốc tế môn Sinh học và Vật lý. Để đạt được kết quả như vậy, không thể không kể đến sự cống hiến, nỗ lực...

Cô giáo Hà Thị Thanh Nho - Giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Yên Lập, huyện Yên Lập hướng dẫn học sinh tìm hiểu pháp luật trong buổi học đội tuyển tham gia thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.

Cô giáo Hà Thị Thanh Nho - Giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Yên Lập, huyện Yên Lập hướng dẫn học sinh tìm hiểu pháp luật trong buổi học đội tuyển tham gia thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.

(baophutho.vn)

- Lần đầu tiên trong cùng một năm học, tỉnh Phú Thọ có 3 học sinh lọt vào đội tuyển thi Quốc tế môn Sinh học và Vật lý. Để đạt được kết quả như vậy, không thể không kể đến sự cống hiến, nỗ lực của các thầy cô giáo và học sinh toàn tỉnh. Bằng nhiều giải pháp, “bảng vàng” giáo dục mũi nhọn không chỉ ghi tên những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mà ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn, giáo dục mũi nhọn cũng đã có những bước tiến tích cực, tạo tiền đề cho công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Rút ngắn khoảng cách với miền xuôi
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 năm học 2020 - 2021, Trường THPT Yên Lập (huyện Yên Lập) tăng 2 hạng, vươn lên xếp thứ nhất trong hệ thống 36 trường THPT khối công lập toàn tỉnh. Với thành tích 62/68 học sinh đạt giải, trong đó có 5 giải Nhất, đây là thành tích cao nhất trong lịch sử 55 năm xây dựng và phát triển của ngôi trường miền núi này. Để làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường xác định mục tiêu làm tốt công tác giáo dục toàn diện, lấy giáo dục đại trà là nền móng cho giáo dục mũi nhọn. Có thâm niên 27 năm gắn bó với bộ môn Giáo dục công dân, cô giáo Hà Thị Thanh Nho - giáo viên trường THPT Yên Lập chưa bao giờ ngừng trăn trở về phương pháp giảng dạy bộ môn giáo dục con người. Môn Giáo dục công dân được đưa vào chương trình thi học sinh giỏi đã được 6 năm. Đó cũng là khoảng thời gian cô sát cánh, đồng hành cùng học trò vùng khó khăn chinh phục ước mơ đạt được giải Nhất cấp tỉnh. Trong giai đoạn nước rút trước kì thi, cô đón các học sinh về nhà mình cùng ăn, cùng ngủ, cùng ôn luyện. Với cô, học trò như những người con mà mình hết mực yêu thương. Tâm huyết của cô giáo, sự nỗ lực của học trò đã được đền đáp bằng 2 giải Nhất và 6 giải Nhì. Một trong những lý do cốt lõi để nhà trường có sự tăng hạng vượt bậc như vậy đến từ phương châm “lấy giáo viên là nền tảng và học sinh là trung tâm”. Thầy giáo Hà Thành Hưng - Hiệu trưởng trường THPT Yên Lập cho biết: “Quan điểm giáo dục của nhà trường trước tiên là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt chú trọng kỷ cương, nền nếp, trách nhiệm, ý thức tự học cho học sinh. Những biện pháp cụ thể được nhà trường thực hiện để khơi dậy khát vọng vươn lên cho tập thể thầy và trò như xác định mục tiêu ngắn hạn, dài hạn; xây dựng kế hoạch gắn với các chỉ tiêu cụ thể về học lực, hạnh kiểm và xác định trách nhiệm của các thầy cô giáo trong công tác đào tạo, giáo dục học sinh”.Là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn của tỉnh nhưng trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 năm học vừa rồi, huyện Hạ Hòa vươn lên xếp thứ 3 toàn tỉnh sau thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì. Lần đầu tiên, trường THCS Xuân Áng (xã Xuân Áng) có học sinh đạt giải Nhì môn Địa lý cấp tỉnh. Với ngôi trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và các nguồn lực thì đây là niềm khích lệ với thầy và trò nhà trường. Thầy giáo Dương Tiến Thanh - Hiệu trưởng trường THCS Xuân Áng chia sẻ: “Để giáo dục mũi nhọn có bước tiến thì sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ thầy, cô giáo và sự tích cực, chịu khó của học trò là yếu tố cốt lõi. Bên cạnh đó, sự động viên, khích lệ kịp thời bằng nhiều hình thức khen thưởng và vận động được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh hỗ trợ cho con em mình trong thời gian học đội tuyển cũng là yếu tố quan trọng giúp nhà trường đạt được kết quả như vậy”.Với thành tích 90/114 học sinh đạt giải, trong đó, có 4 giải Nhất, 18 giải Nhì, 29 giải Ba và 39 giải Khuyến Khích, huyện Hạ Hòa lọt vào top những huyện có chất lượng giáo dục mũi nhọn cao của tỉnh, đóng góp vào bề dày truyền thống học tập của mảnh đất bên dòng sông Thao.

Học sinh Nguyễn Lan Anh - trường THCS Xuân Áng, huyện Hạ Hòa đạt giải Nhì môn Địa lý tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.

Học sinh Nguyễn Lan Anh - trường THCS Xuân Áng, huyện Hạ Hòa đạt giải Nhì môn Địa lý tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.

Vượt khó bằng tâm huyết Theo những phân tích, xếp hạng một số trường THPT tăng /giảm hạng nhiều trong kỳ thi chọn sinh giỏi lớp 12 năm học 2020 - 2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo công bố, những trường tăng hạng vượt bậc phải kể đến: THPT Yên Lập (tăng 2 bậc), THPT Vĩnh Chân (tăng 4 bậc), THPT Hạ Hòa (tăng 5 bậc), THPT Lương Sơn (tăng 6 bậc), THPT Trung Giáp (tăng 5 bậc).... Các đơn vị trên đều tập trung ở các địa bàn trung du, miền núi và đã có nhiều cố gắng trong việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi. Kết quả xếp hạng đã đánh giá đúng việc dạy học, bồi dưỡng đội tuyển của các trường. Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác giáo dục mũi nhọn tại các huyện miền núi vẫn còn đứng trước những khó khăn. Chất lượng đầu vào của các trường đa phần còn thấp, chỉ bằng 1/2 điểm số đầu vào của các trường vùng trung tâm hoặc miền xuôi. Tỷ lệ học sinh dịch chuyển về các trường ở trung tâm hoặc thành phố khiến cho nguồn nhân lực để lựa chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi không nhiều. Công tác đầu tư nguồn lực cho các trường phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, dẫn đến cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy - học nói chung và đào tạo mũi nhọn nói riêng chưa đồng đều. Để tháo gỡ những khó khăn đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt, triển khai nhiều nhiệm vụ trong công tác giáo dục mũi nhọn trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tập trung vào các huyện miền núi. Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt cán bộ quản lý, giáo viên xác định ý nghĩa, mục đích công tác giáo dục mũi nhọn. Đối với mỗi nhà trường, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng tìm tòi, nghiên cứu kiến thức chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu. Các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền để thu hút học sinh tham gia các đội tuyển dự thi học sinh giỏi, công tác tuyển chọn phải đảm bảo khách quan, công bằng; đồng thời lựa chọn phân công những giáo viên có trình độ chuyên môn, tâm huyết và hăng say tham gia bồi dưỡng đội tuyển. Tăng cường công tác tự nghiên cứu, học hỏi của đội ngũ giáo viên, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự học của học sinh. Yếu tố quan trọng không kém là sự động viên, khen thưởng kịp thời sẽ góp phần tạo động lực cho thầy và trò làm tốt hơn nữa công tác giáo dục mũi nhọn”.Khi các điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực còn nhiều khó khăn thì sự tâm huyết của thầy cô giáo và tinh thần tự học vươn lên của học trò sẽ là chìa khóa để phát triển giáo dục mũi nhọn ở những vùng đất khó.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202107/uom-mam-giao-duc-mui-nhon-noi-dat-kho-178250