'Ươm mầm' nơi ngọn sóng
'Ngày đầu ra đảo, mình buồn lắm. Bốn bề là biển. Chiều chiều nhìn sóng biển nhớ gia đình mình chỉ khóc.
Nhưng nhìn bầy trẻ thơ quây quần, nũng nịu lại thấy nguôi ngoai”, cô Hoàng Thị Hương, GV Trường Mầm non Quan Lạn trải lòng về quãng thời gian đầu “đi nghĩa vụ” nơi đảo xa.
Ươm mầm xanh nơi đảo xa
Cô Hương cũng như 29 giáo viên khác của Trường Mầm non Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), mỗi người một hoàn cảnh, một lý do ra đảo, bám đảo nhưng tựu trung với họ vì tình yêu nghề, mến trẻ và nguyện cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp trồng người.
Với những giáo viên xung phong ra công tác tại đảo Quan Lạn, họ hiểu hơn ai hết về sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Chính vì thế, được công tác tại điểm trường trung tâm là một hạnh phúc lớn lao. Nhưng đi tăng cường các phân hiệu: Sơn Hào, Yến Hải hay Tân Lập lại là một thử thách để họ trưởng thành hơn. Cô giáo Hương là một trong số đó.
Cô Hoàng Thị Hương (SN 1982) là người gốc Quan Lạn nhưng từ bé đã theo gia đình vào đất liền sinh sống. Tình yêu nghề mến trẻ bén duyên cho người con gái miền biển đến với nghề giáo. Để rồi sau nhiều năm công tác trong ngành, đầu năm 2020 cô đã xung phong nghĩa vụ ngoài đảo. Cô Hương hiện đang là giáo viên đứng lớp ghép 3 độ tuổi của điểm trường Tân Lập.
Vượt qua 7 km đường bộ, ngồi trên con thuyền gỗ chòng chành qua 2km đường biển để đến với Tân Lập mới hiểu vẹn nguyên những câu chuyện kể đầy cảm động về sự hy sinh thầm lặng, kiên cường của những cô nuôi dạy trẻ nơi đây.
Người dân xã đảo Quan Lạn chủ yếu làm nghề biển, quanh năm ra khơi, bám biển. Vì thế, họ không mấy quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Nhất là khu Tân Lập khi điều kiện sống còn nhiều khó khăn.
Ở trường, Hương vừa là cô, vừa là mẹ và cũng kiêm luôn cả công việc của cô nuôi. Từ “A” đến “Z” đều đến tay “mẹ” Hương, nên với gần 2 chục đứa trẻ nơi đây trường là tổ ấm thứ 2 nuôi dưỡng, vỗ về tuổi thơ chúng.
“Trẻ ở đây thiệt thòi lắm, các con “khát” tình cảm bởi thiếu thốn sự chăm bẵm của cha mẹ. Nhiều con nhỏ đã tự đi bộ đến lớp học”, cô Hương xúc động.
Cả khu Tân Lập không có phương tiện giao thông công cộng nào khác ngoài chiếc xe tuk tuk (một loại xe 3 bánh được “lai giống” giữa xe taxi và xe máy) đưa đón người từ cảng vào xã. Mỗi khi đón khách thăm, các cô giáo thường khôi hài rằng, đó là chiếc ô tô “Lamborghini” của họ.
Điện, nước, cơ sở hạ tầng, viễn thông ở Tân Lập còn khó khăn. Nhiều khi mất điện cả tuần, cô trò tự xoay xở với nhau. Mạng Internet không có, mọi công việc chuyên môn hạn chế. Nhiều khi nhớ gia đình, không thể gọi điện thoại về nhà cô Hương chỉ biết mang ảnh con ra ngắm.
Ở điểm trường Tân Lập còn có cô Lê Thị Minh Huệ (SN 1983). Cô Huệ ra đảo được 7 năm nay nhất định không chịu về đất liền. Hàng ngày cô 2 lần đi đò qua sông để sang Tân Lập dạy học. Trong một lần vượt sông, cô trúng gió, bị tai biến nhẹ phải điều trị dài ngày.
“Cô Huệ ốm vậy mà vẫn cố đi dạy các con. Tôi động viên cô đi khám, cô còn nài nỉ “cho em dạy vài hôm nữa”, thật thương và cảm động cho tấm lòng của các cô dành cho học trò nơi đây”, cô giáo Hà Thị Xuyến - Hiệu trưởng nhà trường xúc động nói.
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
So với 5 xã đảo của huyện Vân Đồn thì Quan Lạn là xã đảo đông dân nhất. Trường Mầm non Quan Lạn có hơn 200 học sinh với 1 điểm trường chính và 3 phân hiệu.
Điểm chính của trường đặt tại vị trí trung tâm của xã Quan Lạn. Phân hiệu Yến Hải, Sơn Hào cách điểm trường chính là 6 km, phân hiệu Tân Lập cách trường khoảng 7 km đường bộ và 2 km đường biển.
Giáo viên đa số là người đất liền được nhận nhiệm vụ công tác tại đảo, một số trở về đất liền khi hoàn thành nghĩa vụ tuy nhiên đa số các cô đều tình nguyện ở lại và ở lại lập gia đình ở đảo.
Như cây xương rồng trên sa mạc, cô Hương, cô Huệ cũng như các cô giáo khác của Trường Mầm non Quan Lạn luôn mãnh liệt một tình yêu nghề, dù trong bất cứ khó khăn, gian khổ nào các cô cũng mạnh mẽ, cứng cỏi, bền bỉ gieo những con chữ để ươm mầm xanh cho đảo.
Trong những tấm gương giáo viên tình nguyện bám đảo có cô Lê Thu Nga (SN 1987). Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nga giảng dạy ở đất liền một thời gian ngắn, rồi đi nghĩa vụ ra đảo từ năm 2010.
Hoàn thành nghĩa vụ, rời đảo về đất liền được một năm, nhớ học sinh thân yêu, cảm mến tình cảm dân đảo, cô Nga lại tình nguyện ra bám đảo “gieo chữ”. Vậy là, tình yêu làm đất lạ hóa quê hương, cô Nga xây dựng gia đình nhỏ ở đảo, nguyện dành cả cuộc đời cho bầy trẻ thơ trên xã đảo Quan Lạn.
Nguyễn Hà Giang (SN 1994), một giáo viên năng động và nhiệt huyết. Giang từng công tác tại trường học trong đất liền với nhiều thành tích cao trong ngành. Năm 2021, cô tình nguyện ra Trường Mầm non Quan Lạn công tác. Dấu ấn đầu tiên Giang để lại tình cảm với phụ huynh với sự nể trọng của đồng nghiệp bằng cách thể hiện xuất sắc trong phong trào, và qua các chuyên đề của nhà trường.
Ngoài ra, Giang còn góp phần quảng bá cho du lịch của Quan Lạn qua việc tham gia các đề tài, các dự án của Trường Đại học Hạ Long về phát triển du lịch biển đảo. Cô luôn trau dồi kiến thức, sáng tạo trong giảng dạy, luôn học hỏi đồng nghiệp, nhờ sự thông minh và tài năng cô đã đoạt giải Nhì “Người giới thiệu hay nhất Vân Đồn” năm 2021.
“Mỗi ngày, được chăm sóc và dạy các bé mầm non như là một lần được học, được củng cố về cách làm vợ, làm mẹ cho những người như em. Nghề giáo đòi hỏi tính kiên nhẫn, khéo léo và sáng tạo. Em muốn được góp sức nhỏ cho sự nghiệp giáo dục ngoài xã đảo, nơi em trót gửi trao tình yêu với bầy trẻ thơ”, Giang tâm sự.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/uom-mam-noi-ngon-song-5sTK3ylGg.html