'Ươm mầm xanh' nơi phên dậu Tổ quốc
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP về triển khai, nhân rộng mô hình 'Con nuôi đồn Biên phòng', cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên các tuyến biên giới, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã và đang tiếp tục viết nên những câu chuyện giàu tính nhân văn, lay động lòng người trên các vùng phên dậu của Tổ quốc.
Trong quá trình bám nắm địa bàn thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị BĐBP nhận thấy có rất nhiều cháu nhỏ tại khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Trước thực trạng đó, BĐBP đã triển khai mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” với mong muốn tri ân đồng bào nơi biên giới, tạo điều kiện cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc toàn diện, được dạy dỗ học tập, rèn luyện chu đáo.
Đặc biệt, với những cháu có khả năng và ý chí vươn lên, BĐBP giúp đỡ, tạo điều kiện để các cháu học lên các bậc học cao hơn, định hướng nghề nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cộng đồng. Qua đó, góp phần tạo nguồn nhân lực cho địa phương và đất nước, ươm mầm các nhân tố tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tương lai.
Trung tá Đoàn Ngọc Báu, Phó Trưởng phòng Vận động quần chúng, Cục Chính trị BĐBP cho biết: “Hiện nay, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đã được quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị. Đã có 355 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn sinh sống tại khu vực biên giới được các đồn Biên phòng nhận làm con nuôi, trong đó có 242 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, 246 cháu được nuôi dưỡng tại đồn, 109 cháu được nuôi dưỡng tại gia đình. Tùy điều kiện cụ thể của từng địa bàn, đơn vị, những đồn Biên phòng không có các cháu nằm trong đối tượng nhận con nuôi sẽ đóng góp kinh phí cùng các đơn vị khác tham gia thực hiện mô hình. Các đồn Biên phòng vẫn đang tiếp tục khảo sát, tiến hành nhận thêm con nuôi trong thời gian tới.”
Để thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đơn vị nhận nuôi các cháu độ tuổi từ 6-15 là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên con em đồng bào dân tộc đặc biệt ít người, như: Chứt, Rục, Đan Lai, La Hủ; các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc mồ côi cha (mẹ) hiện cư trú tại khu vực biên giới thuộc địa bàn đồn Biên phòng phụ trách; các cháu là con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Địa điểm nhận nuôi tại các đồn Biên phòng hoặc các tổ, đội công tác Biên phòng gần điểm trường. Phấn đấu mỗi đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền nhận nuôi từ 1-2 cháu. Các đơn vị tuyến biển, đảo tùy tình hình thực tế tại địa phương để tiến hành nhận nuôi.
Sống xa nhà, việc chăm sóc con cái đều “trông cả vào vợ”, nhưng những người lính Biên phòng lại đóng vai trò cha nuôi, anh nuôi của những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực biên giới. Câu chuyện của Nông Văn Long và Long Thái Hưng là 2 trong hàng trăm câu chuyện nghĩa tình như vậy. Cháu Nông Văn Long, 14 tuổi, dân tộc Nùng ở xóm Lũng Pươi, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và Long Thái Hưng, 11 tuổi, dân tộc Nùng, ở xóm Thôm Tẩu, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Bố 2 cháu mất sớm, thiếu thốn về mọi mặt, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, nói không sõi tiếng phổ thông. Do phải đi bộ với quãng đường rất xa tới trường (8-9km), thiếu đồ dùng học tập, lại tự ti, nhút nhát nên 2 cháu đi học không đều, kết quả học tập yếu.
Nhận thấy hoàn cảnh của 2 cháu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, BĐBP Cao Bằng đã làm thủ tục nhận 2 cháu về nuôi dưỡng tại đồn. Với tinh thần “Thực tâm, thực chất, thực lòng”, đơn vị đã bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập phù hợp cho 2 cháu, đồng thời phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ, kèm cặp, hướng dẫn Nông Văn Long và Long Thái Hưng. Khi về đơn vị, 2 cháu đều bỡ ngỡ với mọi thứ như nền nếp tác phong, chế độ sinh hoạt... Tất cả các vấn đề nêu trên đều được cán bộ, chiến sĩ giải quyết bằng tình yêu thương, coi 2 cháu như chính con đẻ của mình, đối với mỗi cháu luôn có phương pháp chăm sóc, kèm cặp riêng.
Thượng tá Nguyễn Huy Trịnh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, BĐBP Cao Bằng chia sẻ: “Sau gần một năm được các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng kèm cặp, 2 cháu đã mạnh dạn, hòa đồng hơn, phát triển khỏe mạnh, tích cực rèn luyện, chăm lo học tập. Đến nay, kết quả học tập của 2 cháu đều đạt loại khá, được thầy cô và các bạn yêu mến”.
Thượng tá Nguyễn Huy Trịnh cho biết thêm, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân tại địa bàn, mà còn nhân rộng niềm tin cho người dân tại các vùng biên giới mà BĐBP công tác. Thông qua việc nhận nuôi các cháu, công tác phối hợp giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình các cháu càng thêm gắn bó khăng khít, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó quân dân keo sơn, thắm thiết, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.
Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tại buổi đón nhận “Con nuôi đồn Biên phòng” tại BĐBP Tây Ninh cho biết: Từ thực tiễn triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, có thể thấy, hiệu quả thu được là rất thiết thực, đúng với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong chăm lo cho đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số nơi biên giới, nhất là phù hợp với Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia “... phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân là một cột mốc sống...”. Việc giúp đỡ, nuôi dạy các cháu của các đơn vị BĐBP đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; đồng thời, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc cũng như sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/uom-mam-xanh-noi-phen-dau-to-quoc-post431433.html