Ươm những 'mầm xanh'
PTĐT - Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hảo (Trường tiểu học Kiệt Sơn) và thầy giáo Hà Công Minh (Trường tiểu học Tân Sơn) được nhiều người biết đến bởi họ là đôi vợ chồng đạt được nhiều thành tích tổng phụ trách đội của huyện Tân Sơn.
PTĐT - Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thảo (Trường tiểu học Kiệt Sơn) và thầy giáo Hà Công Minh (Trường tiểu học Tân Sơn) được nhiều người biết đến bởi họ là đôi vợ chồng đạt được nhiều thành tích tổng phụ trách đội của huyện Tân Sơn.
Tốt nghiệp đại học, mong muốn mang tri thức của mình đến với học sinh vùng cao, anh chị cùng đến mảnh đất Lai Châu để lập nghiệp, bắt đầu những tháng ngày “ươm mầm xanh” nơi vùng đất Sìn Hồ.
“Về chung một nhà” nhưng anh, chị vẫn phải ở cảnh mỗi người một nơi để tiếp tục mang con chữ đến với trẻ em vùng cao. Dù ở xa nhưng 2 anh chị luôn động viên, hỗ trợ nhau lúc cần thiết, bắt nguồn từ chính tâm huyết yêu nghề, yêu trẻ.
Quá trình 15, 16 năm công tác thì có đến 13 năm anh chị làm giáo viên tổng phụ trách đội. Đến năm 2011, anh chị chuyển công tác từ Lai Châu về giảng dạy tại trường Tiểu học Kiệt Sơn và Tiểu học Tân Sơn thuộc huyện Tân Sơn, nơi có tới 90% đồng bào Mường sinh sống. Đặc thù 2 trường nằm trên địa bàn có những điểm tương đồng nên hai anh chị cũng thuận lợi, dễ dàng hơn trong quá trình trao đổi hoạt động Đội.
Luôn tâm niệm làm sao để các học sinh, đội viên học được nhiều kỹ năng sống, cô Hảo đã sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động, phong trào mang tính trải nghiệm; giúp các em hiểu và yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Trong đó phải kể đến sự đồng hành, hướng dẫn các em học sinh tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng các cấp với nhiều năm liền có sản phẩm dự thi cấp tỉnh và lọt vào vòng Quốc gia; mô hình “vé số học tập” được tổ chức định kỳ hàng tháng để các em học sinh tự bình bầu, lựa chọn, tuyên dương những bạn có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện đã tạo được tính lan tỏa tích cực.
Các hoạt động sinh hoạt theo chủ đề, chủ điểm dưới cờ hàng tuần; tự đọc sách, tự học tại thư viện cũng được các em học sinh hưởng ứng, qua đó nâng cao kỹ năng đọc, trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết phục vụ cuộc sống.
Cũng như vợ mình, thầy Công Minh cũng luôn chủ động, tìm tòi, sáng tạo để tổ chức những hoạt động Đội phù hợp với lứa tuổi, phong tục địa phương, nhận được sự ủng hộ của nhà trường, phụ huynh. Mô hình trường học gắn với di sản văn hóa địa phương – Không gian văn hóa Mường và CLB hát Ví, Rang của Trường tiểu học Tân Sơn được thầy Minh cùng tập thể các thầy cô giáo lên ý tưởng, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả từ năm học 2016 – 2017 đến nay.
Mô hình là tổng hợp các vật dụng có giá trị văn hóa Mường được sắp xếp, trưng bày tại góc cộng đồng, đồng thời xây dựng cuốn sách ghi chép lịch sử các vật dụng mang tính văn hóa về lao động sản xuất và văn hóa sinh hoạt của người Mường như: Đâm đuống, cọn nước, nhà sàn, khung cửi dệt vải, mõ trâu, dao, dụng cụ bắt cá, ớp, cóm… và đưa vào giáo dục các hoạt động văn hóa trải nghiệm như tìm hiểu nguồn gốc, tư liệu của làn điệu hát Ví, hát Rang, ẩm thực xôi ngũ sắc, gà chín cựa.
Với tình yêu quê hương, yêu trẻ cùng lòng nhiệt huyết, cô Bích Thảo và thầy Công Minh được nhiều thế hệ học sinh tin yêu, phong trào đội của 2 Liên đội ngày càng phát triển, nhiều năm liền được Tỉnh đoàn tặng bằng khen.
“Thời gian chủ yếu dành cho học sinh, nhà trường nên đôi khi con trẻ cũng phụng phịu nói bố mẹ yêu các em, các anh chị ở trường hơn chúng con. Thế nhưng, cứ mỗi khi Liên đội, huyện, phòng GD&ĐT hay tỉnh có hoạt động hội thi, cuộc thi là cả nhà lại như “sân khấu nhỏ”, bố, mẹ là thí sinh còn các con là giám khảo kiêm khán giả, cười vang nhà”- Thầy Minh chia sẻ.
Cuộc sống còn có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với anh chị thì các hoạt động đội chính là nhiệt huyết, là thanh xuân để sau này khi nhìn lại chặng đường đã qua họ luôn mỉm cười và tự hào vì tuổi trẻ đã không hề lãng phí.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202105/cung-nhau-uom-nhung-mam-xanh-177041