Uống cà phê mỗi ngày huyết áp của bạn sẽ thay đổi ra sao?
Uống cà phê mỗi ngày có thể gây tăng huyết áp tạm thời ở cả những người có tiền sử huyết áp cao hay không bị huyết áp.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của cà phê đến huyết áp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Dưới đây là các yếu tố ảnh hưởng đến tác động của việc uống cà phê mỗi ngày lên huyết áp.

Uống cà phê mỗi ngày có thể gây tăng huyết áp tạm thời ở cả những người có tiền sử huyết áp cao hay không bị huyết áp. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.
Yếu tố ảnh hưởng đến tác động của việc uống cà phê
Tuổi tác
Caffeine thường tác động mạnh hơn đến người trẻ tuổi. Một nghiên cứu cho thấy huyết áp của thanh thiếu niên tăng đáng kể hơn người lớn khi dùng caffeine.
Giới tính
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới chuyển hóa caffeine nhanh hơn phụ nữ.
Nguồn caffeine
Cà phê có hàm lượng caffeine cao hơn trà đen hoặc trà xanh. Ngoài ra, soda và đồ uống tăng lực cũng chứa caffeine cùng các hợp chất tương tự như taurine và guanine.
Loại cà phê và cách pha chế
Độ mạnh của hạt cà phê và phương pháp pha chế (ví dụ: cà phê pha phin so với espresso) có thể tạo ra sự khác biệt.
Sự dung nạp
Sau khoảng nửa tháng uống cà phê mỗi ngày, tác dụng của caffeine có xu hướng giảm dần, đòi hỏi lượng tiêu thụ lớn hơn để đạt được hiệu quả tương tự.
Hút thuốc
Nicotine làm tăng tốc độ trao đổi chất, từ đó tăng cường tác dụng của caffeine lên huyết áp.
Mang thai
Phụ nữ mang thai được khuyến nghị hạn chế lượng caffeine ở mức 200 mililít (ml) mỗi ngày. Thai nhi đang phát triển không thể chuyển hóa caffeine, do đó việc uống cà phê mỗi ngày có thể không an toàn.
Bệnh tim
Tình trạng tăng huyết áp tạm thời do caffeine có thể rõ rệt và kém an toàn hơn ở những người mắc bệnh tim mạch.
Người huyết áp cao có nên uống cà phê?
Dù cà phê gây tăng huyết áp trong thời gian ngắn, nhưng không làm tăng nguy cơ huyết áp cao mạn tính. Người có huyết áp cao vẫn có thể sử dụng caffeine, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào mức độ huyết áp và thói quen uống cà phê của mỗi người.
Nếu huyết áp của bạn đang ở mức rất cao, hãy thận trọng với lượng caffeine tiêu thụ. Một nghiên cứu cho thấy, việc uống thêm một hoặc hai tách cà phê mỗi ngày có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau tim hoặc đột quỵ ở những người bị tăng huyết áp giai đoạn 2 và 3. Ngược lại, các nhà nghiên cứu không ghi nhận tác dụng này ở những người có huyết áp bình thường, tăng cao hoặc tăng huyết áp giai đoạn 1.
Tiêu thụ cà phê ở mức độ vừa phải (một đến ba cốc mỗi ngày) có thể mang lại lợi ích cho tim mạch ở những người uống cà phê thường xuyên. Một nghiên cứu đa trung tâm trên 8.780 người trưởng thành Brazil (35-74 tuổi) cho thấy, những người uống cà phê vừa phải ít có nguy cơ bị huyết áp cao hơn so với người không uống.
Uống bao nhiêu cà phê là quá nhiều?
Các tổ chức y tế khuyến nghị lượng caffeine an toàn cho người lớn khỏe mạnh là 400 mg hoặc ít hơn mỗi ngày (khoảng ba hoặc bốn tách cà phê 12 ounce).
Đối với thanh thiếu niên (12-18 tuổi): 100 mg (một tách 12 ounce).
Đối với trẻ em dưới 12 tuổi: 2,5 mg cho mỗi kilôgam cân nặng cơ thể.
Việc uống cà phê mỗi ngày vượt quá mức khuyến nghị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra các triệu chứng như lo lắng, tăng nhịp tim và huyết áp, đau đầu, đánh trống ngực (nhịp tim không đều), khó tiêu, mất ngủ, run rẩy và buồn nôn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/uong-ca-phe-moi-ngay-huyet-ap-cua-ban-se-thay-doi-ra-sao-post852240.html