Uống nhiều nước mã đề có tốt không?
Uống nhiều nước mã đề có tốt không là thắc mắc của nhiều người.
Nhiều người thường có thói quen đun nước cây mã đề để uống. Vậy uống nhiều nước mã đề có tốt không? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Tác dụng của cây mã đề
Trong Y học cổ truyền, cây mã đề còn được gọi là “mã tiền xá”, tên khoa học là Plantago asiatica. Mã đề thuộc nhóm cây thân thảo, sinh sản bằng cách chia nhánh hoặc bằng hạt. Cây mã đề cao tầm 10 – 15cm, lá có hình thìa và gân hình cung. Dưới đây là những tác dụng của cây mã đề đối với sức khỏe:
Lợi tiểu
Lợi mật
Chống viêm loét
Trừ đờm
Chống ho
Chống lỵ...
Cây mã đề được áp dụng vào nhiều bài thuốc Y học cổ truyền để điều trị ho, nhiều đờm, viêm phế quản, viêm thận, viêm bàng quang, sỏi đường tiết niệu, tiểu rắt, tiểu nước vàng, đi tiểu ra máu, viêm gan, viêm mật, viêm loét dạ dày - tá tràng.
Cây mã đề có tác dụng tốt cho sức khỏe vậy nhưng uống nhiều nước mã đề có tốt không?
Uống nhiều nước mã đề có tốt không?
Theo các thầy thuốc Đông y, uống nước sắc mã đề giúp lượng nước tiểu tăng, trong nước tiểu lượng ure, axit uric và muối đều tăng. Nước sắc mã đề tác dụng trừ đờm, tác dụng này kéo dài 6-7 giờ, mạnh nhất sau khi uống 3-6 giờ. Mã đề còn có tác dụng ức chế đối với một số vi trùng bệnh ngoài da.
Mã đề còn được dùng chữa ho có đờm do nhiệt, viêm khí quản, tiểu ra máu, sỏi thận, chảy máu cam, nôn ra máu. Loại lá này không dùng một mình mà thường kết hợp với các vị thuốc khác hãm thành nước chè.
Trong thời tiết nắng nóng, người dân thường tìm tới các loại cây cỏ để giải nhiệt, trong đó có mã đề. Thậm chí, nhiều người dùng nước lá mã đề uống hàng ngày, thay nước lọc.
Tuy nhiên, người dân không thể sử dụng tùy tiện cây mã đề để giải khát. Theo chuyên gia, loại cây này có tác dụng lợi tiểu nhưng điều đó cũng mang lại tác dụng không mong muốn cho người sử dụng. Lương y Bùi Hồng Minh từng gặp trường hợp bà cho cháu uống mã đề để trị rôm sảy khiến cháu rơi vào tình trạng mất nước do đi tiểu quá nhiều.
Do đó, lương y khuyến cáo mã đề không phải là loại cây thuốc dùng kéo dài. Loại cây này cũng được xếp vào loại cây dược liệu, khi dùng cần phải có định lượng, thời gian nhất định.
Ngoài ra các chuyên gia cũng khuyên rằng, phụ nữ đang trong thời thời kỳ mang thai, nhất là 3 tháng đầu không nên sử dụng nước mã đề, nguyên nhân là do chúng có thể dẫn đến sảy thai. Tuyệt đối không sử dụng nước mã đề với các đối tượng thận yếu hay suy thận mạn tính.
Mã đề có nhiều tác dụng nhưng với điều kiện là phải được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, kết hợp đúng bài thuốc. Việc sử dụng mã đề làm thuốc chữa bệnh tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia và bác sĩ.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/uong-nhieu-nuoc-ma-de-co-tot-khong-ar746758.html