Uống nước lọc sai cách cũng gây ngộ độc
Uống quá nhiều nước khiến thận không xử lý kịp sẽ gây ra ngộ độc với các triệu chứng đau đầu, lú lẫn, mất phương hướng, thậm chí hôn mê.
Ngộ độc nước là khi bạn uống nhiều nước hơn mức cơ thể có thể xử lý. Điều này hiếm khi xảy ra nhưng đôi lúc bạn vẫn rơi vào tình trạng đó khi tham gia chơi thể thao hoặc tập luyện cường độ cao.
Các triệu chứng ngộ độc nước bao gồm lú lẫn, mất phương hướng, buồn nôn và nôn. Trong một số ít trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị sưng não và tử vong.
Điều gì xảy ra nếu bạn uống quá nhiều nước?
Tình trạng dư nước xảy ra khi lượng nước trong cơ thể vượt quá khả năng xử lý và bài tiết của thận. Điều đó có thể dẫn đến mất cân bằng chất điện giải, chẳng hạn như natri (muối).
Natri giúp duy trì sự cân bằng nước trong và xung quanh các tế bào của cơ thể. Sự cân bằng rất quan trọng đối với chức năng cơ, thần kinh và duy trì huyết áp. Khi nồng độ natri bị pha loãng trong máu (hạ natri máu), chất lỏng sẽ di chuyển từ máu đến tế bào. Sự gia tăng nước trong tế bào dễ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Dấu hiệu bạn đang uống quá nhiều nước
Các dấu hiệu của việc uống quá nhiều nước có thể khó xác định và gây nhầm lẫn với những bất ổn sức khỏe khác. Một số biểu hiện bao gồm nước tiểu trong hoặc không màu, đau đầu, buồn nôn, ói mửa, lú lẫn, mất phương hướng, chuột rút cơ bắp, buồn ngủ, mệt mỏi. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm độc nước có thể dẫn đến co giật hoặc mất ý thức.
Mặc dù hiếm gặp nhưng theo Verywellheatlh, đã có báo cáo về trường hợp tử vong do uống quá nhiều nước. Mất cân bằng điện giải nghiêm trọng hoặc kéo dài có nguy cơ dẫn đến co giật, mất ý thức và hôn mê, sưng não gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bao nhiêu nước là quá nhiều?
Khó xác định được một mức nước nhất định bị coi là quá nhiều với tất cả mọi người. Độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động thể chất của mỗi người đóng vai trò quyết định lượng nước mà cơ thể có thể xử lý.
Thận của một người trưởng thành khỏe mạnh có thể xử lý khoảng 20 đến 28 lít nước trong một ngày, với khả năng bài tiết 0,8 đến 1 lít mỗi giờ. Do đó, người lớn không nên uống quá lượng này.
Ngộ độc nước có thể xảy ra nhanh hơn ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh thận hoặc suy tim. Thận của họ có thể không hoạt động hiệu quả trong việc xử lý nước.
Bạn cần bao nhiêu nước mỗi ngày?
Không có khuyến nghị chính thức nào về lượng nước lọc mà mọi người nên uống mỗi ngày. Theo Viện Y học Mỹ, lượng nước đó tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, điều kiện nhiệt độ, mức độ hoạt động, tình trạng cơ thể (khỏe mạnh hay có bệnh, có đang mang thai và cho con bú hay không). Trong nhóm 19 đến 30 tuổi, lượng nước tiêu thụ cho nam và nữ lần lượt là 3,7 và 2,7 lít mỗi ngày.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/uong-nuoc-loc-sai-cach-cung-gay-ngo-doc-2281175.html