Uống nước rau húng quế có tác dụng gì?
Uống nước rau húng quế có tác dụng gì là vấn đề quan tâm của không ít bạn đọc.
Rau húng chó còn có tên goi khác là húng quế, húng giổi, é, e tía, hương thái, rau quế…có vị cay, mùi thơm và tính ấm. Có một số bài thuốc trong Y học cổ truyền có sử dụng nước húng quế. Vậy, uống nước rau húng quế có tác dụng gì?
Tác dụng của lá húng quế
Húng quế còn gọi là rau quế, é quế, rau húng giổi, húng chó, hương thái, tên khoa học là Ocimum basilicum L. var basilicum, thuộc họ hoa môi Lamiaceae. Có nguồn gốc từ Ấn Độ, Trung Quốc, ngày nay rau húng quế được trồng phổ biến ở nước ta và các nước khí hậu nhiệt đới thu hoạch làm gia vị cho các món ăn, ở các tỉnh phía Nam còn lấy hạt làm nước giải khát, chè...
Thành phần hóa học gồm có tinh dầu 0,02 - 0,06%, màu vàng nhạt mùi thơm dễ chịu như mùi sả chanh. Trong tinh dầu chứa linalool 60%, cineol 25%, estragol methyl 60%, chavicol 70%, tinh dầu húng quế chứa chất ô-xy hóa nên có thể ngăn ngừa lão hóa và chăm sóc da, tóc.
Ngoài ra húng quế còn chứa Flavonoid gồm orientin và vicenin, tác dụng bảo vệ các tế bào và nhiễm sắc thể từ các bức xạ và ô-xy hóa từ trong môi trường. Húng quế còn giàu betacaroten nên có tác dụng phòng viêm khớp và các tế bào ung thư. Một số dinh dưỡng khác như Magie, sắt, calci, kali, vitamine C, K và giàu chất xơ tốt cho cơ thể.
Đông y cho rằng húng quế có vị cay, tính nóng, thơm dịu, làm ra mồ hôi, lợi tiểu và giảm đau. Húng quế là loại rau gia vị được sử dụng phổ biến trong các món ăn thường ngày. Đây cũng là một trong những loại rau mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe với rất nhiều công dụng chữa bệnh khác nhau.
Uống nước rau húng quế có tác dụng gì?
Dưới đây là tác dụng của nước rau húng quế:
Trị ho ở trẻ sơ sinh: Dùng 1 bó húng chó chỉ lấy hoa và lá non, 2 quả khế chua cùng 50g đường phèn. Đem khế vắt lấy nước còn húng quế cũng giã nát để vắt lấy nước cốt. Trộn đều 2 loại nước cốt với nhau rồi thêm đường phèn và hấp cách thủy trong 1 giờ. Khi nước cô lại thì tiến hành gạn ra bình thủy tinh để bảo quản dùng dần. Mỗi lần dùng thìa nhỏ chấm 1 ít nước thuốc lên miệng để trẻ tự mút, thực hiện đều đặn 3 lần/ngày.
Hỗ trợ thiếu sữa ở phụ nữ đang cho con bú: Dùng một nắm lá húng chó đem nấu với khoảng 1 lít nước dùng để uống trong ngày sữa sẽ ra đều hơn.
Chữa đau răng: Lấy 15g cành và lá húng chó tươi cho vào ấm sắc đặc rồi lấy nước sắc súc miệng mỗi ngày.
Chữa dị ứng mẩn ngứa: Chuẩn bị 3 – 6g hạt cùng với 20 – 30g lá húng chó. Đối với phần hạt đem ngâm với nước cho nổi nhầy. Sau đó giã chung với lá rồi lọc lấy nước pha thêm chút đường để uống. Tận dụng phần bã để xoa lên vùng da bị ngứa.
Hoặc lấy 20g lá húng chó khô cùng với 1 nắm lớn lá khế. Sắc lá húng quế khô lấy nước uống trong ngày. Kết hợp với nấu nước lá khế để tắm.
Chữa sốt: Húng quế có khả năng sát trùng, diệt nấm mốc, kháng khuẩn hiệu quả nên có thể dùng để chữa bệnh sốt. Loại rau này có thể làm dịu nhiều kiểu sốt khác nhau, từ các cơn sốt có liên quan đến những căn bệnh nhiễm khuẩn thông thường đến bệnh sốt rét. Theo y học cổ truyền của người Ấn Độ, để cắt cơn sốt, người bệnh cần uống nước sắc từ lá húng quế.
Phân hủy sỏi trong thận: Húng quế là một trong những loại thuốc lợi tiểu và khử độc rất tốt cho thận. Chúng làm giảm lượng axit uric trong máu (một trong những lý do chính gây bệnh sỏi thận là do tình trạng dư thừa của axit uric trong máu), giúp làm sạch thận. Để chữa sỏi thận, bạn có thể uống nước ép từ lá húng quế với mật ong mỗi ngày trong vòng 6 tháng.
Bảo vệ sức khỏe cho da và tóc: Lá rau húng quế có khả năng thanh lọc cơ thể rất hiệu quả. Khi ăn sống loại gia vị này, chúng sẽ lọc sạch máu cung cấp cho da, mang lại cho bạn một làn da sáng bóng và ngăn ngừa hiệu quả sự xuất hiện của mụn.
Bên cạnh đó, hung quế còn có tác dụng làm dịu cảm giác ngứa rát trên da đầu, chống rụng tóc. Ăn lá húng quế, uống nước ép hoặc đắp mặt nạ từ hỗn hợp lá húng quế giã nát đều có tác dụng tốt cho da và tóc.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Uống nước rau húng quế có tác dụng gì?". Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/uong-nuoc-rau-hung-que-co-tac-dung-gi-ar765519.html