Uống rượu lái xe gây tai nạn: Tước bằng lái vĩnh viễn!
Mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng, thêm vào đó là hình thức phạt tước giấy phép lái xe tối đa 24 tháng là chưa đủ sức răn đe đối với người uống bia rượu lái xe gây tai nạn.
Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi đêm 22-4, tài xế ĐXT lái ô tô lưu thông trên đường Vĩnh Hồ thì xảy ra va quẹt nhẹ với nhiều xe máy, tài xế này không dừng lại để giải quyết mà tiếp tục bỏ chạy ra đường Tây Sơn, sau đó rẽ vào đường Láng. Trong lúc di chuyển, chiếc ô tô của tài xế T. đã tông trúng chị Lê Thị Thu Hà (là lao công đang quét rác trên đường Láng) khiến nạn nhân tử vong. Trong quá trình điều tra, tài xế T. khai nhận đã sử dụng rượu bia trước khi cầm vô lăng.
Trước đó, từ một đám tang của cụ ông trên đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã thành đại tang cho cả xóm khi chiếc xe Lexus của một đại gia đã tông thẳng vào đội đưa tang làm bốn người chết, sáu người bị thương. Xét nghiệm máu của tài xế gây tai nạn, mọi người đều “choáng” khi nồng độ cồn trong máu của ông này gấp 13 lần so với mức cho phép…
Những câu chuyện đau lòng từ người cầm lái sau khi đã uống rượu bia nhiều vô kể, không thể kể hết.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong bốn ngày nghỉ lễ, cả nước đã xảy ra 111 vụ tai nạn giao thông, làm chết 80 người, bị thương 79 người, trong đó số ca cấp cứu do tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia tăng báo động.
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I, triển khai quý I-2019 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức mới đây, một số ý kiến cho rằng Chính phủ nên sớm sửa đổi Nghị định 46/2016 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) theo hướng tước vĩnh viễn giấy phép lái xe (GPLX) thay vì tước có thời hạn đối với tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn.
Thực tế sau nhiều năm triển khai Nghị định 46/2016 cho thấy nghị định này còn tồn tại một số bất cập. Trên thực tế, một số trường hợp vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm quy định về giao thông trên đường cao tốc... có tính chất, mức độ rất nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông cao với hậu quả rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với các trường hợp này quy định trong Nghị định 46 vẫn còn rất nhẹ. Dẫn chứng là mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay là 40 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước bằng lái 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng.
Sở dĩ Nghị định 46 chỉ quy định thời hạn tước GPLX tối đa 24 tháng vì tại Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn tước GPLX, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động là 1-24 tháng.
Nghị định 46 là văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi sửa đổi quy định theo hướng tước vĩnh viễn GPLX đối với tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn thì phải sửa từ trên xuống, tức phải sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính trước, sau đó sửa Nghị định 46.
Thiết nghĩ cần có một cuộc trưng cầu dân ý về việc tước GPLX vĩnh viễn đối với tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn. Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người ủng hộ. Bởi trước những cái chết thương tâm vừa qua, những ngày này, rất nhiều tài khoản mạng xã hội đã đổi ảnh đại diện bằng những khẩu hiệu “Đã uống rượu bia, không được lái xe”; “Đã uống, không lái”; “Uống rượu bia lái xe là tội ác”; “Say xỉn lái xe là tội ác”...