Uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine Covid-19, nên hay không?
Theo các chuyên gia quốc tế và trong nước khuyến cáo, trước khi tiêm vaccine, người chuẩn bị tiêm không nên uống thuốc chống dị ứng, bởi có thể sẽ làm giảm đáp ứng miến dịch của cơ thể.
Khi tiêm vaccine Covid-19, hệ thống miễn dịch được kích hoạt, tạo ra phản ứng bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2. Lúc này, hệ thống miễn dịch của người được tiêm sẽ được kích hoạt, đồng thời có sự giải phóng nhất thời các trung gian gây viêm có thể dẫn đến các triệu chứng như sốt, đau nhức, mẩn đỏ và sưng tấy tại chỗ tiêm hoặc các hạch bạch huyết lân cận.
Có rất ít các trường hợp có nguy cơ tiến triển thành những phản ứng nghiêm trọng nếu người được tiêm dị ứng với polyethylene glycol hoặc polysorbate - đây là những thành phần có trong vaccine Covid-19. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm gặp, thường thông qua cơ chế trung gian immunoglobulin E (IgE), có thể dẫn đến sốc phản vệ.
Tuy nhiên, một số người dân đi tiêm, do lo lắng về những tác dụng phụ nên đã truyền tai nhau việc sử dụng thuốc chống dị ứng để giảm nhẹ các phản ứng đó.
Thuốc chống dị ứng (hay còn gọi là thuốc kháng histamin) có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các loại phản ứng dị ứng bằng cách ngăn chặn các thụ thể histamine khắp cơ thể, ngăn ngừa các triệu chứng này.
Nhưng theo các bác sĩ, việc sử dụng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine là hoàn toàn không đúng và khuyên người dân không nên dùng bất cứ thuốc gì trước khi tiêm vaccine Covid-19. Sau khi tiêm, cơ thể mỗi người sẽ sinh ra những phản ứng khác nhau, có người không có triệu chứng, có người sốt, đau cơ, mệt mỏi, mẩn ngứa, dị ứng, có người lại bị tiêu chảy...
Về tim mạch, có thể có dấu hiệu tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực, huyết áp tăng cao hoặc tụt thấp. Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy. Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái, nặng hơn có thể rối loạn ý thức, hôn mê, ngất…
Một trong các biểu hiện để nhận biết cơ thể phản ứng dị ứng hoặc phản vệ ở mức độ khác nhau như ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy có mày đay, ngứa, phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, phù mạch; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
Đối với những người đi tiêm vaccine về và có xảy ra các phản ứng, nhưng cũng tùy vào từng trường hợp cụ thể mới cần uống thuốc, ví dụ như khi bị sốt, người được tiêm nên dùng thuốc hạ sốt.
Việc uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm không có tác dụng gì thậm chí cơ thể phải làm việc nhiều hơn để chuyển hóa thuốc, đôi khi còn gây ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine Covid-19. Thậm chí có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn.
Chính vì vậy, chúng ta chỉ nên dùng thuốc chống dị ứng sau khi tiêm vaccine nếu có biểu hiện dị ứng, hoặc trước tiêm nếu có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung và điều trị Covid-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Việc người dân tự tìm hiểu các thông tin, kiến thức liên quan đến bệnh là khuyến khích, tuy nhiên không nên tùy tiện áp dụng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những biến vô cùng phức tạp và nguy hiểm, áp lực đối với lực lượng y tế là vô cùng lớn.
Việc tuân thủ phác đồ điều trị chính là cách để bảo vệ mình và giúp lực lượng y, bác sĩ - lực lượng tuyến đầu chống lại đại dịch giảm bớt những áp lực trong quá trình khám, điều trị cho các bệnh nhân liên quan đến Covid-19.