Uống thuốc trôi nổi lành bệnh, chuyên gia nói gì?

Theo chuyên gia y tế Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, muốn đánh giá hiệu quả của thuốc thì phải tiến hành thử nghiệm trên diện rộng, một vài trường hợp không thể khẳng định hiệu quả của thuốc.

Hiện nay, nhiều người tìm mua thuốc điều trị COVID-19 theo truyền miệng. Trong đó thuốc điều trị có nguồn gốc từ Nga được nhiều người săn tìm nhất. Đây là những thuốc chưa được cấp phép sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều người từng là F0 uống thuốc này từ dương tính thành âm tính. Chính vì những hiệu quả bất ngờ đó nên nhiều người chấp nhận mua với giá cao, một hộp thuốc 3 triệu đồng để phòng bệnh.

Ông H. ở quận Đống Đa tâm sự, sau khi ông bị nhiễm F0, đợi mấy ngày không thấy có thuốc từ y tế dự phòng mang đến, nên người nhà của ông đã tìm mua thuốc Nga trên thị trường.

Theo nhiều thông tin, Arbidol là thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cảm cúm ở Nga và Trung Quốc.

Sau 3 ngày sử dụng, ông H. tự test thì mình đã âm tính. “Tôi thấy thuốc này có hiệu quả tức thì. Ngoài thuốc uống cho F0, còn có thuốc dùng cho các F1. Vợ con tôi đều dùng để phỏng bệnh” – ông H. tâm sự.

Nhiều người tự đặt câu hỏi, nếu thuốc Nga tốt như vậy, người ở nước Nga họ uống được, họ dùng được sao người Việt mình lại cấm, không nhập về bán cho người dân.

“Khi số ca bệnh tăng cao, vấn đề quá tải xảy ra là đương nhiên, y tế lúc đó không thể đáp ứng được hết nhu cầu mọi người nên cứ thủ sẵn thuốc trong nhà, khi cần sẽ dùng để phòng thân” – ông H. đã khuyên nhiều người như vậy.

Trước thông tin truyền miệng về tính hiệu quả thuốc điều trị COVID-19 của Nga, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với ông Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam.

Chuyên gia này cho rằng, vấn đề thuốc có hiệu quả hay không thì phải điều tra đánh giá cho kỹ càng. Cái này, không thể nghe theo truyền miệng để khẳng định chất lượng của thuốc.

“Ví dụ như thuốc Molnupiravir hiện đã được cấp phép sản xuất ở Việt Nam thì phải qua thử nghiệm, có hiệu quả tốt mới được cấp phép. Chứ không cứ thuốc uống ở nước ngoài là mình nhập được. Thuốc phải đánh giá được hiệu quả lâm sàng, cho phép sử dụng, cấp phép” – vị này nhấn mạnh.

Ông Trần Đắc Phu cảnh báo, nếu người dân tự ý mua, sử dụng thuốc thì phải mua theo thuốc của Bộ Y tế cấp phép. Điều trị theo bệnh, giai đoạn nào, điều trị khi nào mới dùng đến thuốc thì phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người Việt Nam có thói quen nhiều khi cứ mua, cứ dùng không tham khảo ý kiến bác sĩ. Nước ngoài, kháng sinh phải bán theo đơn. Còn việc một số ca bệnh F0 dùng thuốc từ dương tính thành âm tính vẫn chưa chắc đã do thuốc.

“Nhiều khi, có người tự nhiên âm tính vì cơ thể có kháng thể” – ông Phu nói.

Theo ông Trần Đắc Phu, để khẳng định chất lượng thuốc thì cần đánh giá trên diện rộng, phải triển khai quy mô thì mới khẳng định được. Như thuốc Molnupiravir có triển khai đánh giá.

“Thuốc tăng cường miễn dịch và kháng virus tính ảnh hưởng ngắn, lâu dài tới sức khỏe thế nào phải có đánh giá cấp phép thì mới nên dùng” – ông Trần Đắc Phu khuyên người dân.

Trước đó, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 85/QLD-GT về việc tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19.

Trong văn bản ghi rõ, ngày 1/9, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có Công văn số 10228/QLD-PCTTr gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện nay, thuốc Molnupiravir mới đang được sử dụng trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai, không bán trên thị trường.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc kinh doanh thuốc, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: - Tiếp tục tổ chức thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 10228/QLD-PCTTr ngày 1/9 về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, thông tin quảng cáo thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19 và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, tăng giá thuốc bất hợp lý. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế) các kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo nội dung Công văn số 10228/QLD-PCTTr ngày 01/9/2021 đã triển khai đến hết ngày 31/12/2021 để tổng hợp.

Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra thông tin về việc bán thuốc Molnupiravir tại, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế) ngay khi có kết quả.

Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Đơn vị báo cáo về Cục Quản lý Dược để phối hợp giải quyết.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/uong-thuoc-troi-noi-lanh-benh-chuyen-gia-noi-gi-post176546.html