USAID hỗ trợ Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế bảo tồn đa dạng sinh học

Trong 4 năm qua, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đầu tư 23,9 triệu USD hỗ trợ Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ cộng đồng các địa phương và dân tộc thiểu số, cũng như cải thiện sinh kế cho người dân.

 Dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ người dân nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sinh kế bền vững. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ người dân nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sinh kế bền vững. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày 25/11, tại Đà Nẵng, USAID và 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế đã tổ chức tổng kết Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ. Với dự án này, trong 4 năm qua, USAID đã đầu tư 23,9 triệu USD hỗ trợ Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ cộng đồng các địa phương và dân tộc thiểu số, cũng như cải thiện sinh kế cho người dân.

Theo đó, USAID đã hỗ trợ tập huấn cho hơn 15.000 người về cảnh quan bền vững và gần 1.000 người về quản lý tài nguyên thiên nhiên đối với 512.000 ha rừng có giá trị đa dạng sinh học cao, góp phần giúp hơn 13.300 người được hưởng lợi về cải thiện sinh kế thông qua các hoạt động cảnh quan bền vững và hơn 15.000 người hưởng lợi về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học…

USAID cũng huy động được 59,4 triệu USD đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khối tư nhân và cộng đồng cho việc phát triển các chuỗi giá trị, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, cũng như các hoạt động phục hồi rừng.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của USAID đối với địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, Dự án Trường Sơn Xanh đã tạo cơ hội phát triển sinh kế bền vững cho người dân từ khai thác và chế biến nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên từ lâu chưa được biết đến ở địa phương, thông qua hợp đồng thu mua có giá trị lớn.

Một số sản phẩm dược liệu như đảng sâm, ba kích, chè dây được được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 hoặc 4 sao. Việc cải thiện sinh kế gắn với bảo tồn đã giúp người dân sinh kế bền vững gắn với rừng, đồng thời nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đặc biệt, hơn 337.000 ha rừng có tầm quan trọng về đa dạng sinh học và cảnh quan của Quảng Nam đã được cải thiện về quản lý. Gần 7,5 triệu tấn carbon được cố địch nhờ thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững, áp dụng các mô hình sinh kế thông minh với BĐKH và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải thông qua nỗ lực hạn chết mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Kết quả này đã đóng góp vào thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trường xanh và kế hoạch hành động ứng phó BĐKH, cũng như nâng cao độ che phủ rừng.

“Để đảm bảo tính bền vững của dự án, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo và yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan tập trung nguồn lực từ các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để tiếp tục hỗ trợ, duy trì và nhân rộng các mô hình sau khi dự án kết thúc. Các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân và hỗ trợ cộng đồng thực hiện tốt cam kết phát triển các mô hình sinh kế gắn với bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Lê Trí Thanh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, các kết quả mà dự án đạt được đã cải thiện đời sống của đại đa số người dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, các bộ phận người dân ở ven biển, đầm phá, nhóm yếu thế như người nghèo, phụ nữ, trẻ em….

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock cho biết, USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế trong 5 năm tới thông qua các dự án của USAID được trao thầu gần đây, đó là Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học và Dự án Quản lý rừng bền vững.

Hai dự án mới này cho phép tiếp tục những phương thức tiếp cận rất hiệu quả đã được áp dụng trong khuôn khổ Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, từ đó mang lại lợi ích tích cực cho các tỉnh và những cộng đồng khác tại Việt Nam.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/usaid-ho-tro-quang-nam-thua-thienhue-bao-ton-da-dang-sinh-hoc/415172.vgp