USD tăng nóng có nguy cơ khiến dòng vốn tháo chạy mạnh khỏi châu Á, Việt Nam có thể là ngoại lệ?
Giá USD tiếp tục là một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với các thị trường châu Á. Áp lực từ đồng bạc xanh có thể khiến ngân hàng trung ương một số nước khó cắt giảm lãi suất.
Các quyết định thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cho sự trỗi dậy của đồng USD càng trở nên nguy hiểm đối với chứng khoán châu Á. Lý do là giá USD mạnh lên sẽ làm giảm dư địa cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trong lúc nền kinh tế giảm tốc.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác sẽ làm tổn thương các nhà xuất khẩu châu Á, đồng thời giây áp lực lạm phát và ngăn cản Mỹ hạ lãi suất. Những yếu tố này sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khó tiến hành các biện pháp nới lỏng.
Nhiều đồng tiền từ đô la Australian đến rupee Ấn Độ đã lao dốc vào ngày 3/2, sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế quan Trung Quốc, Mexico và Canada vào cuối tuần trước.
Các chỉ số chứng khoán trong khu vực cũng sụt giảm. Dữ liệu do Blooomberg tổng hợp cho thấy hệ số tương quan giữa chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương và chỉ số USD giao ngay đang ở quanh ngưỡng tiêu cực nhất kể từ tháng 3/2023.
Sau khi ông Trump thông báo hoãn thuế quan với Mexico và Canada, các thị trường châu Á có dấu hiệu phục hồi trong phiên 4/2. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia có lúc đi lên 0,35%, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 1,63%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
Ông Kok Hoong Wong, trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu cho nhà đầu tư tổ chức của Maybank Securities, bình luận: “Một số thị trường mới nổi/châu Á sẽ mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan chừng nào Mỹ vẫn còn đe dọa thuế quan.
Ví dụ, Indonesia đã bất ngờ giảm lãi suất để tạo cú hích cho nền kinh tế, nhưng họ có thể không còn dư địa để cắt giảm tiếp khi đồng nội tệ suy yếu”.
Các quỹ đầu tư toàn cầu tiếp tục bán ra khoảng 12,3 tỷ USD cổ phiếu các thị trường mới nổi châu Á (không tính Trung Quốc) trong tháng 1.
Tính chung trong 7 tháng qua, khối ngoại rút tổng cộng 54 tỷ USD khỏi các thị trường này. Đây cũng là khoảng thời gian khối ngoại bán ròng dài nhất theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp từ năm 2009.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã mất 4,4% kể từ khi ông Trump thắng cử vào tháng 11 năm ngoái. Còn chỉ số USD của Bloomberg thì leo lên mức cao nhất kể từ tháng 11 vào ngày 3/2. Trong cùng khoảng thời gian đó, chỉ số MSCI châu Âu và S&P 500 của Mỹ lần lượt tăng 4,4% và 4,5%.
Bà Kimmy Tong, chuyên gia ngoại hối và thị trường toàn cầu tại Everbright Securities International, bình luận: “Về tâm lý nhà đầu tư, đồng USD mạnh lên thường thúc đẩy họ rút tiền khỏi những tài sản tương đối rủi ro như chứng khoán châu Á và chuyển vốn vào những tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ”.
Việc Trung Quốc có khối nợ lớn bằng USD cũng khiến nước này chịu rủi ro đáng kể khi đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn.
Chuyên gia Wong của Maybank lưu ý thêm rằng Việt Nam, Malaysia và Singapore có thể gặp ít áp lực hơn các thị trường châu Á khác khi những nước này được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc của doanh nghiệp quốc tế.
Đối với các công ty đa quốc gia muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia là hai điểm đến hàng đầu ở châu Á, tờ Bloomberg cho hay.
Cả hai nền kinh tế đều chứng kiến sự bùng nổ về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài trong vài năm qua. Còn Singapore cũng đang nỗ lực tìm kiếm vị trí trong chiến lược “Trung Quốc + 1” bằng cách hợp tác với láng giềng Malaysia để phát triển Đặc khu Kinh tế Johor - Singapore.