USS Dwight D. Eisenhower trở về sau 9 tháng tác chiến cường độ cao ở Biển Đỏ

Đợt triển khai dài và căng thẳng tới Trung Đông của Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower bắt đầu không lâu sau khi xung đột Israel-Hamas tái bùng phát.

Sau gần 9 tháng căng thẳng chống tên lửa và máy bay không người lái của Lực lượng Houthi trên Biển Đỏ, 9 hải đoàn trực thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) đã trở về nhà từ hôm 12/7.

Bay thấp trên căn cứ nằm ở phía Đông Nam bang Virginia, 12 chiếc F/A-18E Super Hornets thuộc Hải đoàn VFA 83 "Rampagers" lần lượt hạ cánh và chậm rãi tiến vào các nhà chứa máy bay gần đó.

Hạnh phúc vỡ òa

Đợt triển khai dài và căng thẳng tới Trung Đông của USS Dwight D. Eisenhower bắt đầu từ ngày 14/10 năm ngoái, không lâu sau khi xung đột Israel-Hamas tái bùng phát. Khoảng một tháng rưỡi sau đó, phiến quân Houthi của Yemen bắt đầu tấn công các tàu thương mại qua lại khu vực Biển Đỏ.

USS Dwight D. Eisenhower được điều tới điểm nóng và tham gia Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng (OPG) do Mỹ dẫn đầu. Kể từ đó Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã 2 lần gia hạn triển khai CVN-69, với lần gia hạn đầu tiên vào cuối tháng 4 và lần thứ hai vào tháng 6.

Theo đó, nhóm CVN-69 đã trải qua 9 tháng căng thẳng ở Trung Đông. Khi được triển khai tới Biển Đỏ, các hải đoàn này cùng với lực lượng không quân và các đối tác liên minh đã dẫn đầu các cuộc tấn công chống lại máy bay không người lái (UAV/drone) và tên lửa của Houthi. Nhiệm vụ của họ là duy trì tự do hàng hải và đảm bảo việc đi lại an toàn trong khu vực.

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trở lại Căn cứ Hải quân Norfolk, ngày 14/7/2024, kết thúc đợt triển khai kéo dài 9 tháng ở Biển Đỏ. Ảnh: Navy Times

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trở lại Căn cứ Hải quân Norfolk, ngày 14/7/2024, kết thúc đợt triển khai kéo dài 9 tháng ở Biển Đỏ. Ảnh: Navy Times

Các thủy thủ trên tàu USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) trở về Căn cứ Hải quân Norfolk, Virginia, ngày 14/7/2024. Ảnh: USNI News

Các thủy thủ trên tàu USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) trở về Căn cứ Hải quân Norfolk, Virginia, ngày 14/7/2024. Ảnh: USNI News

Chiếc cuối cùng của Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower về tới Căn cứ Hải quân Norfolk hôm 14/7. Các Hải đoàn VRC-40 "Rahides" và VAW-123 đã về trước đó vào ngày 12/7. Cùng ngày, các Hải đoàn VFA-83, VFA-131, VFA-32 và VFA-105 đã có mặt tại Căn cứ Không quân-Hải quân Oceana ở Virginia.

Suốt 9 tháng xa cách, gia đình của các thành viên thủy thủ đoàn IKE (tên gọi khác của tàu sân bay lớp Nimitz USS Dwight D. Eisenhower) nóng lòng muốn được nhìn thấy những người thân yêu.

Trên đất liền, các gia đình tập trung tại 2 căn cứ hải quân từ sáng sớm hôm 12/7. Trong khi đó, trên biển, khi mặt trời mọc, mỗi người trong số gần 5.000 nhân viên trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đều háo hức chờ đợi nhìn thấy cảnh tượng bờ biển Virginia thân thuộc.

Người thân chào đón thủy thủ trở về từ tàu USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) trong niềm hạnh phúc vỡ òa, ngày 14/7/2024. Ảnh: USNI News

Người thân chào đón thủy thủ trở về từ tàu USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) trong niềm hạnh phúc vỡ òa, ngày 14/7/2024. Ảnh: USNI News

Trung tá Robert Nelson - với biệt danh "Ngỗng béo", được vợ và bố mẹ hân hoan chào đón.

"Tôi có chút xúc động khi vẫn đang trong buồng lái", Nelson nói với WAVY TV 10, chi nhánh của NBC News tại Portsmouth, Virginia.

Vừa ôm chồng, Lindsay Nelson vừa cho biết hạnh phúc vỡ òa khi cô được nhìn thấy người thân yêu nhất của mình trở về sau 2 lần gia hạn nhiệm vụ.

"Các hoạt động chiến đấu rất bận rộn, ác liệt", Trung tá Nelson nói. "Thật tốt khi mọi người đều đã trở về bình an vô sự. Tôi rất vui vì được trở về nhà với vợ mình".

Trung úy Kyle Rowland, 29 tuổi, đứng cạnh một hàng 5 chiến đấu cơ "Ong bắp cày" F-18. Rowland kết hôn chỉ vài tuần trước khi nhập ngũ.

"Tôi sẽ chạy đến chỗ cô ấy, hôn cô ấy và cảm ơn cô ấy", Rowland nói về vợ mình. "Tôi muốn cảm ơn cô ấy vì đã đợi tôi suốt 9 tháng ròng", anh xúc động chia sẻ với nhật báo The Virginian-Pilot.

Vũ khí lý tưởng

Từ USS Dwight D. Eisenhower, hơn 13.800 vụ xuất kích đã được thực hiện thành công và hơn 31.400 giờ bay được tích lũy, theo Hải quân Mỹ.

Phát biểu với các phóng viên trong khoang tàu, Đại úy Marvin Scott, Tư lệnh Lực lượng Không quân-Hải quân Đại Tây Dương, cho biết trong đợt triển khai vừa kết thúc, có các đơn vị phi công hải quân luân phiên trên không, 10-12 giờ một ngày, 6-7 ngày mỗi tuần.

Theo ông Scott, với khoảng 80-140 lần xuất kích mỗi ngày, nhịp độ hoạt động là "rất, rất bận rộn", và bản thân IKE "thỉnh thoảng" là mục tiêu của các cuộc tấn công của Houthi.

"Trong suốt thời gian ở Biển Đỏ, chúng tôi đã thực hiện hơn 400 cuộc tấn công tích cực bằng cách sử dụng bom dẫn đường chính xác và bắn hạ khoảng 60 máy bay không người lái", ông nói.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trên Biển Đỏ, ngày 7/6/2024. Ảnh: USNI News

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trên Biển Đỏ, ngày 7/6/2024. Ảnh: USNI News

Một chiếc F-18E Super Hornet của Hải đoàn VFA 83 "Rampagers" tại Căn cứ Không quân-Hải quân Oceana, Virginia, ngày 12/7/2024. Ảnh: USNI News

Một chiếc F-18E Super Hornet của Hải đoàn VFA 83 "Rampagers" tại Căn cứ Không quân-Hải quân Oceana, Virginia, ngày 12/7/2024. Ảnh: USNI News

Ngoài các tàu của Hải quân Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết mọi cuộc xung đột trong nhiều thập kỷ qua, tàu sân bay lớp Nimitz USS Dwight D. Eisenhower cũng đã hỗ trợ một số hoạt động chiến lược quan trọng nhất trên biển kể từ Cuộc chiến tàu chở dầu những năm 1980, và mới đây nhất là các hoạt động ở Biển Đỏ.

Soái hạm IKE của Nhóm tác chiến tàu sân bay 2 đã đi đầu trong các nỗ lực của Mỹ nhằm giữ cho các tuyến hàng hải quốc tế được thông suốt trên hành lang Biển Đỏ dẫn đến Kênh đào Suez, bất chấp những cuộc tấn công quấy nhiễu của phiến quân Houthi.

Song song với việc USS Dwight D. Eisenhower trở về neo đậu ở Norfolk, có mặt ở Trung Đông từ hôm 12/7 là Nhóm tác chiến tàu sân bay 9 với soái hạm là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71) để đảm bảo tính liên tục của sứ mệnh hải quân ở Biển Đỏ.

Những gì nhóm Eisenhower thể hiện, theo Đại úy Scott, Tư lệnh Lực lượng Không quân-Hải quân Đại Tây Dương, có thể giúp củng cố vị thế của tàu sân bay (hay còn gọi là hàng không mẫu hạm) trong chiến tranh hải quân hiện đại.

Những người phản đối từ lâu đã lập luận rằng các tàu chiến nổi khổng lồ là mục tiêu hấp dẫn cho tên lửa chống hạm của đối phương. Tuy nhiên, ông Scott cho biết, ít nhất là với phương thức chiến đấu bất đối xứng xảy ra ngoài khơi Yemen, nhóm tàu sân bay tấn công là vũ khí lý tưởng trên biển.

"Nhóm tác chiến tàu sân bay là câu trả lời cho những vấn đề này. Đây thực sự là một cuộc hải chiến", ông Scott, người đồng thời là chỉ huy phi đội CVW-3 tuyên bố.

Minh Đức (Theo DVIDS, WAVY TV 10, The Virginian-Pilot, Ảnh: USNI News)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/uss-dwight-d-eisenhower-tro-ve-sau-9-thang-tac-chien-cuong-do-cao-o-bien-do-204240716152529882.htm