Ưu tiên bảo đảm quyền lợi cho người bệnh
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên cả nước kéo dài từ năm 2022 đến nay. Nhiều người dân đi khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài điều trị do bệnh viện không có sẵn. Nếu tiếp diễn tình trạng này thì người bệnh chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, cần có cơ chế hoàn trả để bảo đảm quyền lợi của người tham BHYT.
Gần đây tại tỉnh Bình Phước, bệnh nhân có BHYT vẫn phải tự mua một loạt danh mục vật tư như gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, băng keo, mũ phẫu thuật. Tại Hà Nội, có bệnh viện không đủ các loại vật tư y tế thiết yếu, phải từ chối nhiều bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nên bệnh nhân phải chuyển đến bệnh viện tư.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại 1.076 cơ sở y tế trên toàn quốc, trong tháng 10/2023, có 67,41% số đơn vị báo cáo đã cung ứng đủ thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh. Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu bảo đảm cơ bản thuốc, vật tư cho công tác khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn đến gần 33% cơ sở y tế trên toàn quốc chưa cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân có BHYT khiến người bệnh nhiều lúc phải tự mua thuốc ở ngoài để kịp thời điều trị.
Theo quy định, cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm đủ thuốc, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế, không để người bệnh phải mua bên ngoài trong thời gian điều trị sử dụng BHYT. Nếu cho phép người bệnh tự mua sẽ có nhiều rủi ro về chất lượng, an toàn về tính mạng, lạm dụng chỉ định hoặc bệnh nhân mua với giá cao ảnh hưởng đến gánh nặng kinh tế của người bệnh.
Với quan điểm phải bảo đảm tối đa quyền lợi của người tham gia BHYT, Bộ Y tế đã giao Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho người bệnh tham gia BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi nếu phải mua thuốc bên ngoài để điều trị.
Theo dự thảo thông tư, để thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám chữa bệnh, cần đáp ứng đủ các điều kiện: thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm cần sử dụng thì thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám chữa bệnh để điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, để được thanh toán, người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế tại nhà thuốc bệnh viện của cơ sở mình đến khám chữa bệnh hoặc mua thuốc ở đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế đã trúng thầu với bất kỳ cơ sở có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.
Cùng với đó, người bệnh hoặc thân nhân, người đại diện hợp pháp theo quy định pháp luật của người bệnh phải xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế được chỉ định bởi cán bộ y tế tại cơ sở khám chữa bệnh, kèm hóa đơn hợp pháp để làm căn cứ thanh toán.
Cơ quan BHXH nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán có trách nhiệm thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, vật tư y tế cho người bệnh. Chi phí thanh toán bằng với chi phí được ghi trên hóa đơn của người bệnh mà nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng cung cấp theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo Bộ Y tế, việc xây dựng, ban hành thông tư nhằm khắc phục những điều kiện bất khả kháng, khách quan. Hơn hết, rất cần có các biện pháp lâu dài, căn cơ về mặt tổ chức thực hiện mua sắm, bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế để có đầy đủ thuốc cho bệnh nhân mà không phải sử dụng quy định này.
Với Quảng Trị, người dân rất quan tâm đến năng lực cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, giám đốc Phan Xuân Nam cho biết, đến nay nhờ những nghị quyết, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế, sự quan tâm của tỉnh mà những khó khăn của bệnh viện trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đã cơ bản được tháo gỡ. Bệnh viện đã nỗ lực cao nhất để có nguồn thuốc, vật tư y tế đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người bệnh, nhằm giúp bệnh nhân yên tâm, tin tưởng điều trị bệnh.
Trở lại với câu chuyện xây dựng thông tư nói trên, mặc dù đang còn giai đoạn lấy ý kiến nhưng với tinh thần chủ đạo là thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho người bệnh tham gia BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi nếu bất khả kháng họ phải mua thuốc bên ngoài để điều trị là việc làm rất nhân văn, được nhiều người chờ đợi. Vì không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị dài ngày, bệnh viện thiếu thuốc cục bộ nên phải tự bỏ tiền ra mua để điều trị kịp thời thì khoản tiền này rất lớn, nhiều gia đình đến khánh kiệt vì bệnh tật.
Nhiều bệnh nhân hiểu và thông cảm với ngành y tế khi vì các lý do khách quan nên việc cung ứng thuốc bị đứt quãng, không liên tục dẫn đến thiếu thuốc chữa bệnh, vật tư y tế cục bộ tại các cơ sở y tế.
Nên việc lấy ý kiến để cho ra đời thông tư mới này mang ý nghĩa rất lớn, dù để thanh toán được tiền mua thuốc không phải là dễ nhưng khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, bệnh nhân sẽ được nhận lại khoản tiền mình đã bỏ ra mua thuốc, tránh được băn khoăn của người bệnh đã tham gia BHYT nhưng khi ốm đau phải tự mua thuốc ngoài điều trị.