Ưu tiên các dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 95,7%
Ngày 13/1, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ GTVT đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm việc không kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C.
Lần đầu tiên trong một năm đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cùng các dự án cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 3 Tp.HCM; Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.
Cũng trong năm 2022, Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì trên 600 cuộc họp và rất nhiều đợt kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.
Cụ thể về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022. Dự kiến hết năm tài chính, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT sẽ đạt 95,7% tổng kế hoạch được giao.
“Với kết quả này, Bộ GTVT tiếp tục là một trong những bộ ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.
Đối với việc triển khai các dự án, về đường bộ, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2km), đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3km) và thông xe kỹ thuật 3 đoạn (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Lĩnh vực hàng không, đã hoàn thành đưa vào khai thác trước 30/4/2022 dự án đường cất hạ cánh và đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; khởi công nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Về đường sắt, 2 dự án thuộc nhóm các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp.HCM cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Về hàng hải, đường thủy nội địa, một số dự án được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành như: Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2), Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (GĐ2), Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ,…
Phát huy kết quả đạt được năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2023, Bộ GTVT sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; Nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm vốn nhà nước là vốn mồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, tổ chức xây dựng, khai thác, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường để làm cơ sở phục vụ cho các dự án giao thông khu vực ĐBSCL cũng sẽ được tập trung.
Đặc biệt, công tác phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được đẩy mạnh. Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được nâng cao. Mô hình tổ chức bộ máy của các Ban QLDA sẽ được kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
“Đối với các dự án đang triển khai, Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu, công tác GPMB, biến động giá nhiên liệu, vật liệu; tăng cường kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động xây dựng, cản trở tiến độ giải ngân”, Thứ trưởng Bộ GTVT Huy nhấn mạnh.
Để không phải "vừa chạy, vừa xếp hàng"
Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, năm 2022, tỉ lệ giải ngân của Bộ GTVT là rất lớn. Tỉ lệ và giá trị giải ngân cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
"Năm 2022, kết quả giải ngân của Bộ GTVT vẫn đạt tỉ lệ cao, là cứu cánh cho tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong năm 2022”, bà Ngọc khẳng định.
Xác định năm 2023 là năm tăng tốc trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, nhiệm vụ của Bộ GTVT trong thời gian tới sẽ rất nặng nề.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ được giao”, bà Ngọc nói đồng thời cho biết, để việc triển khai các quy hoạch đạt được hiệu quả cao nhất, nhiều nhóm vấn đề cần được thực hiện.
Thời gian qua, các dự án được thực hiện theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa làm, vừa trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Quá trình triển khai, các Bộ, ngành đã cùng Bộ GTVT hoàn thành hệ thống thể chế cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để các dự án thực hiện thuận lợi hơn.
"Vấn đề này cần tiếp tục được chú trọng để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông lớn trong thời gian tới”, bà Ngọc chia sẻ.
Vấn đề trọng tâm thứ 2 được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định là việc huy động, phân bổ nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua chủ yếu sử dụng vốn đầu tư công. Việc huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn sẽ nhận được sự phối hợp chặt chẽ để trong quá trình sửa đổi văn bản Luật PPP, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt được sát với thực tiễn hơn”, Thứ trưởng Ngọc nói.