Ưu tiên cấp học 'nền móng' khi triển khai chương trình mới
Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại Hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021. Đây cũng là năm học đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu đối với học sinh lớp 1.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bắt đầu đối với lớp 1. Các địa phương trước đó đã tích cực sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp để tạo thuận lợi cho triển khai chương trình.
Trung bình toàn quốc tỷ lệ phòng học/lớp là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%. Tỉ lệ phòng học tạm, mượn đã giảm đáng kể. Cô trò lớp 1 năm nay không còn cảnh dạy và học trong các phòng học ghép lớp. Phòng học mới dù diện tích nhỏ nhưng cũng đủ đầy các điều kiện học tập.
Đội ngũ giáo viên được sắp xếp cơ bản đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới. Toàn quốc hiện có 406.636 giáo viên cấp tiểu học, tăng gần 6.140 giáo viên so với năm học trước; tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học cũng tăng lên, đạt mức 1,41 giáo viên/lớp. Các giáo viên được lựa chọn giảng dạy cho lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình mới năm nay đều là các thầy cô có trình độ năng lực chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm. 100% giáo viên trước khi đứng lớp dạy lớp 1 đều được tập huấn về chương trình, sách giáo khoa mới…
Chia sẻ tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT cho rằng, học sinh lớp 1 năm nay tự tin, tự chủ hơn trong giao tiếp. Các năng lực về ngôn ngữ (đọc - viết Tiếng Việt) và tính toán của các em cũng phát triển nhanh hơn so với lứa học sinh lớp 1 các năm trước. Hết học kỳ 1, cơ bản học sinh đã có thể đọc trơn, một số em đã đọc thành thạo được văn bản. Kết quả kiểm tra định kỳ học kỳ 1 hai môn Toán và Tiếng Việt của học sinh lớp 1 cho thấy, hầu hết học sinh đạt mức hoàn thành và hoàn thành tốt.
“Lần đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới trong một năm học có nhiều bất thường, biến động, nhưng chúng ta đã rất cố gắng. Dù bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng đến giờ kết quả đã khá yên tâm- ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng chia sẻ.
Từ kinh nghiệm thực tế triển khai chương trình GDPT mới tại địa phương, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh cho hay: Chương trình, sách giáo khoa mới được giáo viên đánh giá là dễ dạy hơn. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục khiến học sinh và giáo viên hào hứng, vui vẻ, hiệu quả giờ học theo đó cũng tăng lên.
Từ kinh nghiệm thành công trong học kỳ I, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả chương trình trong học kỳ 2. Trong đó, tích cực thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá mới để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh; quan tâm đến các hoạt động/môn học mới; và tiếp tục ưu tiên những gì tốt nhất cho lớp 1.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý, các Sở GD&ĐT cần tiếp tục chỉ đạo nhà trường tích cực thực hiện hiệu quả công văn 4612 hướng dẫn việc dạy học chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, để giáo viên làm quen với chương trình mới. Riêng học sinh lớp 5 cần đặc biệt quan tâm chuẩn bị tâm thế để các em bước vào lớp 6 học theo chương trình GDPT mới. Bộ GD&ĐT đã rà soát để bổ sung một số nội dung cho chương trình lớp 5 và bắt đầu từ học kỳ 2 các trường sẽ bố trí linh hoạt việc dạy nội dung bổ sung này.