Ưu tiên gần 15.000 tỷ vốn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại Thanh Hóa
Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ dành khoảng 14.893 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Cử tri tỉnh Thanh Hóa mong ngóng sớm được nâng cấp Quốc lộ 217 đoạn qua huyện Vĩnh Lộc.
Bộ Giao thông vận tải vừa có hàng loạt công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 16 đoạn từ Nhà máy Thủy điện Trung Sơn nối với tỉnh lộ 521D và cửa khẩu Quốc gia Tén Tằn. Bên cạnh đó, xử lý điểm đen giao thông tại trung tâm xã Pù Nhi, đoạn Km 98, Quốc lộ 15C.
Đồng thời, đề nghị Bộ nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 217 đoạn qua huyện Vĩnh Lộc nhằm nâng cao năng lực khai thác tuyến đường, tạo điều kiện để kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư vào các cụm công nghiệp: Vĩnh Minh, Vĩnh Hòa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Lộc...
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho hay, đối với việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ cân đối bố trí khoảng 14.893 tỷ đồng để thực hiện các dự án.
Một số dự án được bố trí vốn để thực hiện đầu tư như tuyến nối TP. Thanh Hóa với các huyện phía Tây Thanh Hóa, tuyến đường Vành đai 3 nhánh đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương...
Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội, Chính phủ phân bổ rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng dãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT,… Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ như kiến nghị của cử tri.
Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải sẽ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường duy tu, sửa chữa từ nguồn vốn bảo trì đường bộ để đảm bảo khai thác an toàn.
Về các kiến nghị của cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thứ nhất, về đề nghị đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 16 đoạn từ Nhà máy Thủy điện Trung Sơn nối với tỉnh lộ 521D, đoạn tuyến có chiều dài khoảng 31km (từ Km5 - Km36), hiện trạng đạt tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi (Bmặt = 3,5m; Bnền = 6m), kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa. Riêng đoạn từ Km5+200 - Km11+600 được mở rộng mặt đường Bmặt = 5,5m.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện sửa chữa định kỳ, đột xuất để đảm bảo năng lực khai thác trên tuyến, tạo điều kiện nhân dân huyện Mường Lát đi lại thuận lợi khi Quốc lộ 15C bị chia cắt.
Thứ hai, về đề nghị xử lý điểm đen giao thông tại trung tâm xã Pù Nhi, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đoạn Km89+600 - Km90+00 trên Quốc lộ 15C, thuộc địa phận xã Pù Nhi, huyện Mường Lát là điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Bộ phê duyệt kế hoạch bảo trì năm 2022, trong đó có nội dung thực hiện bảo trì đoạn tuyến Km89 - Km97.
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đang tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, bao gồm cả việc thiết kế hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông tại vị trí nêu trên để đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương để dọn dẹp hành lang, mở rộng tầm nhìn tại vị trí này.
Thứ ba, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454 ngày 01/9/2021, Quốc lộ 45 là quốc lộ chính yếu khu vực miền trung và có quy hoạch kéo dài kết nối với Quốc lộ 48, tỉnh Nghệ An, quy mô cấp III-IV, 2-4 làn xe.
“Theo quy định tại khoản 4, mục III Quyết định số 1454, đoạn tuyến nêu trên chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.