Ưu tiên giải quyết vấn đề dinh dưỡng ở vùng khó khăn

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm mạnh so với trước đây; chiều cao của thanh, thiếu niên Việt Nam đã cải thiện đáng kể... Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục cần những giải pháp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao thể chất cho người trưởng thành, giúp đất nước có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững...

Hướng dẫn người dân xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cách sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong chế biến bữa ăn.

Hướng dẫn người dân xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cách sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong chế biến bữa ăn.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm mạnh so với trước đây; chiều cao của thanh, thiếu niên Việt Nam đã cải thiện đáng kể... Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục cần những giải pháp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao thể chất cho người trưởng thành, giúp đất nước có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững...

Dinh dưỡng tốt là điều cần thiết cho sự sống còn, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Trẻ em được nuôi dưỡng tốt sẽ có khả năng phát triển và học tập tốt hơn, tham gia và đóng góp cho cộng đồng; đồng thời có khả năng chống chịu khi đối diện với bệnh tật và thiên tai. Thế nhưng hiện nay, Việt Nam đang là một trong 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng (SDD) cao nhất. SDD thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao của thanh niên Việt Nam ở mức thấp. Ngoài ra, thiếu vi chất còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em cũng như năng suất lao động khi ở tuổi trưởng thành.

Để nâng cao thể chất, tầm vóc cho người Việt Nam, Viện Dinh dưỡng đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện dinh dưỡng và nâng cao chất lượng bữa ăn cho người dân như: cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng; nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng bữa ăn hợp lý... Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, sau khi triển khai các giải pháp nêu trên trong một thời gian dài, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Tỷ lệ SDD trẻ em đã giảm nhanh và bền vững, như tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân giảm từ 17,5% (năm 2010) xuống còn 11,1% (năm 2020); tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em giảm từ 29,3% (năm 2010) xuống mức thấp 19,6% (năm 2020). Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng giảm mạnh, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi có hàm lượng vi-ta-min A huyết thanh thấp giảm còn 9,5%, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai giảm từ 36,5% (2010) xuống còn 25,6% (2020). Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới năm tuổi giảm từ 29,2% (năm 2010) xuống còn 19,6% (năm 2020)... Mặt khác, chúng ta đã từng bước kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mãn tính không lây liên quan dinh dưỡng người trưởng thành. Kiểm soát tình trạng béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 12% (năm 2020), trong khi năm 2015, tỷ lệ này là 15,6%.

Mặc dù tình trạng dinh dưỡng của người dân đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề dinh dưỡng. Đó là tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới năm tuổi vẫn cao, và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía bắc là 28,4% và Tây Nguyên là 32,7%. Tại một số tỉnh miền núi, tình trạng SDD vẫn là một gánh nặng lớn, như tại các tỉnh Hà Giang (31,7%), Cao Bằng (30,4%), Kon Tum (33,4%), Gia Lai (32%). Mặt khác tại một số tỉnh, lãnh đạo địa phương vẫn xem nhẹ vấn đề này, mặc dù đã bắt đầu chủ động và đầu tư nguồn lực cho dinh dưỡng, nhưng chưa nhiều. Hiện nay, nguồn lực cho công tác dinh dưỡng tại tuyến cơ sở đang thiếu trầm trọng, cho nên nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc, hoặc trình độ chuyên môn, kiến thức về dinh dưỡng còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số nơi nguồn kinh phí cho vấn đề này còn hạn hẹp, dẫn đến những chương trình dinh dưỡng không có trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đó, mà chỉ có theo chương trình, vô hình trung không bền vững và không bao phủ.

Để cải thiện tình trạng SDD của trẻ em, Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên nhấn mạnh, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời kể từ khi người mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ tròn hai tuổi là rất quan trọng. Đây được coi là giai đoạn vàng quyết định sự phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ của trẻ nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Ngoài ra, các chính sách dinh dưỡng cần khuyến khích một chế độ ăn lành mạnh, cân đối và đa dạng ở mọi giai đoạn cuộc đời. Các chế độ ăn lành mạnh cần được khuyến khích trong trường mầm non, trường học, nơi chăm sóc cho cộng đồng, tại nơi làm việc và nhà ở, cũng như các bữa ăn của mỗi gia đình. Cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý theo đúng nhu cầu để đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu theo vòng đời nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ cho mỗi người dân Việt Nam ở mọi vùng miền; nhất là vùng núi, vùng khó khăn. Chú trọng phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, SDD thấp còi, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm có liên quan dinh dưỡng, bảo đảm dinh dưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp. Tại các tỉnh, cần có chương trình, hành động cụ thể cho chiến lược phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Xây dựng cơ chế, nguồn kinh phí để bảo đảm cung cấp, duy trì hoạt động của chương trình cung cấp dinh dưỡng cho người dân.

THANH MAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/uu-tien-giai-quyet-van-de-dinh-duong-o-vung-kho-khan--640828/