Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Sáng 7.1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu nhiều đề xuất nhằm bảo đảm hiệu quả của các chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục giảm thuế, phí nhưng phải rõ đối tượng

Từ điểm cầu của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, ĐBQH Phạm Văn Hòa (điểm cầu Đồng Tháp) cho rằng, việc tiếp tục miễn, giảm thuế phí là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm, kích thích nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh là cần thiết trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể áp dụng đối tượng nào, doanh nghiệp nào hay tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế? Theo đại biểu, chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, hợp tác xã, các doanh nghiệp có sức lan tỏa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư, yên tâm sản xuất kinh doanh... Việc giảm thuế cho người sử dụng người lao động cũng cần quy định đối tượng lao động là đối tượng nào để tránh mỗi nơi áp dụng một cách tùy tiện, người được hỗ trợ người không được hỗ trợ.

Có cùng quan điểm, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên, cần tập trung hỗ trợ vào một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng, chịu thiệt hại nặng nề với đại dịch, như: dịch vụ du lịch, lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, nhất là ngành hàng không, hay dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống.... Bên cạnh đó, ngành ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại, cần cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận với chính sách. Cùng với đó, phải tăng cường kiểm soát để tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay nhưng không dùng vào mục đích phục vụ sản xuất mà lại đem đi đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác.

Ảnh: Quang Khánh

Ảnh: Quang Khánh

Không để xảy ra sơ suất, nhầm, lọt đối tượng

Về khấu trừ thu nhập chịu thuế, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhất trí với phương án 1 khi cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật đối với hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch. Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của tài chính. "Quy định như vậy là phù hợp và công bằng để tiếp tục khuyến khích, huy động tối đa mọi nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch", ĐB Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Hưng Yên cũng lưu ý, với nhóm chính sách hỗ trợ lao động, việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội cần triển khai, rà soát thực hiện đúng đối tượng, đúng tiêu chí, tránh xảy ra sơ suất, nhầm, lọt đối tượng; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nội bộ để không xảy ra sai sót, tiêu cực, trục lợi chính sách.

ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu tại điểm cầu tỉnh Điện Biên

ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu tại điểm cầu tỉnh Điện Biên

Đối với 2 phương án do Chính phủ trình, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng, có thể có một số lo ngại trong việc nâng giá hiện vật so với giá trị thật như từng xảy ra thời gian qua nhưng không nên đánh đồng hành vi này cho tất cả, không nên vì có “con sâu làm rầu nồi canh” mà Quốc hội không xem xét đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật của doanh nghiệp. Theo đại biểu, việc cần bàn là làm thế nào để có các giải pháp tổ chức thực hiện bảo đảm đạt kết quả tốt. Việc nâng giá, khống giá đã có các quy định của pháp luật quản lý và xử lý. Do đó, ĐB Lò Thị Luyến ủng hộ phương án 1: “Doanh nghiệp ủng hộ bằng tiền và hiện vật đều được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp”. Thực tế thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ, hỗ trợ bằng hiện vật (vật tư y tế, lương thực, thực phẩm…) rất hiệu quả, thiết thực, đáp ứng ngay nhu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm đời sống Nhân dân.

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) nêu rõ, chúng ta sẽ động viên được các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thực tế vừa qua, một số doanh nghiệp đã dùng sản phẩm tự sản xuất để hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở y tế, các tỉnh; một số cơ sở y tế, địa phương khi được hỗ trợ bằng tiền để mua sắm trang thiết bị đã không dám nhận và đề nghị doanh nghiệp chuyển từ tiền sang hỗ trợ bằng hiện vật vì có những vấn đề liên quan tới đấu thầu, chỉ định thầu và trách nhiệm pháp lý sau khi sự việc xảy ra. ĐB Nguyễn Hoàng Mai cũng cho rằng đây là trách nhiệm của Chính phủ khi quy định về việc này. Bởi, Khoản 2 Điều 9 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã giao Chính phủ quy định chi tiết tính trừ như thế nào. Do đó, Nghị quyết Quốc hội không cần nêu rõ nhưng Chính phủ vẫn cần có trách nhiệm quy định chi tiết cách tính toán hiện vật được sử dụng để tài trợ, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uu-tien-ho-tro-doanh-nghiep-hop-tac-xa-ho-kinh-doanh-hlye2vmq43-78794