Ưu tiên kích cầu tiêu dùng, đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tồn kho tăng, xuất khẩu giảm, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải xem xét lại quy mô sản xuất, giảm sản lượng..., thì ưu tiên kích cầu tiêu dùng, đầu tư là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nỗi lo tổng cầu suy giảm
Ít ngày trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chính thức công bố, GDP quý II/2023 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 6,3% so với năm trước. Con số này cao hơn tốc độ tăng trưởng của quý I (4,5%), song chậm hơn dự báo.
Cần nhắc lại rằng, khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero-Covid vào cuối năm ngoái, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra, rằng khi một trong các thị trường lớn nhất toàn cầu mở cửa trở lại, đó sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế toàn cầu. Nhưng có vẻ, mọi chuyện không như kỳ vọng và giờ đây, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp khiến cả thế giới thấp thỏm.
Việt Nam có lẽ cũng vậy, bởi Trung Quốc là một trong những thị trường thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Không tăng như kỳ vọng, số liệu thống kê 6 tháng đầu năm nay cho thấy, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giảm 2,2% so với cùng kỳ. Tất cả xuất phát từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc sụt giảm, tương tự như với các thị trường khác.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ giảm 22,6%, sang Hàn Quốc giảm 10,2%, sang EU giảm 10,1%, sang ASEAN giảm 8,7%, sang Nhật Bản giảm 3,3%... Nguyên nhân là sự suy giảm của kinh tế toàn cầu dẫn tới nhu cầu của các thị trường này sụt giảm.
Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự lo lắng khi triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu còn khá bấp bênh, lạm phát dai dẳng và bất ổn gia tăng, trong khi hệ lụy tác động của Covid-19 vẫn còn hiện hữu.
Sự sụt giảm nghiêm trọng của tổng cầu là điều được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Không chỉ là cầu của thị trường thế giới, mà cả cầu nội địa cũng ở mức yếu. “Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tồn kho tăng mạnh; xuất khẩu 6 tháng giảm 12,1%, nhất là các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày, thủy sản… Thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Khi tổng cầu suy giảm, hệ lụy tới nền kinh tế là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu, mà quan trọng hơn, tác động tiêu cực đến động lực cho sản xuất - kinh doanh và qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Trong một hội thảo gần đây về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, các cấu phần trong tổng cầu, bao gồm cả tiêu dùng trong nước, thị trường nước ngoài và đầu tư đều suy yếu.
Thậm chí, theo ông Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân), vấn đề với Việt Nam không chỉ là đơn hàng giảm, mà còn là nguy cơ mất đơn hàng do không đáp ứng được các vấn đề về sản xuất xanh, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường, các vấn đề về chứng chỉ carbon…
Khi tổng cầu suy giảm, hệ lụy tới nền kinh tế là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu, mà quan trọng hơn, tác động tiêu cực đến động lực cho sản xuất - kinh doanh, qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Các số liệu thống kê về sự sụt giảm trong sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và đặc biệt là tốc độ tăng trưởng thấp 3,72% trong nửa đầu năm 2023 đã chứng minh điều này.
Kích cầu cho tăng trưởng kinh tế
Để thúc đẩy tăng trưởng, kích cầu được các chuyên gia nhắc tới rất nhiều. Hiềm một nỗi, trong các thành tố của tổng cầu, cầu thị trường nước ngoài chỉ có thể trông chờ vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc hội thảo nói trên, ông Phạm Thế Anh nhắc nhiều đến độ mở của nền kinh tế Việt Nam, sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam với thị trường bên ngoài, cũng như khu vực đầu tư nước ngoài. “Dòng đầu tư nước ngoài không thể hỗ trợ cho nền kinh tế trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, bởi khu vực này thường hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Với điều kiện xuất khẩu hiện nay, khu vực đầu tư nước ngoài cũng sẽ loanh quanh ở con số cố định”, ông Phạm Thế Anh nhìn nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi nhấn mạnh các yếu tố rủi ro của nền kinh tế, cũng đã nhắc nhiều đến sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài.
Cứ nhìn vào sự sụt giảm mạnh trong tốc độ tăng trưởng GRDP của Bắc Ninh, sẽ thấy điều này. Nửa đầu năm nay, GRDP của tỉnh này tăng trưởng âm 12,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp khó là nguyên nhân khiến tăng trưởng của địa phương vốn phụ thuộc rất nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài có sự sụt giảm mạnh như vậy.
Khi xuất khẩu sản phẩm chưa dễ phục hồi, theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm vực dậy các ngành xuất khẩu, cần quan tâm thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ. Một trong những dịch vụ có thể thúc đẩy xuất khẩu chính là dịch vụ du lịch. Xuất khẩu dịch vụ du lịch thường chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu của nền kinh tế, vì thế, đẩy mạnh xuất khẩu lĩnh vực này sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế.
Tất nhiên, ở góc nhìn của ông Lâm, kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư cũng cần được thúc đẩy. “Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Lâm đề xuất.
Kích cầu đầu tư cũng là điều được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh. Theo ông, trong khi các động lực tăng trưởng khác là xuất khẩu, tiêu dùng còn yếu, thì thúc đẩy đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là điều quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây chính là một trong những động lực quan trọng mà nền kinh tế có thể “trông vào” trong nửa cuối năm 2023, khi mà năm nay, tổng nguồn lực lên tới hơn 711.000 tỷ đồng được quyết nghị dành cho các chương trình đầu tư công.
Ở góc độ khác, trong một báo cáo vừa được công bố, Ngân hàng HSBC nhấn mạnh vai trò “bệ đỡ” của khu vực nông nghiệp. Tuy nhiên, điều HSBC cảnh báo là những tác động của El Nino đến sản xuất nông nghiệp và đây là điều không thể phớt lờ. “Một tác động phụ khác là sự gián đoạn sản xuất công nghiệp do thiếu năng lượng”, HSBC nhận định.
Thiếu điện đã xảy ra tại Việt Nam những tháng qua, đặc biệt trong tháng 5 và 6. Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước khi nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Bởi thế, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không hẳn chỉ thúc tổng cầu là đủ. Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, Thủ tướng đã nhấn mạnh việc thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho cả phía cung và phía cầu. Các giải pháp mang tính “trọng cung” có lẽ cũng là điều cần được tính tới trong bối cảnh hiện nay.