Ưu tiên năng lượng sạch
Xu hướng đầu tư năng lượng sạch (điện gió, điện năng lượng mặt trời...) phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng trong những năm gần đây là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy người dân và doanh nghiệp đã thực sự quan tâm đến năng lượng sạch và mở ra một hướng khai thác nguồn điện mới mà không lệ thuộc vào các nguồn cung cấp điện truyền thống lâu nay như: than, khí, thủy điện... đang ngày càng cạn kiệt.
Chưa kể, hệ thống thủy điện vốn đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy.
Với nguồn điện năng lượng mặt trời, chỉ cần xét ở quy mô đầu tư hộ gia đình đã nhìn thấy được nhiều lợi ích. Chẳng hạn, với 60-80 triệu đồng, một gia đình có thể lắp đặt trọn bộ năng lượng mặt trời 3kWp (cho ra sản lượng điện khoảng 360kWh/tháng). Nếu hộ gia đình đó sử dụng điện trên 800kWh/tháng, mỗi tháng sẽ tiết kiệm gần 1,2 triệu đồng, họ có thể thu hồi vốn trong vòng 5 năm và tuổi thọ những tấm pin năng lượng mặt trời kéo dài 25 năm. Lợi ích này còn thấy rõ hơn đối với các nhà máy, cơ sở kinh doanh… sử dụng nhiều điện năng.
Để dùng được điện năng lượng mặt trời vào sản xuất hay sinh hoạt, cần phải có hệ thống hạ tầng phù hợp: có trạm, có lưới điện, có đường dây truyền tải, đặc biệt là việc bù trừ công suất khi sụt giảm truyền tải... Do đó, thách thức lớn nhất trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch này một cách rộng rãi trên quy mô cả nước có lẽ là muốn hòa điện năng lượng mặt trời vào hệ thống lưới điện quốc gia rồi từ đó cung ứng ngược trở lại, cần một hệ thống hạ tầng lưới điện phù hợp, không chỉ trong hiện tại mà còn phải có quy hoạch cho tương lai với tầm nhìn xa và sự tính toán căn cơ, phù hợp.
Hiện nay, sự phát triển ồ ạt không theo quy hoạch của các dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhỏ tại nhiều địa phương như: Ninh Thuận, Bình Thuận… đã gây một số vướng mắc lớn, chủ yếu là do lưới điện ở các khu vực này quá tải khiến một phần sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng mặt trời không thể hòa vào lưới điện quốc gia. Một lý do lớn góp phần gây nên sự quá tải là hàng loạt dự án điện năng lượng mặt trời chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ điện năng lượng mặt trời lên lưới điện chung. Do đó, nhiều công trình lưới điện đấu nối lưới điện khu vực rơi vào tình trạng quá tải.
Vậy nên, muốn phát triển năng lượng sạch đồng bộ, bền vững một cách phổ biến, lâu dài, Chính phủ, ngành điện và các địa phương cần sớm quản lý, quy hoạch các dự án điện năng lượng mặt trời phù hợp với thực tế; đồng thời tính toán đầu tư một cách căn cơ cho hạ tầng lưới điện để giải quyết bài toán truyền tải, không để thiệt thòi cho doanh nghiệp, người dân khi đầu tư các dự án điện năng lượng mặt trời.